Quy định số 85 của Bộ Chính trị về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý với số lượng khoảng 1.000 người đang nhận được sự đánh giá tích cực từ dư luận. Việc đưa vào diện kiểm tra, giám sát tài sản của những cán bộ cao cấp nhất của Đảng đã minh chứng cho tuyên ngôn không có vùng cấm trong công tác phòng chống tham nhũng của Đảng và sự làm gương của những người đứng đầu. Nhiều ý kiến gọi quy định này là "tuyên ngôn" quan trọng về chống tiêu cực của Bộ Chính trị, của Đảng.
"Tuyên ngôn" của Bộ Chính trị về chống tiêu cực
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng quy định của Bộ Chính trị về kiểm tra giám sát kê khai tài sản của 1.000 cán bộ cao cấp đã góp phần giải tỏa được những băn khoăn, thắc mắc từ trước đến nay trong nhân dân về vấn đề kê khai tài sản mang nặng tính hình thức, kê khai tự nguyện và không có kiểm tra, giám sát.
Ông Nguyễn Túc nhấn mạnh, việc ban hành Quy định đã cho thấy rõ quyết tâm của Bộ Chính trị, nhưng quyết tâm đó có thành hiện thực hay không còn phụ thuộc vào quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Như Bác Hồ từng nói “chủ trương một, phải có biện pháp mười, quyết tâm phải hai mươi”. Đã có quyết tâm rồi, vấn đề còn lại là phải có các biện pháp thích hợp, đây là nhiệm vụ của các cơ quan giúp việc của Đảng, Nhà nước.
Còn theo Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre), quy định này được coi là bước đột phá quan trọng và có ý nghĩa trong công tác quản lý cán bộ và làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, đặc biệt đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước. Khi việc kiểm tra, giám sát được thực hiện ở những cán bộ cấp cao nhất đã thể hiện rất rõ quan điểm của Tổng Bí thư là không có vùng cấm trong các công tác của Đảng và trong thi hành pháp luật.
Ông Nguyễn Quý Huy (đảng viên ở quận Hoàng Mai) tin tưởng việc thực hiện nghiêm túc quy định về kê khai tài sản của Bộ Chính trị sẽ tạo bước chuyển biến chung cho cả hệ thống hành chính. Tuy nhiên, phải rất chú ý về cách thức thực hiện việc kiểm tra để đảm bảo kết quả thu được phản ánh đúng thực tế, sát sao, nghiêm túc và quan trọng là phải công khai để người dân được biết. Điều mà người dân quan tâm nhất hiện nay là việc kê khai có tác dụng ra sao, kết thúc nhiệm kỳ những cán bộ đó có thực hiện đúng cam kết của họ với Đảng.
Ông Huy cho rằng cần có biện pháp để kiểm tra, giám sát thường xuyên, có tác dụng phòng ngừa từ xa chứ không thể chỉ kiểm tra, giám sát khi đã xuất hiện tiêu cực, sai phạm. Những trường hợp đã sai phạm rồi thì phải có biện pháp để tìm ra mấu chốt vấn đề, để từ đó điều chỉnh công tác quản lý cán bộ.
Chọn cán bộ đủ trong sạch để kiểm tra, giám sát
Theo ông Nguyễn Túc, để biến quyết tâm của Bộ Chính trị thành quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân phải có những biện pháp về kiểm tra, giám sát phù hợp cho từng đối tượng, cả người đương chức lẫn người về hưu. Một trong những biện pháp quan trọng nữa là phát huy quyền làm chủ của người dân. Kinh nghiệm từ nhiều vụ việc thời gian qua đã cho thấy, không có người dân tham gia sẽ khó phát hiện được sai phạm. Chỉ dựa vào các cơ quan tham mưu, cơ quan hành pháp của Nhà nước thì việc kiểm tra, giám sát rất kém hiệu quả.
Và đặc biệt, theo ông Nguyễn Túc, làm sao lay chuyển được hệ thống dưới cơ sở, các cấp ủy Đảng cơ sở cũng phải thực sự hành động. Nếu chỉ làm ở trên thì kết quả chắc chắn không cao. Kết quả phần lớn phụ thuộc vào những biện pháp, quyết tâm của các cấp, giúp Bộ Chính trị triển khai quy định này một cách hiệu quả.
Một vấn đề cần đặc biệt quan tâm khi thực hiện việc kiểm tra, giám sát, theo Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đó là lựa chọn cán bộ tham gia vào các đoàn kiểm tra giám sát. Đây phải là những cán bộ thực sự am hiểu chuyên môn nghiệp vụ, có tâm đức, trong sạch, có trách nhiệm và quyết tâm cao, không ngại va chạm.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, thực tế, việc kiểm tra, giám sát kê khai tài sản của cán bộ là một việc vô cùng khó khi càng ngày con người ta càng khôn ngoan, tinh vi, có rất nhiều hình thức để tẩu tán tài sản, tẩu tán nhân sự. Để làm được điều đó, Đảng, Nhà nước cần tạo điều kiện cho các cán bộ, cơ quan thực hiện việc kiểm tra, giám sát trong những vụ việc cụ thể, nhạy cảm. Đặc biệt phải có cơ chế để bảo vệ người tố cáo cũng như người trực tiếp đứng ra kiểm tra, giám sát.
Theo VOV