ClockThứ Bảy, 12/06/2021 06:45

Hậu cứ khe Quýt, dấu ấn một thời oanh liệt

TTH - Mới đây, chúng tôi - nguyên cán bộ Đội Trinh sát An ninh Vũ trang huyện Phú Lộc và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Toàn – nguyên cán bộ Tổ Tình báo T65, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã về thăm khe Quýt - căn cứ chiến khu xưa nằm ở giáp ranh giữa đồng bằng và phía đông nam chân núi Bạch Mã.

Tác giả (bên phải) trong một lần trở lại hậu cứ khe Quýt (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Căn cứ được lập năm 1965, trong thời điểm ta đã làm chủ được nhiều vùng nông thôn ở các huyện trong tỉnh. Trước tình hình đó, lãnh đạo Công an huyện Phú Lộc thành lập Tổ Trinh sát An ninh Vũ trang gồm 6 đồng chí, làm nhiệm vụ diệt ác, phá kìm, hỗ trợ phong trào quần chúng đấu tranh chính trị, binh vận để mở rộng vùng giải phóng.

Tháng 5/1972, toàn tỉnh Quảng Trị được giải phóng, nhưng Nguyễn Văn Thiệu cùng với quan thầy Mỹ mở chiến dịch tái chiếm Quảng Trị. Sau 81 ngày đêm chiến đấu, mà tâm điểm cuộc chiến là thành cổ Quảng Trị, cuối cùng, kế hoạch tái chiếm của Mỹ, Thiệu bị thất bại.

Quảng Trị được giải phóng. Hệ thống ngụy quân, ngụy quyền đóng tại tỉnh Quảng Trị và Bộ Tư lệnh Vùng I Chiến thuật của địch phải chuyển vào Thừa Thiên. Sự dịch chuyển này của tổ chức địch đồng nghĩa với địa bàn hoạt động của Tổ Tình báo T65 của An ninh khu Trị Thiên Huế bị thu hẹp. Trước tình hình này, Tổ Tình báo T65 được chuyển về đóng hậu cứ hoạt động ở khe Quýt để phối hợp với Đội Trinh sát An ninh Vũ trang huyện trong các hoạt động.

Sau thất bại của cuộc hành quân Lam Sơn 719 (gọi là chiến dịch Nam Lào) và thất thủ tỉnh Quảng Trị, Nguyễn Văn Thiệu đã thay Hoàng Xuân Lãm - Tư lệnh Quân đoàn 1 kiêm Tư lệnh Vùng I Chiến thuật bằng Ngô Quang Trưởng. Từ đó Trưởng đã kịp thời lập tuyến phòng thủ mới, tuy không quy mô hiện đại như hàng rào điện tử Mac Namara của Mỹ ở Quảng Trị nhưng cũng đủ để phòng thủ và phản công lại khi ta tấn công vào Huế và các huyện.

Trước tình hình đó, Tổ Tình báo T65 phát huy tối đa lợi thế vốn có. Ngoài móc nối lại điệp viên trong các trung tâm đầu não, Tổ còn xây dựng cơ sở điệp báo mới để tiếp cận các kế hoạch của Tư lệnh mới Ngô Quang Trưởng.

Đầu năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết. Đây là cơ hội để ta đẩy mạnh các hoạt động. Căn cứ khe Quýt lại được phát huy. Lúc này các báo cáo của cơ sở điệp báo tăng lên nhanh chóng. Phương thức liên lạc qua “hộp thư sống”, “hộp thư chết” bị quá tải, tài liệu lấy được của địch khá nhiều. Trong đó có báo cáo hoạt động quân sự của chiến trường Trị Thiên, nhất là báo cáo thống kê khí tài quân sự của địch đã sử dụng và được bổ sung mới.

Trước yêu cầu của tình hình mới, trên điều động điệp viên nằm trong các tổ chức của địch ra khe Quýt giao nhận tài liệu, gặp lãnh đạo an ninh Khu Trị Thiên Huế để huấn luyện và trực tiếp giao nhiệm vụ.

Đầu năm 1975, ta mở chiến dịch đợt 1 (tháng 1) giải phóng Huế. Lúc này địch phản công quyết liệt. Đợt này chúng có gây cho ta một số tổn thất. Căn cứ phòng thủ của chúng ở Thừa Thiên cơ bản còn nguyên vị trí. Nhưng đến tháng 3/1975, phối hợp với chiến dịch Tây Nguyên- Buôn Ma Thuột, ta mở chiến dịch lần thứ hai để giải phóng Thừa Thiên Huế.

Lúc này, Ngô Quang Trưởng với tư tưởng tử thủ trên đất Huế, tuyên bố sẽ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Tình hình ở Thừa Thiên Huế vô cùng khẩn trương, nóng bỏng và sôi động. Phối hợp với Đại đội cối 81 thuộc cánh Chỉ huy Mặt trận phía Nam Thừa Thiên, ta đã đánh chia cắt giao thông tại Ngã 3 Ràng Bò thôn Đá Dầm xã Lộc Điền, buộc các đoàn xe quân sự, dân sự ở trong ra ngoài vào phải thoái lui.

Trước cục diện mới này, Tổ Tình báo T65 đã tăng cường chỉ đạo mạng lưới điệp báo cài cắm trong các cơ quan chỉ huy của địch tuyên truyền tác động mạnh vào tư tưởng của những viên sĩ quan chỉ huy, nhất là chỉ huy phòng thủ phía bắc (hướng ở Quảng Trị vào) và phía tây (hướng từ A Lưới về) góp phần làm cho chúng hoang mang cực độ, bức rút, bỏ vị trí phòng thủ lui về Huế, góp phần tạo ra sự hỗn loạn trong toàn bộ lực lượng quân Ngụy.

Từ đó Ngô Quang Trưởng rút lui (di tản) bằng máy bay trực thăng từ Sở chỉ huy Vùng I Chiến thuật - Mang Cá Huế ra tàu hải quân trên vùng biển Thuận An. Quân lính còn lại, vứt vũ khí chạy bộ về cửa Thuận An, Tư Hiền, qua xã Lộc Vĩnh vào Lăng Cô, qua đèo Hải Vân vào Đà Nẵng. Nhưng với cách đánh hành tiến, ta đã kịp thời truy đuổi, vây bắt gần 10 vạn tù binh tại vùng biển Thuận An - Vinh Hiền. Những tên bị ta bắt cuối cùng là ngày 26/3/1975; đồng thời cũng là ngày ta giải phóng toàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đã bao năm trôi qua, căn cứ (hậu cứ) của ta ở khe Quýt vẫn còn các phế tích. Năm 2008, Tổ Tình báo T65 cùng Công an huyện Phú Lộc đã dựng bia đá mang dòng chữ: “Nơi đây: Hậu cứ Tổ Tình báo T65, Anh hùng lực lượng CAND (1972-7975)”.

Đây là căn cứ - hậu cứ rất có ý nghĩa của ta trong kháng chiến chống Mỹ. Tuy quy mô và ý nghĩa lịch sử không thể sánh với địa đạo khe Trái huyện Hương Trà, là nơi Bộ Chỉ huy Tổng công kích và Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968 của ta vào Huế, đã được tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cách mạng.

Hy vọng căn cứ - hậu cứ khe Quýt, với chiến công trên qua 10 năm hoạt động sẽ được Bộ Công an quan tâm sớm cho xây dựng bia tưởng niệm để ghi lại dấu ấn lịch sử một thời oanh liệt của lực lượng tình báo T65 và công an huyện Phú Lộc, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cho thể hệ trẻ công an tỉnh nhà.

NGUYỄN VĂN BÒN

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận
Danh sách bình luận (1)
LT
Lê chí Tịnh - 30/03/2024 16:49
Nhân chứng lịch sư một thời kiên cường, không tiếc máu xương để bảo vệ đất nước.

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dấu ấn đảng viên trẻ

Xác định vai trò là đội dự bị tin cậy của Đảng, những năm qua, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã tập trung bồi dưỡng những đoàn viên ưu tú phấn đấu trở thành đảng viên trẻ tiêu biểu, là hạt nhân nòng cốt cho hoạt động Đoàn, Hội, Đội và góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Dấu ấn đảng viên trẻ
Sông Hai Nhánh - Dấu ấn hào hùng - Kỳ 2: Tri Ân

Những ai trân quý quá khứ hào hùng của dân tộc, nhớ về những người hy sinh có thể ghé thuyền dâng một nén hương vì cần biết rằng, dưới làn nước xanh thẳm kia là xương cốt của nhiều liệt sĩ mà đến nay thân nhân họ không còn cơ hội kiếm tìm.

Sông Hai Nhánh - Dấu ấn hào hùng - Kỳ 2 Tri Ân
Sông Hai Nhánh - Dấu ấn hào hùng - Kỳ 1: Dòng sông máu

Mỗi khi nhắc đến sông Hai Nhánh, mấy anh em từng thoát ly tham gia kháng chiến, chúng tôi đều ước mong có dịp quay trở lại địa điểm được ghi nhận là ác liệt nhất khi từ đồng bằng lên hậu cứ. Được Bí thư Thị ủy Hương Thủy Lê Ngọc Sơn giúp đỡ và đích thân Chủ tịch UBND xã Dương Hòa Lê Văn Thức trực tiếp đưa đi, cuối cùng chúng tôi toại nguyện.

Sông Hai Nhánh - Dấu ấn hào hùng - Kỳ 1 Dòng sông máu
Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông
“Dấu ấn” và đóng góp trong sự phát triển vững chắc của địa phương

Cán bộ, đảng viên, người dân Phú Vang luôn nhận thức đúng đắn về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nhiệm vụ quân sự quốc phòng, từ đó chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương phát triển vững chắc. Để đạt được kết quả đó, có “dấu ấn” và đóng góp không nhỏ của Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện.

“Dấu ấn” và đóng góp trong sự phát triển vững chắc của địa phương
Return to top