ClockChủ Nhật, 24/06/2018 11:10

Không nhất thiết phải nhảy vào chảo mỡ

TTH - Nghề báo là nghề nguy hiểm, điều này ai cũng biết, người làm nghề báo càng hiểu điều này hơn ai hết.

Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc mừng các cơ quan thông tấn báo chíNghề báo gian nan nhưng hấp dẫnPhong cách nhà báo Hồ Chí Minh

Phóng viên, biên tập viên Báo Thừa Thiên Huế tác nghiệp tại Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng tháng 11/2017. Ảnh: Tâm Huệ

Biết là nguy hiểm nhưng người làm báo đa số vẫn chấp nhận sống chết với nghề.

Để có những bài báo trung thực, chính xác, nóng hổi, nhanh  nhạy, hấp dẫn, "không đụng hàng"... nhiều nhà báo đã bất chấp nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ bằng ý chí và hành động "vượt qua chính mình" mà người ta hay gọi là dấn thân, chấp nhận và sẵn sàng đối đầu với nguy hiểm. Điều đó rất đáng khâm phục và trân trọng. Nhưng cũng có nhiều trường hợp sự dấn thân lại đem lại cái nhìn khác: Như thế có cần không, có đáng không, có nên không?

Trong nghề báo, dấn thân không có nghĩa là liều mạng, là hành động như người hùng đơn thương độc mã, là bất chấp đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng nghiệp vụ, coi thường mạng sống của mình và đôi khi làm hệ lụy ảnh hưởng đến cả đồng nghiệp, đến uy tín của toà soạn.

Sau câu chuyện phóng viên Đinh Hữu Dư của TTXVN gặp nạn khi tác nghiệp ở vùng lũ Yên Bái nhiều người đã có ý cho rằng, phóng viên sao phải ra giữa cầu mà quay phim để khi cầu sập thì bị tử nạn. Còn những ai trong nghề báo nói chung và những người quay phim chụp ảnh nói riêng thì khác. Họ chỉ mong sao có được những hình ảnh thực nhất, dữ dội nhất, đúng nhất, ấn tượng nhất và phần nào đó là muốn có góc quay đẹp nhất khi có thể. Họ cũng biết có thể đứng tác nghiệp trong bờ, biết mối nguy hiểm có thể ập đến, nhưng đa số phóng viên sẽ chọn cách tác nghiệp để bài viết, thước phim của mình hiệu quả cao nhất. Đó là dấn thân vì nhiệm vụ, không phải sự liều mạng. Hay một trường hợp khác gần đây hơn của một phóng viên tác nghiệp trong vụ cháy chung cư cao tầng làm 13 người chết. Khi phóng viên lao vào bên trong chung cư thì lúc đó đám cháy đã được khống chế, xong lại có vài chỗ đám cháy bất ngờ bùng phát trở lại nên phóng viên vội thoát ra. Việc tác nghiệp của phóng viên này là dấn thân hay là liều mạng?

Có một số ý kiến cho rằng, phóng viên tác nghiệp như thế là muốn làm người hùng, là liều mạng không cần thiết, vì khi xưa trường báo chí luôn răn dạy sinh viên báo chí như thế...

Tôi nghĩ không phải như vậy. Không nhà trường nào, không toà soạn nào và không một phóng viên nào chấp nhận sự liều mạng đánh đổi mạng sống của phóng viên lấy một mẩu tin, một tấm hình cả. Sự trang bị kiến thức trang bị kỹ năng đối đầu với nguy hiểm trong tác nghiệp báo chí chính là từ những bài học kinh nghiệm trong các vụ việc cụ thể, từ ý thức, thái độ, đến công việc chuẩn bị, phân tích tình huống, đặt trước giả thiết thất bại và luôn phải có điểm dừng của nghề báo. Trường lớp hoặc toà soạn báo chí không thể dạy hết các kỹ năng tự bảo vệ mình như các lực lượng phòng cháy chữa cháy, hướng đạo, đặc nhiệm... mà những kỹ năng đó hầu như đều do phóng viên tự học hỏi tự trang bị là chính. Gần đây cũng có những hội nhà báo, các toà soạn báo mở lớp... dạy võ cho phóng viên, hay lớp kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thoát hiểm... là điều cũng nên làm. Nhưng cái cần trang bị nhất cho phóng viên là bản lĩnh trách nhiệm và ý thức tự bảo vệ mình bằng chính các yếu tố pháp lý và kỷ cương của nghề báo.

Khi đi dạy các lớp báo chí, tôi thường hay dẫn một câu nói đã khá quen thuộc:

"Muốn tả một miếng bip-tết không nhất thiết phải nhảy vào chảo mỡ đang sôi". Tôi luôn khuyên các em sinh viên báo chí mai này đi tác nghiệp nên có quan điểm dấn thân nhưng không liều mạng bất chấp hiểm nguy, phải biết phân tích tình huống và biết tự bảo vệ mình, không vì muốn nổi tiếng hay vì câu view mà hy sinh thân mình vì một bài viết. Nếu có cần dấn thân vì nghĩa lớn, vì những nhiệm vụ đặc biệt thì cũng nên hành động có tổ chức, có ý thức cống hiến đóng góp ý nghĩa cho đất nước chứ đừng như các nhân vật anh hùng "một mình chống mafia" trong phim ảnh.

Cách đây mấy năm, khi ở Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra vụ một đại sứ Nga bị bắn chết tại một cuộc triển lãm, một phóng viên Hãng AP đã dũng cảm đứng lên chụp gần như trực diện ngay hình tên hung thủ khi hắn đang cầm khẩu súng. Phóng viên này sau đó được ca ngợi như người hùng. Nhưng chính anh này nói: "Tôi thấy chỗ mình có thể nấp được sau khi chụp xong nên mới chụp hắn".

Tôi nghĩ làm nghề báo, nhất là nghề điều tra, nên chia sẻ với nhau câu nói vui mà đầy kinh nghiệm sống và làm nghề này: "Muốn tả một miếng bít-tết không nhất thiết phải nhảy vào chảo mỡ đang sôi". Vì mình có thể tiếp cận bằng nhiều cách, nhất là khi mình không muốn trở thành miếng bít-tết thứ hai.

HUỲNH DŨNG NHÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

Chiều 16.12, tại TP. Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì hội nghị.

Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Hơn 50 phóng viên, biên tập viên được tập huấn báo chí số

Ngày 25/11, Hội Nhà báo tỉnh phối hợp với Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí với chủ đề: “Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải Báo chí Quốc gia”.

Hơn 50 phóng viên, biên tập viên được tập huấn báo chí số
Return to top