|
Không gian dọc hai bờ sông Hương tạo ra diện mạo mới cho Huế |
Người dân đồng tình, ủng hộ
Quy hoạch tỉnh đã được công bố rộng rãi, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, toàn thể Nhân dân, doanh nghiệp thống nhất trong nhận thức và hành động. Đây là tiền đề, điều kiện hàng đầu để tổ chức triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả. Từ quy hoạch này, người dân đã hình dung được tổng thể về hình hài của thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai.
Vừa qua, HĐND đã thông qua Đề án công nhận khu vực dự kiến thành lập thành phố Thừa Thiên Huế đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Đây là cơ sở đảm bảo điều kiện để trình đề nghị Quốc hội quyết định việc thành lập thành phố Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương.
Chính quyền tỉnh cũng tổ chức lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đề án đã nhận được sự quan tâm cũng như kỳ vọng của người dân đối với sự phát triển của vùng đất Cố đô.
Theo đề án, thành phố Huế sẽ được chia thành 2 quận, phía bắc sông Hương đặt tên Phú Xuân, phía nam là Thuận Hóa. Cùng với 2 quận này còn có 3 thị xã, 4 huyện với diện tích gần 4.947,10km2, quy mô dân số là 1.380.489 người.
Có lẽ, trong quá trình lấy ý kiến sẽ xuất hiện nhiền góc nhìn, quan điểm cá nhân khác nhau nhưng những cái tên được lựa chọn đã đảm bảo tính lịch sử của mảnh đất Cố đô, nhận được sự ủng hộ cao của người dân.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ đề án của tỉnh. Những tên gọi các đơn vị hành chính trong đề án rất phù hợp, vừa có ý nghĩa truyền thống, lịch sử, vừa phù hợp với xu thế hiện nay. Đề án được tỉnh công bố công khai, lấy ý kiến của người dân, đó cũng là cách giúp chúng tôi tự ý thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng tỉnh, góp phần hướng đến mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, ông Lê Minh Quốc (phường Phú Hội, TP. Huế) chia sẻ.
Không chỉ lấy ý kiến cử tri, trước đó, việc xây dựng đề án đã tham vấn ý kiến của các chuyên gia. “Tôi đồng ý với phương án lấy tên là thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Phải khẳng định rằng, tên gọi Thừa Thiên Huế cũng rất đáng trân trọng, song chúng ta không chọn không có nghĩa là không coi trọng. Lựa chọn Huế vì tên gọi này đã đi vào tiềm thức của mọi người, mang tính thương hiệu toàn cầu”, KTS Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nêu quan điểm.
Từ hiến kế của chuyên gia, đề án đã chỉ rõ về sự cần thiết thành lập 2 quận thuộc thành phố Huế trực thuộc Trung ương; tầm quan trọng của việc thiết lập đơn vị hành chính có quy mô diện tích tự nhiên và dân số phù hợp với năng lực quản lý của bộ máy chính quyền địa phương cấp huyện, tạo điều kiện thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Huế trực thuộc Trung ương trong tương lai... “Đề án đã thông tin rất cụ thể về quan điểm, mục tiêu, định hướng và tầm nhìn phát triển của Huế trong tương lai. Những nội dung đó giúp người dân chúng tôi có những thông tin rõ ràng, cụ thể. Ngay từ bây giờ, chúng tôi có thể hình dung về nơi mình đang sinh sống sau vài thập kỷ nữa, điều đó rất đáng phấn khởi”, ông Nguyễn Văn Trung (xã Điền Hòa, huyện Phong Điền) bày tỏ.
Tạo ra những giá trị mới
Theo UBND tỉnh, hiện nay, tỉnh đang tập trung nguồn lực triển khai thực hiện cho các nhiệm vụ cấp bách để thực hiện trình Đề án đến Quốc hội trong thời gian tới. Trong đó, các quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch tỉnh là tiền đề quan trọng để thực hiện các bước tiếp theo. Các sở, ngành, địa phương cũng đẩy mạnh các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được đặt ra trong năm nay. Đó là việc đầu tư chỉnh trang hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, tạo ra diện mạo mới, phấn đấu cùng tỉnh hoàn thành mục tiêu.
Quy hoạch tỉnh đã thổi vào luồng sinh khí mới, giúp người dân có nhiều niềm vui mới. Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được quy hoạch nêu rõ. Đây cũng là mong ước bấy lâu nay của người dân.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nói rằng, nếu trở thành thành phố trực thuộc Trung uơng, tỉnh sẽ có thêm nhiều nguồn lực đầu tư, từ đó phát triển hạ tầng, hoàn thiện cơ sở vật chất, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Phương cũng nhấn mạnh đến việc chỉ đạo triển khai kịp thời các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, đề án, dự án nhằm cụ thể hóa Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh. “Tỉnh cam kết sẽ đổi mới sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của tỉnh; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Quy hoạch tỉnh đã đề ra”, ông Phương nói.
Với những nhiệm vụ trong quy hoạch, lãnh đạo tỉnh cho rằng, dù dự báo sẽ gặp khó khăn trong quá trình thực hiện, song đó là những mục tiêu khả thi. Sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong những năm qua đủ để minh chứng cho điều đó. Và Quy hoạch tỉnh là một tiền đề và cơ sở quan trọng để Thừa Thiên Huế mở rộng thu hút đầu tư nhằm tạo thêm nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Tất cả những định hướng, nhiệm vụ đó nhằm từng bước tạo ra các giá trị mới, như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Huế phải trở thành xứ sở hạnh phúc và tràn đầy năng lượng.
Huế đã tạo ra cảm xúc đẹp trong lòng người dân và du khách. Kinh tế - xã hội cũng gây ấn tượng, chuyển biến tốt qua từng năm, một đô thị mới dần “nên hình thành dạng” với môi trường xanh, sạch, sáng… Song muốn trở thành xứ sở hạnh phúc, Huế phải chuyển mình, hình thành nên là một thành phố khác biệt, là nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng.