|
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, ông Nguyễn Xuân Bình kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án tại ngã ba Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng năm 2019. (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng) |
Cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố Cảng Hải Phòng rất kỳ vọng Quy định 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán vừa được ban hành.
Quy định này sẽ là một "thanh bảo kiếm" của tổ chức Đảng, chính quyền và các cơ quan hành pháp soi rọi vào quá trình kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng...
Tạo dựng lòng tin vững chắc
Từng giữ cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, ông Nguyễn Xuân Bình cho rằng đây là một quy định rất cần thiết và kịp thời của Bộ Chính trị.
Trước hết, đây là nhu cầu cấp thiết, khách quan của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xã hội ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, xuất phát từ việc trao quyền và phát huy cao độ vai trò của các cơ quan kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán… trong cuộc đấu tranh này.
Cùng với đó, chú trọng kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong chính các cơ quan này; bảo đảm nghiêm và minh; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lan tỏa các giá trị tích cực từ kết quả đấu tranh, tạo chuyển biến tốt và tạo dựng lòng tin vững chắc trong cán bộ, đảng viên và trong toàn xã hội.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, có thể nói Quy định 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã nhận diện sự "tha hóa quyền lực" có thể xảy ra, đưa ra chuẩn mực hành động và tuyên chiến với tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực rất nhạy cảm này. Đúng đắn, khách quan và kịp thời.
Ông Nguyễn Thế Bỉnh, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Hải Phòng chia sẻ, tham nhũng, hối lộ đã xuất hiện ở nhiều lĩnh vực kinh tế-văn hóa, xã hội, thậm chí có cả tham nhũng quyền lực, tham nhũng cơ chế-chính sách…, làm xói mòn niềm tin của cán bộ, đảng viên chân chính và nhân dân.
Việc Bộ Chính trị ra Quy định 131QĐ/TW nhằm hạn chế thấp nhất và đẩy lùi tham nhũng, kiểm soát được tổ chức, người có trọng trách kiểm tra, kiểm toán, hạn chế tối đa việc thông cung, chạy tội, chạy án, chạy chức, chạy quyền của người có khuyết điểm, tránh tình trạng "mang tiêu cực đi đánh tiêu cực;" dùng quyền lực, chức vụ của mình để bổ nhiệm con, cháu, vợ, chồng vào vị trí lãnh đạo, vào vị trí có nhiều nguồn thu nhập…. Đồng thời, hạn chế kéo bè, kéo cánh để đe dọa người không đồng quan điểm hoặc người phát hiện ra mình có những khuất tất trong quá trình công tác; ngăn chặn và xử lý kịp thời việc "tham nhũng, hối lộ tập thể," khống chế thói hư, tật xấu, hống hách, cửa quyền và bệnh quan liêu cũng như tư tưởng "dưới một người, trên nhiều người."
|
Ảnh minh họa. |
Ông Nguyễn Thế Bỉnh cũng cho rằng Quy định 131 của Bộ Chính trị sẽ là một "thanh bảo kiếm" của tổ chức Đảng, chính quyền và các cơ quan hành pháp soi rọi vào quá trình kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, thanh kiểm tra, kiểm toán.
Đây cũng là kim chỉ nam cho cán bộ, đảng viên và nhân dân giám sát trước hành vi tiêu cực tham nhũng, những hiện tượng coi thường phép nước và kỷ cương Đảng. Quy định 131QĐ/TW của Bộ Chính trị sẽ được các cấp, các ngành và nhất là cán bộ, đảng viên chân chính và đông đảo quần chúng nhân dân đón nhận để thực hiện và dõi theo các cơ quan công quyền, người có trách nhiệm thi hành luật pháp để thực thi.
Hoàn thiện các chuẩn mực, quy trình
Làm thế nào để kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng đạt hiệu quả thiết thực hơn, theo ông Nguyễn Xuân Bình, trước hết, đòi hỏi sự tu dưỡng, rèn luyện của chính những người được trao quyền lực.
Bác Hồ đã dạy phải biết liêm, chính, "dĩ công vi thượng;" phải biết xấu hổ, phải biết "sợ" khi làm điều sai trái. Mặt khác, chúng ta phải hoàn thiện các chuẩn mực, quy trình… để minh bạch tất cả, giúp cho việc thực hiện được khách quan, chặt chẽ. Người thực hiện không thể làm khác, làm sai.
"Chúng ta cũng cần quan tâm hơn nữa sự giám sát của cán bộ, đảng viên và của nhân dân đối với công việc hệ trọng này. Không có gì cán bộ, đảng viên và nhân dân không biết. Đây là sự giám sát đặc biệt. Việc ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh mọi sai phạm luôn là bài học có ý nghĩa cả trước mắt và lâu dài cho công cuộc đầy khó khăn, phức tạp này," ông Nguyễn Xuân Bình cho biết.
Từ kinh nghiệm công tác và nhìn từ thực tế chung, ông Nguyễn Thế Bỉnh nhận định tham nhũng, hối lộ và nhất là tham nhũng quyền lực, họ ở trong bóng tối.
Những tổ chức, người được giao nhiệm vụ kiểm soát quyền lực, thanh tra, kiểm toán ở ngoài sáng nên không thể một lúc, một sớm, một chiều có thể nhìn rõ thâm căn, mưu mô của người trong bóng tối - người tham nhũng, hối lộ.
Vì thế việc phát hiện ban đầu khi có hiện tượng đến hành vi cụ thể đều có thể do con mắt tinh tường của quảng đại quần chúng nhân dân và những cán bộ, đảng viên chân chính có bản lĩnh, đưa ra ánh sáng.
Trong việc phòng, chống tham nhũng, hối lộ nói chung thì phòng, chống tham nhũng quyền lực là khó nhất; bởi vậy, rất cần những người đứng đầu có đạo đức trong sáng, công tâm, khách quan để xử lý đúng đắn, để tránh oan sai hoặc bỏ lọt khuyết điểm, tội lỗi.
Kiểm soát quyền lực thành công sẽ góp phần chống tham nhũng về kinh tế, về cơ chế chính sách, đạt hiệu quả cao nhất. Kiểm soát quyền lực là cái gốc của quá trình chống tham nhũng, hối lộ; trong 22 hành vi tham nhũng, tiêu cực thì tham nhũng quyền lực không chỉ làm hại đến nền kinh tế mà còn ảnh hưởng trầm trọng đến thể chế chính trị, đạo đức lối sống, đến sự tồn vong của cơ quan, đơn vị, một nền tư pháp và cuối cùng là tồn vong của chế độ.
Theo ông Nguyễn Thế Bỉnh, khi trên dưới đồng lòng, cán bộ, đảng viên và nhân dân chung sức và được Đảng lãnh đạo sâu sát, kịp thời và không khoan nhượng thì hành vi tham nhũng, hối lộ sẽ được kiểm soát, góp phần xây dựng đất nước "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh."./.