|
Hồ Hoàn Kiếm - “lá phổi xanh” ở Trung tâm Thủ đô Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Thoạt đầu, chỉ vì mục đích kiếm sống như rất nhiều học sinh từ Khu Bốn ra Hà Nội thời đó, nhưng sau mấy tháng bán sách dạo, không biết tự lúc nào, sức hấp dẫn từ những trang sách đã khiến tôi mơ đến văn chương. Dạo đó, những cuốn sách viết về chiến thắng Điện Biên Phủ – trong đó có tiểu thuyết “Người người lớp lớp” của Trần Dần được nhiều bạn đọc tìm mua. Tôi bán sách trên tàu điện, nhiều khi ghé vào những cửa hàng đầy ắp hàng hóa trên các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Gai… chào mời các cô chủ, bà chủ mặt hoa da phấn xinh đẹp mua sách. Các nhà tư sản ở vùng đất mới được giải phóng cũng tò mò muốn biết nhà văn cách mạng viết những gì…
Một truyện ngắn viết thời kiếm sống đó không thành công, nhưng “mối tình đầu” với văn chương trên những phố phường Hà Nội 70 năm trước đã “níu kéo” chàng kỹ thuật trẻ gắn bó với đường văn. Ngay từ năm cuối khóa 8 Trường Giao thông ở Cầu Giấy, trước “sự kiện bí mật” thời đó - mấy chục bạn học cùng lớp phải bỏ dở khóa học lên đường vào góp sức khai mở “Đường mòn Hồ Chí Minh” qua Vít-thù-lù, Làng Ho đầu năm 1959 - sẵn mộng văn chương, tôi đã viết bài ký đầu tay “Những người đi tiên phong” đăng trên báo “Văn học”...
Mấy tháng sau, tốt nghiệp, tôi rời Hà Nội, liên tục đến những công trường xa xôi, nhưng Hà Nội vẫn là nơi tôi luôn hướng về, là nơi luôn tiếp sức cho tôi thực hiện mộng văn chương. Làm sao quên được những lần từ các công trường và nhất là những năm chiến đấu trên tuyến lửa Trường Sơn, có dịp về Hà Nội, tôi lại được khích lệ, được tiếp sức đi tiếp trên đường văn, được sống trong một không gian văn hóa phong phú. Đó là Nhà hát Lớn và Nhà hát Nhân dân san sát những hàng ghế gỗ giữa “quảng trường” không mái che với những đêm diễn "Lu-ba", "Con nai đen"... và các rạp chiếu bóng Kinh Đô, Long Biên, Đại Đồng, Hòa Bình... thường đông nghịt người; trong đó, loại khán giả "khát phim" vì sống ở những nơi xa xôi như tôi thì có ngày xem tới 2-3 suất. Cũng không thể quên Nhà sách Tràng Tiền như là một điểm sáng của Thủ đô, người có học về Hà Nội hẳn đều ghé lại.
|
Tác giả (bìa phải) với các nhà văn đàn anh |
Lại cũng phải nói là tôi có “duyên” sớm được gần gũi với các nhà văn thuộc hàng “cây đa cây đề” của văn học Việt Nam. Trước hết do nhà anh chị mà tôi “tạm trú” mỗi khi từ các công trường về Thủ đô (nhà bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và chị Phương Thảo – cựu nữ sinh Đồng Khánh Huế) rất gần nhà của một số nhà văn tên tuổi như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Khải, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Thành Long, Kim Lân, Nguyễn Xuân Sanh... Vậy nên tôi có dịp gặp các ông không chỉ một đôi lần; cũng do các ông ưu ái một cây bút trẻ đang ở nơi đầu sóng ngọn gió, giúp đọc, hướng dẫn, sửa chữa những sáng tác của cây bút trẻ. Tôi đã hoàn thành cuốn sách đầu tay - tập ký sự “Vì sự sống con đường” (NXB Thanh niên, 1968) tại Hà Nội. Như một duyên may, nhân chuyến ra Hà Nội công tác, nhờ nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh và nhà viết kịch Học Phi nhiệt tình nói "vun vào", tôi được cơ quan linh động cho ở lại Hà Nội thêm một tháng để hoàn thành tập sách. Tình cờ, nơi tôi "tạm trú" để viết tập ký sự ở đối diện với căn phòng nhà phê bình Hoài Thanh trên phố Trần Quốc Toản; mỗi lần máy bay Mỹ gầm rú lao vào Hà Nội, tôi đều nhường ông trước căn hầm trú ẩn vừa đắp thành ụ giữa sân và nhìn "lén" ông với ánh mắt đầy ngưỡng mộ…
Cũng không thể quên, khi viết tiểu thuyết "Đường qua làng Hạ", các nhà văn Nguyễn Công Hoan, Bùi Huy Phồn, Đoàn Giỏi, Tô Hoài đã nghe tôi đọc tác phẩm mấy buổi liền tại trụ sở Hội Nhà văn 65 phố Nguyễn Du… Tất cả đã góp phần nuôi dưỡng, kích thích và gợi cảm hứng sáng tác cho tôi. Tuy chưa có tác phẩm nào viết riêng về Hà Nội, nhưng hình ảnh Hà Nội đã hiện ra sinh động trên nhiều trang sách đã xuất bản của tôi. Đó là tình cảm thiêng liêng của những chiến sĩ thanh niên xung phong, công nhân trên đường đèo Mụ Giạ giữa đêm khuya, bên những đoàn xe tiến ra mặt trận, lòng hướng về Hà Nội, nơi Bác Hồ vừa bắt tay giao nhiệm vụ lịch sử giữ con đường huyết mạch của Tổ quốc cho đồng chí Bí thư Đảng ủy Công trường 12A tại Đại hội "Bảo đảm giao thông" đầu tiên hồi năm 1966. Đó là hình ảnh những con người Hà Nội như kỹ sư Sơn, công trình sư Tâm, cô An giám sát viên, cô Loan y tá... giữa cuộc chiến đấu quyết liệt trước bom đạn kẻ thù và cả trước những kẻ cơ hội, giả dối, trước những phút yếu hèn của chính bản thân mình, đã trở nên "thép đã tôi", đã thành những nhân vật điển hình trong tiểu thuyết bộ đôi "Đường giáp mặt trận" và "Chỗ đứng người kỹ sư". Trong tiểu thuyết “Những cánh cửa đã mở” (1987) hay tiểu thuyết “Biết đâu địa ngục thiên đường” (2010), những cuộc “đụng đầu” giữa các nhân vật có nhiều ý nghĩa, có sức nặng tư tưởng, phần lớn đều diễn ra tại Hà Nội. Chính vì từ vị thế của Thủ đô, các nhân vật cũng như tác giả - cho dù ở “tỉnh lẻ” hoặc từ miền đất heo hút nào về - đều được “chạm” đến những vấn đề lớn của thời cuộc, những niềm vui và cả những nỗi buồn không phải của riêng ai...
Còn nhớ, lần tôi trở lại Hà Nội trong không khí Thủ đô náo nức chuẩn bị cho Đại lễ 1000 Thăng Long - Hà Nội. Trở lại Thủ đô, dù mái tóc đã pha sương, mắt mờ, chân chậm, dù "dấu xưa" chẳng còn bao nhiêu, nhưng những kỷ niệm cũ, những con đường cũ từng dẫn tôi đến ngưỡng cửa văn thơ vẫn sống mãi trong tâm hồn tôi, mặc dù Hà Nội đã đổi khác ngoài sức tưởng tượng.
Chẳng nên níu giữ những điều cũ kỹ, lạc hậu với thời đại mới. Vậy nhưng cứ thoáng một mối lo mà không ít người đã bày tỏ: Liệu rồi đây Thủ đô sẽ là một phiên bản của Hồng Kông, Thượng Hải? Liệu còn chi là “Hà Nội” không?... Một vấn đề không dễ trả lời, không chỉ với Hà Nội – sự hài hòa giữa phát triển và bảo tồn vốn cổ, gìn giữ những dấu tích xưa, “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm…” như lời ca khúc nổi tiếng của Nguyễn Đình Thi.
Cũng may là tôi đã dành được buổi sáng, trước khi rời Hà Nội, đi dạo ra hồ Hoàn Kiếm. Ai cũng biết đây là vùng “đất thiêng” không chỉ của Hà Nội. Như sợ làm tan vỡ mất kỷ niệm xưa vừa sống lại, tôi khẽ ngồi xuống chiếc ghế mới bên hồ, khép hờ mi mắt chốc lát. Thực chứ không phải mơ. Chú bé bán sách báo dạo ngày ấy đã trở thành nhà văn. Có lẽ do tầm mắt vừa choáng ngợp trước những nhà cao tầng vây quanh Hà Nội, trong buổi sáng cuối xuân, khi làn sương đêm chưa kịp tan, hồ Hoàn Kiếm như bé hơn “ngày xưa”. Thật may là bao “âm mưu” xây các công trình “đồ sộ” quanh hồ Hoàn Kiếm như tòa nhà “Hàm cá mập” đã bị chặn lại. Tháp Rùa, được sương mù như tấm khăn mỏng manh choàng quanh, càng tôn vẻ cổ kính…
Có thể xây dựng hàng loạt khu nhà cao tầng hoành tráng như tôi đã thấy trên vùng Cầu Giấy, nhưng không gian quanh hồ Hoàn Kiếm, với những đường phố cũ rất đáng có những tầm biển đồng ghi tên tuổi các văn nhân đã góp phần làm sáng danh Hà Nội, ví như “Nơi đây, nhà văn Nguyễn Tuân đã sống…”. Một vùng đất như thế, cả nước chỉ có một và ngàn năm chỉ có một mà thôi….
Phải! Hà Nội là Thủ đô của cả nước, “không phải của riêng ai”, nên đâu chỉ riêng tôi, có bao người đang nhớ về Hà Nội những ngày này với “niềm tin và hy vọng” như lời một bài hát hào hùng năm xưa…