Giao dịch ở bộ phận “một cửa” của Bảo hiểm Xã hội tỉnh
Từ giao dịch điện tử
Năm 2015, BHXH tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai giao dịch điện tử (GDĐT) đến các đơn vị sử dụng lao động. Bước đầu, BHXH tỉnh vấp phải sự phản ứng gay gắt của nhiều tổ chức, thậm chí không cử người tập huấn, thực hiện cài đặt phần mềm và tổ chức GDĐT. BHXH tỉnh phải nhượng bộ và từng bước giải thích, thuyết phục, kèm chế tài chỉ tiếp nhận hồ sơ qua GDĐT.
Nhờ thế, đến năm 2017, có 100% đơn vị sử dụng lao động thực hiện GDĐT. Ông Nguyễn Văn Thanh, chủ doanh nghiệp Đức Thịnh (TP. Huế) cho biết: "Nhờ thực hiện GDĐT, chúng tôi không cần cử người nộp hồ sơ giấy tại cơ quan BHXH, nhờ đó tiết kiệm được thời gian. Doanh nghiệp được nhận kết quả sớm hơn, không cần chờ đến lịch hẹn như đối với hồ sơ giấy trước đây”.
Khảo sát mới đây cho thấy, thời gian làm thủ tục BHXH của doanh nghiệp trước kia là 335 giờ/năm, nay giảm chỉ còn 52 giờ/năm. Phương thức GDĐT và qua hệ thống bưu điện giúp giảm 16 giờ đi lại, chờ đợi trong việc làm thủ tục tại cơ quan BHXH cho 1 doanh nghiệp/năm. Một số hồ sơ, giấy tờ liên quan, như báo biểu, các bảng kê khai của doanh nghiệp, cá nhân khi tiến hành giao dịch đối với cơ quan BHXH... giảm từ 70% - 80% quy trình thực hiện. Đến nay, 100% văn bản đến và đi đều được ký số và phát hành điện tử trên hệ thống.
Tiện lợi là vậy, song đã có lúc gặp nhiều rào cản như: Nhiều doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm đến ứng dụng công nghệ thông tin; cơ sở hạ tầng, nhân lực, máy móc, đường truyền internet của một số đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu... đã ảnh hưởng đến kết quả triển khai GDĐT. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, đến nay các hạn chế được khắc phục và hệ thống thông tin bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của ngành (bao gồm phần mềm, phần cứng…) trở thành kênh lưu thông thủ tục hành chính (TTHC) bằng GDĐT như một động mạch chủ trên môi trường mạng 24/7.
Đến cải cách thủ tục hành chính
Thời gian qua, BHXH Thừa Thiên Huế tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chuyển đổi tác phong từ hành chính sang phục vụ, tạo chuyển biến tích cực trong cải cách hành chính; gây dựng niềm tin đối với tổ chức, cá nhân. BHXH Thừa Thiên Huế cũng tập trung nguồn lực, quyết liệt triển khai cải cách TTHC trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế một cách đồng bộ.
Trong 3 năm, BHXH tỉnh nỗ lực rất nhiều trong cải cách TTHC và hiệu quả là, từ hơn 260 TTHC nay chỉ còn 32 thủ tục. Văn hóa ứng xử và phong cách phục vụ của nhân viên BHXH cũng đã chuyển biến tích cực theo mục tiêu phục vụ người tham gia và thụ hưởng BHXH tốt nhất. Ông Nguyễn Xuân Tiếu cho hay: "BHXH sẽ đưa tất cả TTHC còn lại vào giao dịch ở mức độ 3 và các TTHC có điều kiện có thể đưa vào giao dịch ở mức độ 4. Đồng thời, sẽ thực hiện GDĐT cho tất cả 32 TTHC; kê khai đóng BHXH chỉ còn 49 giờ tương đương với các nước ASEAN 4. Từ đó, các thông tin, thủ tục được đưa lên môi trường mạng sẽ được bảo đảm tạo điện kiện và minh bạch cho người dân".
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính rất cần đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện làm việc đáp ứng cải cách mới, nhất là đầu tư phần mềm công nghệ thông tin. Đó là vấn đề đặt ra đối với ngành BHXH nói chung và BHXH Thừa Thiên Huế.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Ðình Liệu cho rằng: "Nếu không có sự quyết tâm của ngành cũng như các địa phương trong đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, dù biên chế có tăng bao nhiêu cũng không hoàn thành được các nhiệm vụ như hiện nay, chứ chưa nói đến việc từ năm 2014 đến nay BHXH Việt Nam không được tăng thêm biên chế". Đó cũng là thực tế ở BHXH Thừa Thiên Huế, nơi mà công nghệ thông tin được ứng dụng, đã cùng với việc cải cách thủ tục hành chính BHXH, là “cặp đôi hoàn hảo” đưa các hoạt động nghiệp vụ của ngành BHXH đang ngày càng đáp ứng tốt hơn mục tiêu phục vụ đơn vị và người dân.
Bài, ảnh: Huế Thu