|
Các cựu chiến binh trở lại chiến khu xưa |
Hơn nửa thế kỷ, kể từ khi theo gia đình vượt sông Hai Nhánh lên chiến khu, đây là lần đầu tôi quay trở lại quãng sông này. Dù đã hạ đến mức thấp nhất, nhưng nước hồ Tả Trạch vẫn mênh mông. May mà ở phía bờ tây còn có động Mang Chang cao sừng sững và mỏm núi Mỏ Tàu ở phía bờ đông hắt bóng mình lên mặt nước đã giúp những người từng tham gia kháng chiến như chúng tôi “định vị” được quãng sông mà mình từng băng qua, dù những bến bờ năm xưa đã bị phủ lấp.
Sáng ấy, giữa mùa Xuân của năm 1971, sau một đêm băng đồi và luồn rừng, đoàn chúng tôi đến bờ đông sông Hai Nhánh. Từ bên này sang bên kia, tôi ước chỉ lội chừng mươi phút. Dù lúc ấy mực nước của sông Hai Nhánh chỉ cao ngang ngực nhưng do ở giữa dòng, dưới đáy sông nước chảy xiết. Có người loạng choạng ngã vì không giữ được thăng bằng khi vô tình dẫm lên những viên đá cuội phủ đầy rong rêu. Không gian rộn rã bỗng im thin thít khi ở đâu đó trên không trung vọng đến tiếng máy bay, không rõ là L.19 hay OV 10. Hai loại máy bay này lúc trời quang thường thay nhau trinh sát. May mà sáng đó chúng ở xa nên chúng tôi bình yên.
Sông Tả Trạch phát nguyên từ vùng rừng núi Nam Đông. Trước khi đổ về xuôi, đến khu vực thác Cạn sông chia làm đôi. Dân gian lấy đặc điểm này đặt tên sông là Hai Nhánh. Nhánh phía đông dài chừng 1 cây số (phía nam thuộc địa phận xã Xuân Lộc - Phú Lộc, phía bắc thuộc xã Dương Hòa - Hương Thủy), nhưng nước ở nhánh sông này khá sâu; còn nhánh phía tây dài chừng 3 cây số (nay thuộc địa phận xã Dương Hòa) chạy quanh co qua nhiều ghềnh thác nên có nhiều bãi cạn, mùa khô lội sông dể dàng. Hai nhánh đông - tây hợp lưu ở đồi Rường - điểm cao 229 trước khi nhập vào dòng Tả Trạch đổ về sông Hương.
Trước khi ngăn dòng Tả Trạch, sông Hai Nhánh còn hẹp và cạn nên trong chiến tranh, những người tham gia kháng chiến đều chọn quãng này, chủ yếu là nhánh phía tây làm điểm vượt sông. Vào mùa khô nước cao lắm chỉ ngang ngực nhưng khi lội cũng phải dè chừng, bởi chỉ cần ở phía Bạch Mã – Nam Đông có “trộ mưa dông” thì trong nháy mắt, nước sông đột ngột dâng cao. Nhiều người hy sinh không phải vì bom đạn mà vì tai ương ập đến bất ngờ này!
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn đã từng kể cho tôi nghe những chuyện đau lòng mà ông từng chứng kiến ở dòng sông này. Thời đó, giữa năm 1968, Đại đội An ninh vũ trang của ông đã chuyển từ khe Trái - Hương Trà vào vùng khe Đầy- Hương Thủy. Như bao cán bộ, chiến sĩ khác, do hậu cứ bị thiếu đói trầm trọng nên ông đã cùng đồng đội tìm cách xâm nhập vùng giáp ranh của hai xã Hưng Lộc và Hải Thủy để thu mua gạo.
Kể về trường hợp hy sinh của kiện tướng bơi lội có tên là Xương (không biết họ), ông Hồ Xuân Mãn nói: "Sáng đó Tổ An ninh 4 người gồm tôi và các anh: Hải, Tự, Xương từ đồng bằng cùi gạo lên. Chuẩn bị vượt sông thì có đoàn từ đồng bằng lên nhập đoàn. Dù trời không mưa nhưng nước sông Hai Nhánh đột ngột dâng cao. Sợ thám báo, biệt kích bất ngờ tập kích, các chị không biết bơi lại mang vác nặng nên anh Xương (quê huyện Sông Thao, tỉnh Phú Thọ) xung phong cõng.
Trước khi tăng cường cho Tiểu đoàn An ninh vũ trang Huế, anh Xương là kiện tướng bơi lội của Công an vũ trang miền Bắc.14 chị lần lượt được anh cõng đưa sang bờ an toàn, đến khi quay lại bờ - nơi ba anh em chúng tôi đang canh gác thì bất ngờ anh Xương bị nước cuốn trôi mà nguyên nhân có thể do kiệt sức bị "vọp bẻ". Sau này chúng tôi được biết, thi thể anh Xương trôi về tận Tân Ba, bà con mình đi củi phát hiện đem chôn ở đó".
Ngoài trường hợp ông Xương, ông Hồ Xuân Mãn còn kể cho tôi nghe về trường hợp hy sinh của ông Hải (Phó Bí thư Huyện ủy Phú Lộc, quê Thanh Hóa). Hôm ấy ông Hải cùng cần vụ của mình đang lội ở giữa dòng thì bất ngờ sẩy chân bị nước sông Hai Nhánh cuốn trôi. Thi thể không tìm thấy!
Còn trường hợp sống sót của ông Lê Thanh Chỉ (quê Phong Điền, Đội trưởng thu mua của Ban Kinh tế Thành ủy Huế) là quá hy hữu. Hôm đó ông Chỉ đang lội qua sông Hai Nhánh bất ngờ bị nước cuốn, may mà vớ được khúc gỗ. Nhờ có cái "phao” cứu sinh này nên ông Chỉ thoát chết!
Điểm sông Hai Nhánh xuất hiện từ đầu những năm 1960. Nó hình thành sau khi có Nghị quyết 15 lịch sử. Từ vùng núi A Lưới, xuyên qua tuyến đường bí mật này, Tỉnh ủy Thừa Thiên đã cử cán bộ, chiến sĩ xâm nhập vùng đồng bằng Hương Thủy - Phú Vang, nam Phú Lộc nhen nhóm, gây dựng phong trào nhằm chống lại sự cường bạo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Đến giữa năm1968, khi phần lớn cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị “đánh bật” khỏi đồng bằng, các cơ quan của Thành ủy Huế và Huyện ủy Hương Thủy đã dựa vào thế “núi cao hào sâu” lập căn cứ ở bờ tây sông Tả Trạch thì điểm vượt sông Hai Nhánh không còn giữ bí mật được nữa.
Để khống chế điểm vượt sông này, theoTrung úy nguyên Đại đội phó Đại đội hành lang Hương Thủy Nguyễn Trung Kiên, cuối năm 1968, quân đội Mỹ đổ quân xuống cồn nổi (điểm cao 229) nằm ở cuối sông Hai Nhánh và lập căn cứ quân sự ở đây.
Giữa năm 1969, khi đang vượt sông Hai Nhánh thì 10 cán bộ, chiến sĩ của Huyện đội Hương Thủy bị máy bay phản lực F4 ập đến thả bom. Tất cả hy sinh, trong đó có Trợ lý Dân quân Nguyễn Văn Long, người cùng quê Mỹ Thủy với tôi.
Ông Kiên cho biết:
Để nhổ “cái gai”này, cuối năm đó, Thành đội Huế đã giao Tiểu đoàn 1 Đặc công thực thi nhiệm vụ. Nhờ kết hợp cường tập bằng hỏa lực và mật tập, cuối cùng căn cứ 229 của Mỹ bị xóa sổ.
Dù không còn quân chiếm đóng nhưng với phương tiện và thiết bị trinh sát hiện đại, kèm theo là “định vị” của những toán biệt kích bí mật xâm nhập, quân đội Mỹ đã biến điểm vượt sông Hai Nhánh trở thành “tọa độ chết chóc”.
Nguyên Huyện đội trưởng Lê Hữu Tòng cho biết, khi vượt sông Hai Nhánh, Huyện đội Hương Thủy có 19 cán bộ, chiến sĩ hy sinh chủ yếu vì đạn pháo.
Còn Thành đội Huế, sau khi thoát khỏi cuộc bao vây kéo dài 4 ngày ở khu vực động Mang Chang, cuối năm 1968 đã phải liên tục di chuyển. Để có gạo nuôi quân, đơn vị cử người về đồng bằng thu mua. Và khi đang ở giữa sông Hai Nhánh bất ngờ trúng đạn pháo hoặc trực thăng xả đạn, chỉ tính trong 2 đợt đã có đến 30 cán bộ, chiến sĩ hy sinh!
Nguyên Trưởng ban Kinh tế Hương Thủy (1968-1971) Phan Thanh Long cho biết, năm 1968, đơn vị của ông có trên 200 người nhưng trong vòng chưa đầy một năm đã có gần một nửa hy sinh, chủ yếu vì bom. Riêng tại sông Hai Nhánh cuối năm 1968, khi cả đoàn đang vượt sông thì bất ngờ máy bay Mỹ ập đến ném bom. 40 chị hy sinh không tìm được thi thể!
Những trường hợp trên sau hơn nửa thế kỷ mới được những người sống sót kể lại và họ đoán quyết rằng ở sông Hai Nhánh đồng chí, đồng đội của mình hy sinh nhiều lắm, vì ngoài lực lượng của địa phương, thời chiến tranh còn có nhiều đơn vị chủ lực của Quân khu Trị Thiên như Trung đoàn 6, 271, K 32 Hỏa lực, K33 Đặc công và Trung đoàn 1, 2 của Sư đoàn 324… tham gia chiến đấu ở khu vực này.
Thăm lại vùng sông Hai Nhánh, bất ngờ Trung tá Ngô Văn Hoàng, nguyên Bộ đội Đặc công K33 hỏi: “Ở bờ sông này có chôn 22 Liệt sĩ không biết đã cất bốc, di dời chưa?”.
Thay bằng trả lời đồng đội, ông Lê Hữu Tòng thuật lại hoàn cảnh ra đời bài thơ “Đưa em về” của nhà báo Ngô Kha sáng tác đầu năm 1972 dành để tặng hai nữ cán bộ nằm vùng; đó là chị Dương Thị Gái, Huyện ủy viên Hương Thủy (nay còn sống) và chị Nguyễn Thị Nỗ, Q. Bí thư Đảng ủy xã Hưng Lộc (đã hy sinh ). Sở dĩ Lê Hữu Tòng biết tường tận là vì năm ấy ông là Huyện ủy viên, Huyện Đội phó Hương Thủy. Sau khi họp Huyện ủy mở rộng, ông được giao trách nhiệm đưa họ vượt sông Hai Nhánh. Cùng tiễn hai nữ cán bộ về đồng bằng hôm ấy còn có nhà báo Ngô Kha. Trong khi chờ giao liên, ngay bên bờ sông này, nhà báo Ngô Kha đã sáng tác và đọc cho chúng tôi nghe. Vì nó mộc mạc, gần gũi nên tận bây giờ chúng tôi còn nhớ!
Theo đề nghị, ông Lê Hữu Tòng xúc động ngâm:
Đưa em về bên tê sông Hai Nhánh/ Con nước độ này khỏi phải bơi/ Mùa Xuân còn mang hơi lạnh/ Xa bếp lửa hồng, em về xuôi/ Qua Ba Lô em về Cắm Biển*/ Dưới tầm đạn pháo La Hy*/ Rọ, gáo phen ni hay lùng kiếm/ Biệt kích có lùng các đường đi/ Về khu Ba, em qua khu Một/ Đi hôm nay kịp chuyến trực không/Trời tối trăng, em xuôi chắc tốt/Vẫn băn khoăn từng đợt cannon/ Em về xã Hưng hay qua xã Hải/Những đồi trọc em lướt băng băng/ Một lùm cây hay chùm dứa dại/ Che dùm em vệt sáng trực thăng
…
Dù chưa phản ảnh đầy đủ về những mất mát, hy sinh nhưng bước đầu nhân chứng đã cung cấp nhiều cứ liệu quan trọng, qua đó minh định: Hai Nhánh là điểm vượt sông trọng yếu của cán bộ, chiến sĩ ta trong chiến tranh, là nơi ghi dấu những trang sử bi hùng về cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Thăm lại chiến khu xưa, càng thấm thía hai câu thơ của Tố Hữu:
“ Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa / Ai chưa đến đó như chưa rõ mình!” .
|
Ngày 6/9/2024, thực hiện chỉ đạo của Thưởng trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Thị ủy Hương Thủy phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức khảo sát địa điểm sông Hai Nhánh và cơ bản thống nhất chọn khu vực Đồi Rường - điểm cao 229 (cồn nổi sông Hai Nhánh) để dựng bia trong tiến trình lập hồ sơ đề nghị công nhận địa điểm sông Hai Nhánh là di tích lịch sử. |
(Còn nữa)
* Những địa danh nằm ở vùng gò đồi Hưng - Hải lúc ấy thuộc Hương Thủy. Hưng Lộc nay là xã Lộc Bổn - Phú Lộc. Hải Thủy nay là xã Thủy Phù - Hương Thủy.