ClockThứ Bảy, 28/11/2015 14:09

Khích lệ sáng tạo

TTH - Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật (Hội thi) do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức được xem là “sân chơi” bổ ích dành cho những đối tượng có niềm đam mê nghiên cứu sáng tạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trên địa bàn.

Tác giả Lê Ngà và mô hình tàu ngầm Hoàng Sa đạt giải khuyến khích Hội thi

63 đề tài được chọn trao giải tại lễ tổng kết Hội thi lần này đều được ứng dụng trong quá trình sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh nhiều đề tài thuộc lĩnh vực y học đã tạo được tiếng vang lớn cả trong nước và thế giới như: Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị ung thư vú; Quy trình kỹ thuật về hệ thống tổ chức trong ghép tim lấy từ người cho chết não... thì cũng có những đề tài rất đỗi bình dị nhưng lại có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn cuộc sống. Chẳng hạn như đề tài lò đốt than sinh học từ rác thải hữu cơ trong sản xuất nông lâm nghiệp của tác giả Phạm Xuân Phương, Khoa Cơ khí - Công nghệ, Trường đại học Nông Lâm Huế.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn về việc sử dụng than sinh học góp phần bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu, tác giả đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo và thử nghiệm thành công lò đốt tạo than sinh học từ rác thải hữu cơ, với công suất thiết kế trong dải từ 0,5 - 1,5m3 rác thải/mẻ. Lò đốt than sinh học này phù hợp với điều kiện, trình độ sản xuất và năng lực đầu tư theo quy mô nhóm nông hộ, hợp tác xã hoặc mô hình trang trại. Với khả năng ứng dụng, tính sáng tạo cao, đề tài này được ban tổ chức Hội thi trao giải nhì Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật năm 2015.

Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VII, năm 2015 có 69 công trình đăng ký tham gia trên 06 lĩnh vực dự thi. Căn cứ vào kết quả chấm điểm của các hội đồng chấm thi, Ban tổ chức đã quyết định trao giải cho 63 giải pháp công trình, bao gồm: 10 giải nhất, 12 giải nhì, 25 giải ba và 16 giải khuyến khích.

Theo tác giả Phạm Xuân Phương, dựa trên phương pháp đốt than hầm (sản xuất than hoa từ củi rừng), lò được thiết kế theo nguyên lý đốt trực tiếp dựa vào nguồn nhiệt sinh ra từ chính nguyên liệu đốt. Kết cấu lò được thiết kế tối ưu để phân phối, cưỡng bức một lượng ôxy vừa đủ, giúp quá trình nhiệt phân diễn ra nhanh chóng và đồng đều. Lò có thể đốt được hầu hết các loại rác thải hữu cơ theo từng loại hoặc hỗn hợp của nhiều loại trong cùng một lần mà không cần trải qua bất kỳ quá trình phân loại nào. Lò được thiết kế một bộ phận chưng lọc khí thải thu hồi hai loại phụ phẩm rất có ích là: dung dịch dấm gỗ làm thuốc trừ sâu sinh học thay thế một số loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại; khí sinh khối (biomass) được tận dụng để đun nấu. Cơ chế hoạt động đơn giản nên chỉ cần đọc bản hướng dẫn là người sử dụng có thể vận hành lò dễ dàng.

Mẫu lò đốt theo cơ chế gián đoạn có thể áp dụng đến tận hộ sản xuất nông nghiệp với chi phí rất thấp, chỉ khoản 4 triệu đồng/lò. Dựa trên cơ chế hoạt động có thể nâng cấp, cải tiến thành lò đốt liên tục để sản xuất theo quy mô lớn hoặc theo hướng công nghiệp. Hiện tại, mẫu lò này đã tham gia nhiều triển lãm thành tựu khoa học, kỹ thuật. Tại hội chợ công nghệ và thiết bị quốc tế (International Techmart Vietnam 2015) tổ chức tại Hà Nội từ ngày 01 - 04/10/2015 vừa qua, lò đốt than sinh học này được nhiều cá nhân, đơn vị trong nước đề nghị được hợp tác, đặt hàng sản xuất sản phẩm.

Ông Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp hội, Trưởng ban Tổ chức Hội thi khẳng định: “Hội thi đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của người lao động và trí thức khoa học công nghệ trên địa bàn, góp phần động viên phong trào nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo khoa học trên địa bàn. Những công trình đạt giải đều có tính mới, tính sáng tạo, có khả năng áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương”.

Tác giả của các giải pháp tham dự không chỉ là các nhà khoa học, các kỹ sư, cán bộ giảng dạy mà còn có cả những người khuyết tật, công nhân, những người nông dân chưa am hiểu về kỹ thuật. Sau Hội thi này, những cái tên Nguyễn Văn Nhân với mô hình máy ấp trứng gia cầm tự động phù hợp với nhiều kiểu thời tiết; Lê Ngà với mô hình tàu ngầm Hoàng Sa không còn quá xa lạ. Họ chỉ là nông dân, công nhân đam mê sáng tạo, biết tìm tòi, học hỏi vượt lên chính mình. Có thể, giải thưởng mà những tác giả này nhận được không cao, nhưng đối với họ đó là niềm khích lệ rất lớn lao.

Bài, ảnh: Hoàng Thảo Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không phải “gồng mình” thưởng tết

Những tín hiệu khả quan trong hoạt động kinh doanh từ đầu năm giúp nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may không phải “gồng mình” để thưởng tết cho người lao động như từng xảy ra ở một số năm trước.

Không phải “gồng mình” thưởng tết
Hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sau hành trình gần 30 năm; trong đó 5 năm quyết liệt triển khai Nghị quyết (NQ) số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Chậm đóng bảo hiểm: Công khai danh sách các đơn vị kéo dài

11 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 1.654/4.107 doanh nghiệp (DN) chậm đóng các loại hình bảo hiểm với tổng số tiền chậm lên đến 335.141 triệu đồng, tăng 44.334 triệu đồng so với tháng trước. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Thừa Thiên Huế đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, bà Bùi Thị Thu Lý.

Chậm đóng bảo hiểm Công khai danh sách các đơn vị kéo dài
Return to top