Bảo vệ trẻ tránh bị xâm hại ngay với người có quan hệ gần gũi. Ảnh: MC
Những thống kê biết nói
Thông tin từ Ban Chỉ đạo Kế hoạch số 506 của Bộ Công an về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi cho thấy, trong vòng 2 năm qua, lực lượng chức năng đã phát hiện 3.748 vụ, với gần 4.000 trẻ em bị xâm hại, xử lý 4.354 đối tượng liên quan. Cũng trong thời gian này, các cơ quan chức năng đã phát hiện 8.227 vụ, với 16.649 đối tượng là người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Những con số biết nói này đã gióng lên hồi chuông báo động về việc số trẻ em bị xâm hại, bạo hành ngày càng tăng.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo kế hoạch 411 Công an Thừa Thiên Huế về "thực hiện công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi", trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 33 vụ xâm hại trẻ em (7 vụ xâm hại qua mạng xã hội) với 47 đối tượng xâm hại tình dục trẻ em trong 2 năm qua. Bên cạnh đó còn 281 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi, tăng so với cùng kỳ những năm trước.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra với bất kỳ trẻ em nào, bất kỳ hoàn cảnh nào và bất kỳ ai cũng có thể trở thành đối tượng xâm hại trẻ em. Điều này cũng cho thấy, công tác bảo vệ trẻ em cũng như nguy cơ mất an toàn của trẻ em ở Việt Nam vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại, cần có sự vào cuộc quyết liệt của nhiều cấp, nhiều ngành cũng như phải có sự chung tay của toàn xã hội thì mới đảm bảo trẻ em có môi trường an toàn và được bảo vệ một cách tốt nhất bởi pháp luật.
Luật sư Lê Văn Lập, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cho rằng, hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em ngày càng được hoàn thiện. Tuy vậy, vấn đề trẻ em vẫn bị bạo hành, bị xâm hại, bị vi phạm quyền có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là những văn bản quy phạm pháp luật, những chính sách chưa đi đến được với nhiều người dân, mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được đẩy mạnh, đề cao, được đổi mới phương thức nhưng hiệu quả cũng ở mức độ nhất định.
“Thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc đau lòng như bố xâm hại con gái, chú, bác xâm hại cháu, hàng xóm xâm hại trẻ em, thầy giáo xâm hại học sinh… Với những đối tượng này thì vấn đề nhận thức về quyền trẻ em, ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt. Chính vì nhận thức hạn chế, đạo đức thấp kém, ý thức coi thường pháp luật, coi thường trẻ em cho nên luôn tiềm ẩn nguy cơ xâm hại trẻ em”, ông Lập nhận định.
Cần có nhiều giải pháp bảo vệ trẻ em
Theo ông Lập, nguyên nhân dẫn đến các vụ việc xâm hại trẻ em vẫn gia tăng là do việc phát hiện và xử lý còn rất nhiều tồn tại. Những hành vi này thường diễn ra ở nơi vắng vẻ, kín đáo, đối tượng là những người không có quan hệ gần gũi hoặc là ruột thịt với trẻ em. Vì vậy, trong nhiều trường hợp trẻ em cảm thấy xấu hổ, sợ hãi, không dám kể với ai. Bên cạnh đó là sự thờ ơ của cộng đồng, khi nhiều người vẫn có quan điểm “đèn nhà ai nhà nấy rạng”. “Có những trường hợp người nhà đến tâm sự, nhờ Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tư vấn kể rằng khi trẻ bị bạo hành, xâm hại nhưng hàng xóm vẫn thờ ơ, ngại mâu thuẫn, sợ khi nói ra bị vạ lây, liên lụy nên nhiều trường hợp đã biết, nghi ngờ nhưng lờ đi, không trình báo”, bà Hòa chia sẻ.
“Ở Việt Nam, việc trình báo tố giác, phát hiện, báo cơ quan chức năng còn khó khăn, chậm trễ, nhưng việc cơ quan chức năng có mặt kịp thời để ngăn cản, xử lý cũng bị chậm bởi nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố về nhân lực, nhận thức”, ông Lập phân tích.
Cũng theo ông Lập, để công tác bảo vệ trẻ em đạt hiệu quả, trẻ em được bảo vệ tốt nhất thì cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Giải pháp đầu tiên là về chính sách pháp luật. Mặc dù chính sách pháp luật, chính sách về bảo vệ pháp luật trẻ em của Việt Nam hiện nay tương đối tốt, nhưng cùng với sự phát triển của xã hội thì sẽ phát sinh những tình huống mới, vấn đề mới. Trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng, những nguy cơ phát sinh mới luôn đe dọa trẻ em... Vì vậy, chính sách pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em cũng phải được hoàn thiện, đổi mới, bổ sung để phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện nay.
ĐĂNG TRÌNH