Tiểu phẩm của các em học sinh Trường THCS Phạm Văn Đồng về xâm hại trẻ em
Âm ỉ
Tháng 5 vừa qua, một vụ bạo hành trẻ em tại Sóc Trăng đã khiến không ít người thương cảm, phẫn nộ. Người mẹ mang theo con nhỏ (em H.), kết hôn với người chồng mới mà không ngờ đó là người hành hạ con mình không thương tiếc. Một lần nhậu say về, người cha dượng này dùng dao Thái Lan gây thương tích ở ngực phải, bả vai trái của em, đồng thời trước đó không ít lần lấy điếu thuốc lá đang cháy châm vào nhiều vị trí trên cơ thể em như mặt, đùi, kẹt háng, quăng em xuống nền xi măng khiến em bị sưng nề ở vùng đầu. Em còn bị đổ nước sôi lên người nhiều lần.
Người mẹ tuy sống chung nhà, biết chồng thực hiện các hành vi bạo hành với con trai nhưng không bảo vệ được con, cũng không tố cáo hành vi bạo hành. Có thể thấy sự thờ ơ của người thân đã góp phần dẫn đến nỗi đau thể xác của em H.
Từ trước đến nay, từng có nhiều vụ việc như thế xảy đến cho trẻ nhỏ. Trên mạng internet vẫn còn lan truyền những clip mà em nhỏ bị cha tát liên tục, vừa tát vừa chửi cho đến lúc mặt cháu sưng vù. Bên cạnh bạo lực về thể chất, nhiều em nhỏ còn trở thành nạn nhân của bạo lực tinh thần. Phổ biến nhất và ít bị nhận ra nhất là bạo lực tinh thần tại nhà. Cha mẹ thường ép buộc con phải luôn theo ý mình, phủ định cá tính, nỗ lực của con; chê bai, mắng mỏ, sỉ nhục con, khiến con mất tinh thần.
Bên ngoài gia đình cũng có không ít nguy cơ trẻ bị bạo hành. Trước đây đã từng xảy ra rất nhiều vụ việc trẻ bị các giáo viên mầm non bạo hành gây phẫn nộ dư luận khi các cô giáo vừa đánh, vừa quát mắng, hăm dọa các cháu nhỏ, hoặc ép buộc các cháu uống nước bẩn, ăn thức ăn vừa nôn ói ra ngoài, nhốt cháu một mình trong phòng tối… Hay các vụ bạo lực học đường, ngoài bạo lực thể chất thường đi kèm yếu tố tinh thần, trong nhiều vụ việc đi kèm đánh đập là sỉ nhục, chửi bới, lột quần áo, quay phim tung lên mạng…
Cần hiểu Luật Trẻ em để bảo vệ trẻ em
Đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh chia sẻ: “Bạo hành thể chất gây tổn thương cho trẻ, điều này rất rõ ràng. Nhưng bạo hành tinh thần thì khó nhận diện hơn, thậm chí nhiều người vẫn cho là “chuyện thường” trong xã hội, như dạy con bằng mắng chửi, nhận xét con trẻ theo kiểu chê bai, kỳ thị, hay nghiêm trọng hơn là xâm hại tình dục”. Trẻ bị bạo hành có thể dẫn đến hậu quả là bị sang chấn tâm lý, phát triển lệch lạc về tinh thần. Có trẻ nhút nhát, tự ti, sống khép kín hoặc bị trầm cảm. Có trẻ lại trở nên nổi loạn, thích bạo lực, dùng hành vi bạo lực tấn công người khác, hoặc có thể sa ngã ở lứa tuổi mới lớn.
Cũng theo đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, Luật Trẻ em năm 2016 quy định rất rõ những hành vi bị nghiêm cấm như có hành vi xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em, gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, xao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em…
“Luật quy định rất rõ, nhưng số lượng phụ huynh chịu đọc luật, hiểu luật và ứng dụng pháp luật lại chưa nhiều. Thế nên mới có trường hợp cha mẹ bạo hành con mà không biết mình đang bạo hành, có thầy cô đứng trước cảnh học sinh của mình bị bạn bè tẩy chay, chế giễu mà vẫn chưa nhận thức được nguy cơ có thể xảy ra để kịp thời ngăn chặn”, bà Nguyễn Thị Thúy Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh chia sẻ.
Nhằm lan tỏa những hiểu biết về Luật Trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh trong thời gian qua đã có những chương trình rất thiết thực như tổ chức phiên tòa giả định về xâm hại tình dục trẻ em. Phiên tòa đã đặt ra tình huống về việc trẻ em bị xâm hại bởi người hàng xóm thân thiết, và sau đó người này đã phải chịu hình phạt thích đáng trước pháp luật. Bên cạnh đó, hội còn tổ chức cuộc thi "Phòng, chống trừng phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em" năm 2021. Đây là cuộc thi làm video, tiểu phẩm, phóng sự ngắn về phòng, chống trừng phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em, với những tiểu phẩm ngắn, dễ nhớ, dễ hiểu, giúp người xem hiểu về các quy định của Luật Trẻ em.
Em Trần Ngọc Anh, học sinh Trường THCS Phạm Văn Đồng cho hay, những sự kiện được tổ chức bởi Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh giúp cho em và các bạn, cũng như các phụ huynh biết thêm nhiều kiến thức về Luật Trẻ em, qua đó biết cách tự bảo vệ mình và phòng tránh được nguy cơ bị xâm hại, bạo hành.
Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH