Liên hiệp hội tổ chức phản biện dự án QH chi tiết hai bên bờ sông Hương
Gắn phản biện với đời sống
Hiện, Liên hiệp hội có 47 hội thành viên, 9 trung tâm trực thuộc, 1 câu lạc bộ và 1 nhóm tư vấn, PBXH về môi trường với trên 30.000 hội viên. Với đội ngũ trí thức KHCN lên đến 40 nghìn người có trình độ từ cao đẳng trở lên; trong đó, gần 300 giáo sư và phó giáo sư, 800 tiến sĩ và hơn 1,5 nghìn thạc sĩ... Quá trình hoạt động, các hội, thành viên đã đóng góp nhiều ý kiến phản biện và giám định về những khía cạnh khác nhau của các chủ trương, chính sách, dự án (DA) phát triển KT-XH và công trình DA trọng điểm của tỉnh.
Theo GS.TS Trần Hữu Dàng, PBXH là sự biện luận, thẩm định, đánh giá của các lực lượng xã hội đối với những chủ trương, chính sách, đề án, DA... liên quan đến quyền lợi và đời sống của các thành viên. Vì thế, phản biện là nhu cầu, trách nhiệm của trí thức KHCN, trực tiếp xây dựng và phát triển KT-XH. Nhận thức được điều này, Liên hiệp hội chú trọng đẩy mạnh công tác tư vấn và phản biện, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn giúp tỉnh định hướng, đề ra chiến lược phát triển KT-XH phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.
Liên hiệp hội tổ chức phản biện 14 đồ án quy hoạch (QH) phát triển KT-XH trên địa bàn và tham gia hội đồng thẩm định hàng chục đề tài, DA khoa học và hàng trăm báo cáo đánh giá tác động môi trường. Mới đây, Liên hiệp hội được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tư vấn phản biện độc lập dự án QH chi tiết hai bên bờ sông Hương và DA thí điểm tỉnh Thừa Thiên Huế. Cùng với các hội thành viên tham gia góp ý dự thảo và phản biện các đề án lớn như: kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 5 năm 2016-2020; QH ngành KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025…
Tại một số cuộc họp bàn rà soát, đánh giá QH và quá trình triển khai thực hiện đối với đồ án QH chung và các đồ án QH chi tiết xây dựng khu đô thị An Vân Dương, đại diện Hội QH Phát triển đô thị có nhiều ý kiến đóng góp được đánh giá rất cao. Trong đó, các ý kiến liên quan đến việc nâng cao cốt nền xây dựng tại những khu vực trũng, quan tâm hệ thống giao thông tĩnh; hạn chế giải tỏa, ảnh hưởng đến đời sống người dân, được UBND tỉnh, đơn vị tư vấn, chủ đầu tư tiếp thu, điều chỉnh trong QH. Những ý kiến trên góp phần hoàn thiện QH hướng đến xây dựng khu đô thị An Vân Dương thành khu đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu như định hướng mà tỉnh đang hướng đến.
Song hành với công tác phản biện, Liên hiệp hội tập trung đẩy mạnh công tác tư vấn, chuyển giao các đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường. Trong đó, nhiều mô hình chuyển giao bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao như: “Ứng dụng công nghệ điện hóa - siêu âm để xử lý nước ao nuôi tôm”; ứng dụng chế phẩm sinh học phục vụ phát triển sản xuất cây trồng bền vững.
Huy động đội ngũ trí thức
Tại hội thảo nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội phục vụ phát triển KT-XH tỉnh Thừa Thiên Huế mới diễn ra, một số đại biểu chỉ rõ thực tế: Thừa Thiên Huế là địa phương có tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ... cao thứ 3 sau Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, những đóng góp của những đội ngũ trí thức cao này chưa thực sự tương xứng với trình độ hiện có. Nguyên nhân được xác định là do bản thân đội ngũ trí thức chưa mặn mà với hoạt động phản biện, còn có những quan điểm chưa đúng về hoạt động này. Cùng với đó, chính quyền, các sở ban ngành vẫn chưa thực sự quan tâm tạo điều kiện, tiếp nhận các ý kiến phản biện.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Lạc, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh trăn trở, phải huy động và phát huy được vai trò chủ động của đội ngũ trí thức trong đề ra các ý tưởng, giải pháp đẩy mạnh phát triển KT-XH tỉnh nhà. Muốn vậy phải tổ chức cho được các các sân chơi trí tuệ, môi trường thuận lợi để đội ngũ trí thức có thể nói lên tiếng nói, làm cơ sở tổng hợp đánh giá lại để có hướng đề xuất kiến nghị phù hợp với điều kiện của địa phương. Và nên chăng, phải tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn, hội thảo nâng cao năng lực tham mưu, kỹ năng phân tích… cho đội ngũ trí thức.
TS. Bùi Thắng, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội chia sẻ, muốn thực hiện tốt công tác tư vấn và PBXH, con người là yếu tố quan trọng. Vì thế, thời gian qua Liên hiệp hội đã tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và tính chủ động cho đội ngũ trí thức đang hoạt động trong các hội, đơn vị trực thuộc. Tập hợp đội ngũ trí thức, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện thông qua các hội nghị, hội thảo; tạo mối liên kết với các sở, ngành, địa phương nhằm tiếp cận với nhiều quan điểm, tư duy trong phản biện.
Theo TS. Bùi Thắng, để phát huy hiệu quả hoạt động tư vấn PBXH cần có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của hoạt động này. Đồng thời, tỉnh và các sở, ngành cần có cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức tham gia hoạt động tư vấn và phản biện, đóng góp vào sự phát triển chung. Ngay bản thân người trí thức cũng cần phải xây dựng cho mình một kỹ năng, kiến thức trong phản biện, đưa ra những ý kiến có giá trị góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh nhà.
Bài, ảnh: Hoàng Loan