ClockThứ Hai, 27/11/2023 19:24

Không có lý do để được phép tồn tại

TTH.VN - Những vụ đại án, những thiệt hại kinh hoàng đã không thể xảy ra nếu không có những kẻ tiếp tay, “tạo điều kiện” là những cán bộ, quan chức bị thoái hóa biến chất…

Tránh để đối tượng xấu lợi dụng"Thanh bảo kiếm" kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũngChống thái độ thờ ơ, vô cảm công vụBộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ kiểm tra 30 tổ chức đảng trực thuộc Trung ương trong năm 2023

 Vụ án Vạn Thịnh Phát đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận- Ảnh Internet 

“Chuyến bay giải cứu” vừa được đưa ra xét xử cách đây chưa lâu đã làm dư luận sửng sốt với những con số triệu đô, trăm tỷ mà các quan chức đã cấu kết với nhau để bắt các doanh nghiệp chung chi rồi mới được cấp phép để “cứu” đồng bào về nước tránh dịch. Sự sửng sốt và kinh tởm còn chưa kịp nguội phai thì lại được nghe cơ quan chức năng công bố kết luận điều tra vụ Vạn Thịnh Phát với nữ “đại doanh gia” có cái tên khá mĩ miều Trương Mỹ Lan.

Theo như những gì được công bố, con số thiệt hại do bà Trương Mỹ Lan gây ra vượt ngoài sức tưởng tượng của ngay cả những người giàu sức tưởng tượng nhất: Số tiền Trương Mỹ Lan chiếm đoạt từ ngân hàng SCB là 304.000 tỷ đồng (khoảng 12,6 tỷ USD), số lãi phát sinh 129.372 tỷ đồng, tổng cộng là 415.000 tỷ đồng, tương đương 8.8% GDP của cả nước tính đến cuối quý III/2023!

Chuyến bay giải cứu, Vạn Thịnh Phát, kit test Việt Á, FLC, và nhiều nhiều những vụ khác nữa đã ăn tàn, phá hại quốc gia không chỉ có tiền bạc mà còn làm thương tổn nghiêm trọng cả niềm tin của người dân nữa. Những vụ án đó, những thiệt hại kinh hoàng đó đã không thể xảy ra nếu không có những kẻ tiếp tay, “tạo điều kiện” là những cán bộ, quan chức bị thoái hóa biến chất, xem lợi ích vật chất, xem đồng tiền là mục tiêu tối thượng.

Tội danh của những kẻ tiếp tay như trên được luật gọi là “tham ô”, “hối lộ”…Còn với bà con bá tánh, nhiều người gọi thẳng là lũ trộm cướp! Đó là một sự so sánh chẳng có gì quá đáng cả mà thậm chí còn hơi nhẹ nhàng là đằng khác.

Bị cáo trong vụ "Chuyến bay giải cứu" được dẫn giải đến tòa- Ảnh Internet. 

Viết đến đây, chợt nhớ một nhân vật lịch sử mà tôi vô tình “gặp” được qua những trang sách. Người này cũng có lối so sánh khá tương đồng và sâu cay đối với hành vi của những tên tham quan ô lại. Ông là Nguyễn Văn Hiếu,  người ở đất Gia Định xưa, làm quan đầu thời nhà Nguyễn, chức được phong tới Tả doanh Đô thống chế, tước Lương Năng Bá.

Tên tuổi của Lương Năng Bá Nguyễn Văn Hiếu được sử sách lưu danh không hẳn bởi chức tước, công lao với nhà Nguyễn, mà bởi ông làm quan nhưng nổi tiếng rất mực thanh liêm.

Xuất thân võ tướng, nhưng Nguyễn Văn Hiếu lại có phong độ của Nho gia, vậy nên các tân khoa đều tới yết kiến. Những dịp như thế, ông tiếp đãi ân cần và thường căn dặn: “Khổ công đèn sách mười năm mới có được ngày nay, xin mừng cho các bạn hiền. Ngày khác có ra làm quan, cũng nên sống như thuở nghèo khổ, chớ nên xa xỉ, vì như thế thì trước là hạ nhục thân danh, sau là uổng công kén chọn nhân tài của triều đình.”

Làm quan, ông được nhân dân rất yêu bởi có nhiều đức tốt. Bọn lại dịch nếu làm điều không phải là ông nghiêm trị, khiến chúng rất sợ. Trong hạt có lắm trộm cướp, ông thân đem quân đi bắt. Bọn cướp răn bảo nhau: “Quan Trấn thủ nhân hòa, ấy là Phật sống, bọn ta nên kính cẩn mà lánh đi.” Cho nên ông tới đâu, bọn trộm cướp lánh xa đến đó.

Năm 1823 ông nhận chức Trấn thủ Thanh Hoa. Có viên Thổ ti đem lễ vật rất hậu đến xin yết kiến, ông ôn tồn khước từ và sai mang về. Nhưng có tên giúp việc nhà ông lại… tiếc của, lẻn ra chặn viên Thổ ti lại dọa nạt và lấy lại một phần, nói đó là ý của ông (Nguyễn Văn Hiếu). Biết chuyện, ông nổi giận sai đem chém đầu ngay rồi xin chịu tội với triều đình. Vua Minh Mạng phạt ông phải giáng ba bậc vì tội tự tiện giết người, nhưng vẫn cho lưu nhiệm chức cũ.

Thời gian làm quan, biết có bạn đồng liêu hễ bắt được bọn trộm cướp thường tra khảo cho chúng nhận. Khảo xong, có khi bảo là kẻ gian khai chưa hết, lại cho tra khảo tiếp, Nguyễn Văn Hiếu bèn nói:

Chúng vì cùng khổ mà gian tà, cũng phải đục tường khoét vách gian nan lắm mới lấy được của. Nếu đã đem lòng thành thực mà nhận tội, chiếu luật xét xử thấy đã có thể đủ trừ được tội, thì việc gì cứ phải tra xét thêm nữa ? Như nha môn xét hỏi án ngục, ngày ngồi tựa gối ở nhà cao, coi thường văn luật để kiếm cớ thu tiền, không khó nhọc mà vẫn được của, thì sự cướp ấy còn tệ hại hơn.

Tuổi tên các bậc hiền tài muôn đời được lưu danh - Ảnh DT

“Ngồi tựa gối ở nhà cao, coi thường văn luật để kiếm cớ thu tiền, không khó nhọc mà vẫn được của, thì sự cướp ấy còn tệ hại hơn.”-  Câu nói ấy của Lương Năng Bá Nguyễn Văn Hiếu hình như không chỉ dành cho bọn nha môn cai ngục, mà còn dành cho cả những kẻ tham quan ô lại trong xã hội; và cũng không chỉ nói cho thời ông sống mà còn như vang vọng đến tận bây giờ.  

Hạnh phúc cho xã hội, cho toàn dân là một trong những mục tiêu xuyên suốt, thiêng liêng mà Đảng, Nhà nước ta luôn hướng đến. Mà muốn có hạnh phúc cho toàn dân thì xã hội trước hết phải được bình yên, trong xã hội ấy bọn trộm cướp không được phép hoành hành. Vậy nên những kẻ gây ra “cái sự cướp còn tệ hại hơn” càng không thể có lý do để mà tồn tại.

Thượng Bích
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiểm tra, giám sát để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

Một trong những giải pháp quan trọng mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) để ngăn ngừa, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) ngay từ sớm, từ xa, tránh bị động...

Kiểm tra, giám sát để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực
Tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chỉ đạo như vậy tại buổi nói chuyện với cán bộ, công chức ngành Thanh tra tỉnh về định hướng xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, diễn ra chiều 22/1.

Tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm
Return to top