ClockChủ Nhật, 28/04/2024 06:44

Hiện thực hóa quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương

TTH - Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được phê duyệt và công bố rộng rãi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là tiền đề, điều kiện hàng đầu để tổ chức triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả.

Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư côngHạ tầng giao thông tạo sức bật cho các đô thịMở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4: Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn. Ảnh: Ngọc Hiếu

Với hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp mà Quy hoạch tỉnh đã đề ra cùng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh sẽ từng bước hiện thực hóa quy hoạch, tạo những đột phá trong mục tiêu sớm đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Nền tảng kinh tế dựa trên 3 trụ cột

Trong số rất nhiều nội dung mà Quy hoạch tỉnh đề cập, việc tạo đột phá từ kinh tế đóng vai trò quan trọng khi mà điểm yếu cố hữu về quy mô nền kinh tế của tỉnh vẫn nhỏ đang tồn tại thời gian dài.

Để phát triển kinh tế xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh, Quy hoạch tỉnh đã chỉ rõ, kinh tế Thừa Thiên Huế sẽ phát triển theo hướng hiện đại, kinh tế xanh, kinh tế số, bền vững, có lợi thế với cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp gắn với không gian phát triển đặc thù của thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa và thiên nhiên.

Trong cơ cấu kinh tế, dịch vụ đóng vai trò chủ đạo. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao, dịch vụ hậu cần và vận tải, đào tạo số, đổi mới sáng tạo là đột phá; công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.

Đi sâu vào các lĩnh vực quan trọng, lãnh đạo tỉnh cho biết, tỉnh sẽ tập trung phát triển các loại hình du lịch với sản phẩm đa dạng, đặc trưng, khác biệt, đẳng cấp. Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế và có hàm lượng tri thức, công nghệ cao gắn với công nghệ số, kinh tế số.

Đối với phát triển công nghiệp sẽ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm, có tác động lan tỏa và trở thành ngành kinh tế quan trọng gắn với phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh của tỉnh.

 Quy hoạch tỉnh đã tạo lập không gian phát triển mới cho đô thị Huế

Thời gian qua, trong nhiều thời điểm khó khăn, nông nghiệp chính là trụ đỡ cho nền kinh tế của tỉnh. Việc nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng giúp ngành nông nghiệp duy trì đà phát triển.

Quy hoạch tỉnh cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ cho phát triển nông nghiệp. Đó là phát triển ngành nông, lâm, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất gắn với công nghiệp chế biến và thị trường. Phát triển bền vững kinh tế rừng, biển, đầm phá, ngập nước; phát triển ngành công nghiệp chế biến lâm sản, trồng cây dược liệu. Ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ…

Ngoài ra, quy hoạch hướng xây dựng kinh tế biển phát triển đột phá với hệ thống cảng biển nước sâu Chân Mây đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị biển - đầm phá; phát triển kinh tế hàng hải; nuôi trồng và khai thác thủy sản, nhất là đặc sản nổi trội vùng đầm phá; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới... phát triển hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành “Công viên đầm phá Quốc gia’’.

Riêng đối với kinh tế di sản gắn với du lịch và công nghiệp văn hóa bao gồm các hoạt động nhằm bảo tồn, quảng bá, đa dạng hóa sản phẩm và tạo nguồn thu từ di sản văn hóa. Chuyển hóa không gian di sản trở thành nguồn lực, động lực tăng trưởng mới. Xây dựng nền tảng kinh tế dựa trên 3 trụ cột là kinh tế du lịch, kinh tế di sản, kinh tế tuần hoàn; phát huy giá trị di sản bằng du lịch văn hóa, cảnh quan, đô thị và sinh thái…

Triển khai nhiều giải pháp trọng tâm

Mặc dù Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, nhưng chặng đường trước mắt để triển khai thực hiện quy hoạch là vô cùng quan trọng và còn nhiều thách thức, khó khăn.

Tại hội nghị công bố quy hoạch tỉnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Tỉnh cần tập trung phối hợp với bộ, ngành hoàn thành thủ tục về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội; để năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương nếu đủ điều kiện.

Thủ tướng cho rằng, tỉnh phải luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, khơi thông mọi nguồn lực; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược.

“Thừa Thiên Huế cần làm mới văn hóa truyền thống bằng công cụ hiện đại, quốc tế hóa bản sắc, tinh hoa văn hóa dân tộc và dân tộc hóa các giá trị, tinh hoa văn hóa thế giới. Phát huy hiệu quả 3 trung tâm động lực kinh tế của tỉnh, bố trí nguồn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển. Phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch, kinh tế di sản theo hướng xanh, số, tuần hoàn”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, ngay sau khi công bố quy hoạch, tỉnh sẽ chỉ đạo triển khai kịp thời các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, đề án, dự án nhằm cụ thể hóa Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh.

Trong nhiều giải pháp mà tỉnh đề ra, đáng chú ý là giải pháp về huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút đầu tư. Theo đó, tỉnh sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công; “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, kích hoạt thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư (PPP) trong phát triển hạ tầng chiến lược. Ưu tiên đầu tư cho mạng lưới hạ tầng quy mô lớn.

Liên quan đến giải pháp phát triển nguồn lực đất đai, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đóng vai trò quan trọng. Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị quỹ đất sạch, mặt bằng sản xuất sẵn sàng thu hút các dự án đầu tư phát triển công nghiệp chế biến chế tạo.

Xác định tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong tương lai, tỉnh sẽ từng bước xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực có trọng tâm, trọng điểm, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống đô thị thông minh; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và nâng cấp đô thị trực thuộc Trung ương; xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển các đô thị trung tâm trở thành các đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị. Các trung tâm đô thị sẽ có quy hoạch khu chức năng phù hợp yêu cầu quy hoạch, chiến lược và quy chuẩn quốc gia về quy hoạch xây dựng; định kỳ xem xét, rà soát các quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện, quy hoạch khu chức năng... theo quy định; đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.

“Tỉnh cam kết sẽ nỗ lực hết mình, tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi nhất, thực chất, hiệu quả. Tỉnh sẽ nhanh chóng triển khai những lợi thế thành kết quả cụ thể, thiết thực, luôn lắng nghe, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chung sức, đồng lòng cùng địa phương hiện thực hóa quy hoạch trên tinh thần chân thành, tin cậy, hiệu quả”, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định.

Lê Thọ
ĐÁNH GIÁ
4.3
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố đồ án Quy hoạch phân khu Khu đô thị phía Bắc

Ngày 5/11, Ban Quản lý dự án (DA) Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh tổ chức hội thảo công bố đồ án Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) Khu đô thị phía Bắc, phường Hương An, Hương Sơ, Hương Vinh (TP. Huế) và xã Hương Toàn (Hương Trà).

Công bố đồ án Quy hoạch phân khu Khu đô thị phía Bắc
Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các phân khu

3 tháng cuối năm 2024 là thời điểm tăng tốc nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) năm 2024, đặc biệt là việc phục vụ Đề án (ĐA) thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và Đề án thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nên TP. Huế đang đẩy nhanh tiến độ các dự án (DA), ĐA nhằm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các phân khu
Bước đệm cho thành phố trực thuộc Trung ương

Với mục tiêu từng bước hoàn thiện hạ tầng, tạo bước đệm cho thành phố trực thuộc Trung ương, TP. Huế đã và đang triển khai nhiều dự án (DA) quy mô lớn, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các công trình kịp hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2025.

Bước đệm cho thành phố trực thuộc Trung ương
Công bố đồ án quy hoạch chi tiết Khu nhà ở xã hội XH1

Chiều 23/8, Công ty CP Đầu tư Phú Mỹ Thượng phối hợp với Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị, UBND phường Phú Thượng (TP. Huế) tổ chức hội nghị công bố Đồ án quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Khu Nhà ở xã hội XH1, Khu C – Đô thị mới An Vân Dương.

Công bố đồ án quy hoạch chi tiết Khu nhà ở xã hội XH1

TIN MỚI

Return to top