ClockThứ Năm, 25/03/2021 14:15

Hiện vật lịch sử gợi nhớ 46 năm trước

TTH - 46 năm qua kể từ ngày quê hương Thừa Thiên Huế được giải phóng, có biết bao câu chuyện kể về những chiến công oanh liệt của quân và dân ta để có được ngày vui trọn vẹn như hôm nay. Những hiện vật của quân địch mà quân giải phóng thu được trong chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế tháng 3/1975 hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế là những câu chuyện, những nhân chứng lịch sử.

Ký ức những ngày giải phóng Huế bên giàn hỏa tiễnTrải nghiệm ở địa chỉ đỏ

Cán bộ Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế giới thiệu hiện vật quân giải phóng thu được trong chiến dịch giải phóng quê hương

Chị Lê Thị Mai An, thuyết minh của bảo tàng chỉ vào những hiện vật: “Đây là áo quần, thắt lưng, bao súng, phù hiệu đơn vị; kia là khuôn dấu, máy thông tin, súng các loại… của quân Việt Nam Cộng hòa được quân giải phóng thu được trong chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế. Những hiện vật ấy nói lên sự thất bại nặng nề của quân địch trước quân giải phóng trong những ngày tháng 3 lịch sử”.

Nhớ lại tháng 3 năm ấy, trước sức mạnh tấn công của quân ta trong chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế, hàng nghìn xe địch di tản từ Huế vào Đà Nẵng đã bị các cánh quân của ta chặn đứng, phải quay trở lại trong hoảng loạn. Pháo binh tầm xa của quân giải phóng dội bão lửa vào các mục tiêu ở Phú Bài, Sở chỉ huy của địch ở Mang Cá, ở La Sơn, Lương Điền, Mũi Né, căn cứ Đống Đa, sân bay Tây Lộc…

Ông Lê Trường Giang, nguyên Trưởng ban Quân báo Tỉnh đội Thừa Thiên nhớ lại: “Trước sự tấn công ồ ạt của ta, địch rút chạy tán loạn về hướng các cửa biển Thuận An, Tư Hiền để mong thoát thân vào Đà Nẵng. Bọn ngụy quân, ngụy quyền vừa chạy, vừa dắt díu vợ con tìm cách thoát thân - một cảnh tượng hết sức hỗn loạn như đàn ong vỡ tổ. Trên các tuyến đường bọn chúng tháo chạy, một lượng lớn xe cộ, áo quần, giày mũ, súng ống, đạn dược... vứt ngổn ngang. Cuộc tháo chạy kinh hoàng đó là dấu chấm kết thúc  bộ máy ngụy quyền ở Thừa Thiên Huế”.

Trong số những hiện vật mà quân giải phóng thu được trong chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế được lưu giữ tại bảo tàng có không ít hiện vật của địch tại căn cứ tiền phương Quân đoàn 1 - ngụy đóng tại Mang Cá Huế. “Chiếc áo giáp của Mỹ trang bị cho quân ngụy Sài Gòn này là chiến lợi phẩm mà ta thu được trong chiến dịch xuân 1975 tại căn cứ chỉ huy Quân đoàn 1 ở Mang Cá Huế”, chị Lê Thị Mai An chia sẻ.

“Lâu nay đến tham quan bảo tàng, chúng em chỉ quan tâm đến những kỷ vật lịch sử mà ít để ý đến những hiện vật của quân địch được quân giải phóng của ta thu được. Được giới thiệu và qua những tư liệu lịch sử, chúng em càng thêm hiểu biết về những chiếc phù hiệu hạ sĩ quan lục quân ngụy Sài Gòn; hoa mai bằng đồng cấp đại uý ngụy; Huy chương Anh dũng bội tinh; súng AR15 của Mỹ… Các hiện vật có liên quan đến sự kiện địch tháo chạy trong chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế tháng 3/1975”, em Nguyễn Văn Mạnh, sinh viên Trường đại học Khoa học - Đại học Huế trò chuyện.

Trong thời khắc lịch sử 46 năm trước, xe cộ, quần áo, giày, mũ, súng ống, đạn dược địch vứt ngổn ngang dọc đường rút chạy. Một số sĩ quan, công chức ngụy quyền nhanh chân kiếm được tàu về Đà Nẵng hoặc chạy ra Hạm đội 7. Số còn lại định lên tàu mong vào Đà Nẵng, nhưng quân giải phóng đã chặn đường ra biển.

Sáng 26/3/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên bầu trời Cố đô Huế, đánh dấu mốc lịch sử Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng. Trước chiến công của cán bộ, chiến sĩ, quân và dân Thừa Thiên Huế, Trung ương Đảng đã gửi điện khen ngợi: “Việc đánh chiếm, giải phóng TP. Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược về chính trị rất lớn. Chiến công đó đã làm cho cả nước ta nức lòng phấn khởi, làm cho địch suy yếu thêm một bước nghiêm trọng. Các đồng chí đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống anh dũng kiên cường của quân và dân cả nước”.

Hiện có 107 hiện vật được trưng bày và nhiều hiện vật khác được lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế mà quân giải phóng thu được của địch trong cuộc tháo chạy năm 1975. Mỗi hiện vật là một câu chuyện kể, nhưng tất cả đều đọng lại ý nghĩa, giá trị của sự độc lập, tự do và hạnh phúc.

“Bên cạnh những hiện vật lịch sử của quân giải phóng được trưng bày tại bảo tàng, có những hiện vật là những chiến lợi phẩm mà quân ta thu được của quân địch. Qua những hiện vật ấy, mong thế hệ trẻ hiểu rõ và trân quý hơn giá trị của một thời gian khó nhưng rất đỗi tự hào mà thế hệ cha ông đã đánh đổi bằng xương máu để có được”, ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế bày tỏ.

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vinh danh người tặng hiện vật cho bảo tàng

Một chiếc thuyền độc mộc được nhóm thợ lặn tìm thấy và trục vớt ở lưu vực sông Bồ. Chiếc thuyền này sau đó đã được nhóm người này quyết định tặng lại cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế để nghiên cứu, phát huy giá trị.

Vinh danh người tặng hiện vật cho bảo tàng
Thúc đẩy cuộc chiến toàn cầu chống nạn buôn bán trái phép hiện vật văn hóa

Hãng tin UN News ngày 7/12 cập nhật, được hơn 140 quốc gia ủng hộ, trong phiên họp mới nhất diễn ra vào ngày 6/12, Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa thông qua nghị quyết thúc đẩy cuộc chiến chống buôn bán trái phép tài sản, hiện vật văn hóa và tạo điều kiện trả lại các hiện vật bị đánh cắp cho quốc gia xuất xứ.

Thúc đẩy cuộc chiến toàn cầu chống nạn buôn bán trái phép hiện vật văn hóa
Tôn vinh nhiều cá nhân hiến tặng hiện vật cho bảo tàng

Trong năm 2024, có 6 cá nhân tặng hiện vật và 9 cơ sở, cá nhân sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống Huế hỗ trợ cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế trong công tác trưng bày, triển lãm nhằm quảng bá di sản văn hóa Huế đến với công chúng, khách tham quan.

Tôn vinh nhiều cá nhân hiến tặng hiện vật cho bảo tàng
Tìm hiểu truyền thống văn hóa lịch sử:
Cách làm hay ở Kim Long

Đảng ủy phường Kim Long (TP. Huế) đã tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng địa phương. Đây là hình thức truyền thông giáo dục sinh động, không chỉ giúp lan tỏa giá trị lịch sử mà còn góp phần nâng cao nhận thức trong các tầng lớp Nhân dân…

Cách làm hay ở Kim Long
Return to top