ClockThứ Hai, 30/11/2015 08:47

Khó giải tỏa các nghĩa trang

TTH - Trong điều kiện quỹ đất ngày càng hạn hẹp, chương trình giải tỏa và di dời nghĩa địa ra khỏi các khu dân cư là một mục tiêu lớn mà TP Huế đặt ra, nhằm bảo đảm hai mục tiêu tạo quỹ đất phát triển đô thị và chỉnh tạo, tạo lập cảnh quan. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh thực hiện chủ trương này là không hề đơn giản.

 

Khu vực tượng đài vua Quang Trung tại Núi Bân khá hoành tráng sau khi nhiều mồ mả được giải tỏa

 Nhiều nỗ lực

Cùng với định hướng quy hoạch mở rộng, nâng cấp đô thị, nhiều năm qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực đầu tư nguồn lực để thực hiện chương trình giải tỏa mồ mả ra khỏi các khu dân cư. Từ năm 2000 đến nay, một diện tích khá lớn nghĩa địa được chính quyền thành phố tổ chức di dời để phục vụ cho mục đích phát triển đô thị, sắp xếp tái định cư, tạo quỹ đất xen ghép đem lại nguồn thu cho ngân sách, cũng như xây dựng nhiều công viên, quảng trường, công trình văn hóa. Có thể kể ra đây như: Khu vực tượng đài vua Quang Trung tại Núi Bân, Khu du lịch tâm linh đền Huyền Trân Công Chúa, các khu quy hoạch Bàu Vá, Lịch Đợi, khu biệt thự Thủy Trường, khu quy hoạch Hương Sơ, công viên ngã ba Thánh Giá... và mới đây nhất là giải tỏa để xây dựng dự án Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế rộng 25,6 ha ở phường An Tây (trong đó diện tích đất mồ mả 4 ha). Hiện nay, việc thực hiện giải tỏa vẫn đang tiến hành, như dự án giải tỏa Hương Sơ giai đoạn 9, Khu biệt thư Tam Thai, các dự án nhà ở ở phường Xuân Phú, An Đông...

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố, do lịch sử để lại nghĩa địa nằm ở hầu hết các địa bàn, trong đó nhiều phường có diện tích rất lớn như An Tây, An Cựu, Thủy Xuân, Hương Long, Thủy Biều, Phường Đúc. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay thì việc bố trí nguồn lực để di dời, giải tỏa là một kết quả đáng ghi nhận. Bằng nguồn ngân sách, chương trình di dời nghĩa địa đã giải tỏa ước đạt diện tích khoảng trên 60 ha, với khoảng trên 260 nghìn ngôi mộ lớn nhỏ. Kinh phí dành cho hỗ trợ di dời, giải tỏa cũng như đầu tư hạ tầng lên đến hàng trăm tỷ đồng. Việc giải tỏa mồ mả đã góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển đô thị và tạo diện mạo mới cho thành phố.

Bài toán nan giải

Theo số liệu của Sở Xây dựng, diện tích đất lăng mộ của thành phố Huế ước tính trên 538 ha, nếu tính bình quân 4 m2/mộ thì số lượng ngôi mộ ước tính lên đến 1,7 triệu ngôi mộ, với giá trị hỗ trợ đền bù hiện thấp nhất 1 triệu 620 nghìn đồng/ mộ đất và 1 m2 mộ xây có giá hỗ trợ từ 700 nghìn đồng – 2,7 triệu đồng, uớc tính nguồn kinh phí dành cho hỗ trợ đền bù là vô cùng lớn.

Vấn đề ở đây là thành phố tìm đâu ra nguồn lực lớn như vậy để giải tỏa tất cả hệ thống nghĩa địa ra khỏi thành phố, bởi không phải diện tích giải tỏa nào cũng có thể phát triển đô thị, tạo quỹ đất, xây khu quy hoạch tạo nguồn thu mà nhiều diện tích giải tỏa chỉ là để chỉnh trang đô thị, xây dựng các không gian cảnh quan như: Khu vực núi Bân, núi Ngự Bình, đồi Vọng Cảnh...Và bài toán nan giải đặt ra là tìm ra quỹ đất đủ lớn để cải táng, di dời giải tỏa toàn bộ nghĩa địa ra khỏi địa bàn thành phố. Trong khi đó, hệ thống nghĩa trang theo quy hoạch của tỉnh lại chưa đánh giá tổng thể và toàn diện, chưa tính hết khả năng phải di dời, giải tỏa số lăng mộ nằm trên diện tích hơn 500 ha hiện có. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường và công trình đô thị Huế cho biết, Công ty đang quản lý 4 nghĩa trang, trong đó có 2 nghĩa trang ở phía bắc là nghĩa trang ở Hương Hồ rộng (60 ha) phần lớn đã được lấp đầy, nghĩa trang nhân dân ở thị xã Hương Trà (rộng 30 ha), mới đưa vào sử dụng từ năm 2013 nhưng cũng đã đạt tỷ lệ hơn 40 %, dự kiến cũng chỉ đến năm 2020 là đóng cửa. Ở phía nam thành phố, cũng có 2 nghĩa trang: Nghĩa trang Thủy Phương rộng 46 ha đã lấp đầy, và một nghĩa trang mới ở Thủy Phù chuẩn bị đi vào hoạt động vào năm 2016 rộng 40 ha. Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, các nghĩa trang này chủ yếu cũng để chôn cất người chết chứ chưa không đủ để phục vụ cho công tác giải tỏa mồ mả.

Cần giải pháp dài hạn, bền vững

Triển khai đề án giải tỏa nghĩa trang là một yêu cầu bức thiết, tuy nhiên song song với đó phải quy hoạch quỹ đất để di dời và cần có được những giải pháp tổng thể ở tầm nhìn dài, bền vững trên phạm vi toàn tỉnh. Mặc dù tỉnh đã quy hoạch đất nghĩa trang, nhưng việc chôn cất, xây lăng mộ thời gian qua còn khá tùy tiện, nhiều người dân cải táng hoặc chôn cất tự phát ở bên ngoài vẫn còn nhiều.

 Để cụ thể hóa chương trình giải tỏa nghĩa địa ra khỏi thành phố, UBND thành phố đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố chủ trì việc lập đề án tổng thể di dời nghĩa địa ra khỏi địa bàn. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, hiện trung tâm thuê Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng tỉnh tư vấn lập đề án này. Sau khi đề án hoàn thành sẽ trình UBND thành phố phê duyệt, trên cơ sở này sẽ phân kỳ đầu tư cũng như dành nguồn lực để thực hiện. Ngoài ra, hiện nay kế hoạch xây dựng công viên địa đàng và đài hỏa táng đang được tỉnh tái khởi động. Hiện đã có quy hoạch chi tiết công viên vườn địa đàng ở khu vực Thủy Bằng, TX Hương Thủy với tổng diện tích khoảng 26 ha. Dự án này sẽ được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, nhà nước sẽ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, và kêu gọi các nhà đầu tư để xây dựng các hạng mục trong công viên địa đàng. Công viên này sẽ được xây dựng trở thành một không gian cảnh quan mới cho đô thị Huế vừa góp phần giải quyết vấn đề đất đai cho cải táng, chôn cất một cách bền vững và lâu dài.

Bên cạnh đó để sớm giải tỏa những lăng mộ nằm xen lẫn trong khu dân cư, thành phố sẽ có cơ chế để khuyến khích và ưu tiên tạo điều kiện cho người dân cùng tham gia vào trong việc giải tỏa lăng mộ, bởi hiện nay ở nhiều phường người dân rất muốn giải tỏa những lăng mộ nhỏ nằm trong vườn nhà, khu dân cư nhưng lại chưa có cơ chế cụ thể để họ có thể mua và hợp thức hóa diện tích đất này.

QUANG PHONG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghệ thuật tác chiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Cách đây 70 năm, dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tiến hành thắng lợi chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đặt một dấu son trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Nghệ thuật tác chiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Ra quân xử lý các điểm đen ô nhiễm môi trường

Ngày 5/5, đồng loạt các địa phương ra quân triển khai Phong trào Ngày Chủ nhật xanh. Trong các hoạt động, đáng chú ý đó là nhiều lực lượng đã tập trung xử lý các điểm ô nhiễm tại các kênh, rạch, dòng sông.

Ra quân xử lý các điểm đen ô nhiễm môi trường
“Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”

“Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói/ Họ gánh theo tên làng, tên xã trong mỗi chuyến di dân”. Đây là hai câu thơ trong bài thơ “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Hôm nay bỗng ùa về khi lẩn thẩn nghĩ về chuyện đổi tên, đặt lại tên xã, phường sau khi tách nhập đang nóng lên ở rất nhiều địa phương trên cả nước.

“Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top