ClockThứ Năm, 22/02/2024 11:15

Khai mạc phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 22/2, phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: QH 

Dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng; cùng đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương…

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra trong thời gian 1 ngày sẽ xem xét cho ý kiến quyết định 5 nội dung chính.

Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Đây là một trong tổng số 9 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và dự kiến sẽ được xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Thứ ba, xem xét Tờ trình của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về giao bổ sung số lượng Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân.

Thứ tư, xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 1/2024 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 12/2023).

Thứ năm, tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Qua đó chỉnh lý lại kết cấu, bố cục và nhiều nội dung trong dự thảo luật.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong tiếp thu, chỉnh lý luật, cần bám sát các quan điểm, nguyên tắc đã đề ra khi bắt đầu xây dựng luật, tránh sa vào các vấn đề mang tính kỹ thuật, đảm bảo công tác xây dựng luật đúng tầm vóc của Quốc hội, nhìn nhận rõ việc xây dựng luật đã đạt được các mục tiêu đặt ra hay chưa, đạt được ở mức độ nào. Từ đó, có định hướng đúng đắn cho công việc tiếp theo.  

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần rà soát tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và sự tương thích giữa luật sửa đổi với các công ước quốc tế. Đồng thời đề nghị, từ nay đến khi trình Quốc hội xem xét, thông qua và cho tới trước khi ký chứng thực, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục rà soát để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, đặc biệt về các vấn đề như chuyển đổi số, lưu trữ số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đối chiếu với Luật Công nghệ thông tin, Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước…

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần đối chiếu kỹ với các điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hiện nay, Việt Nam đang là thành viên của Hội đồng lưu trữ quốc tế, Hiệp hội lưu trữ các nước có sử dụng tiếng Pháp. Đồng thời cũng có ký kết các thỏa thuận song phương với một số nước trong lĩnh vực này. Vì vậy, cần rà soát kỹ để đảm bảo thống nhất, không mâu thuẫn. 

Về quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu, tài liệu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phân cấp phân quyền là chủ trương đúng đắn, nhưng cần đảm bảo tính tập trung thống nhất trong hoạt động lưu trữ. Các cơ quan hữu quan cần tiếp tục rà soát nội dung liên quan đến vấn đề trách nhiệm cung cấp thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu liên quan đến các lưu trữ Đảng, lưu trữ lịch sử của các ngành quốc phòng, công an, ngoại giao từ trung ương đến địa phương. Cần có các quy định về việc các cơ quan này định kỳ báo cáo về cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực lưu trữ, kịp thời chia sẻ kết nối thông tin, dữ liệu về cho cơ quản lý nhà nước, để làm gia tăng giá trị tài liệu lưu trữ cũng như tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống lưu trữ quốc gia. 

Về tài liệu lưu trữ hình thành trong quá trình hoạt động của hội, quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng tình với quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Cụ thể, nên giữ như quy định hiện hành, do đã có quy định rõ ràng về vấn đề này, không nên thiết kế 2 phương án, mà Điều 8 nên thực hiện theo phương án 1. 

Về nghiệp vụ lưu trữ tài liệu điện tử, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc lưu trữ điện tử có đặc thù riêng, tuy nhiên đó cũng là một phần trong hoạt động lưu trữ nói chung, do vậy trước hết cần có quy định rằng nghiệp vụ lưu trữ tài liệu điện tử phải được thực hiện theo quy định chung về nghiệp vụ lưu trữ, để đảm bảo các nguyên tắc chuyên môn cơ bản trong lĩnh vực này.

Theo Báo Tin tức
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai mạc tuần lễ du lịch chăm sóc sức khỏe năm 2024

Tối 22/11, Sở Du lịch tổ chức chương trình khai mạc “Tuần lễ du lịch Chăm sóc sức khỏe (CSSK) - Wellness Tourism Weekend” năm 2024. Đây là sự kiện trong khuôn khổ Lễ hội mùa Đông - “Mùa Đông xứ Huế” (diễn ra từ tháng 10 - 12) của Festival Huế 2024.

Khai mạc tuần lễ du lịch chăm sóc sức khỏe năm 2024
Khai mạc Giải các Võ đường và câu lạc bộ võ cổ truyền mở rộng lần thứ I

Được sự hỗ trợ của Hội Võ thuật TP. Huế, sáng 10/11 Môn phái Việt Nam Phật gia Võ đạo tổ chức khai mạc Giải các Võ đường và câu lạc bộ võ cổ truyền môn phái Việt Nam Phật gia Võ đạo mở rộng lần thứ I năm 2024 tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế, số 150 Nguyễn Trãi, phường Tây Lộc.

Khai mạc Giải các Võ đường và câu lạc bộ võ cổ truyền mở rộng lần thứ I
Khai mạc giải Giải tennis chào mừng Ngày pháp luật Việt Nam

Sáng 2/11 tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh diễn ra Giải tennis kỷ niệm 78 năm Ngày pháp luật Việt Nam (9/11/1946 - 9/11/2024). Đến dự lễ khai mạc có ông Nguyễn Văn Phước, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh và ông Nguyễn Đình Huy, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Huy Thịnh - đơn vị tài trợ chính giải đấu.

Khai mạc giải Giải tennis chào mừng Ngày pháp luật Việt Nam

TIN MỚI

Return to top