ClockThứ Năm, 21/06/2018 06:30

Nghề báo gian nan nhưng hấp dẫn

TTH - Nhân chuyến công tác đến Huế, nhà báo, nhà văn Phan Quang (sinh năm 1928, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) đã dành cho Báo Thừa Thiên Huế cuộc trò chuyện thú vị về nghề báo và chia sẻ những kinh nghiệm của một người cầm bút lâu năm.

Nhà báo chân chính luôn được trân trọngHạnh phúc và gian nan

Chân dung nhà báo Phan Quang. Ảnh: Tuệ Ninh

Thời nay ông thích báo chí ở điểm nào?

Báo chí các thời kỳ đều có sứ mệnh mang thông tin đến phục vụ người dân. Bây giờ, dòng chảy báo chí mênh mông lắm, lại gồm nhiều dòng, nên người đọc phải tìm chọn cho mình một dòng tin cậy để tiếp cận thông tin...

Báo chí thời nay thông tin nhanh. Đó là đòi hỏi của cuộc sống, cho dù cái nhanh ấy không phải là phương châm đầu tiên của người làm báo, nhưng nó vẫn là đòi hỏi, vẫn  tác dụng vào mặt tốt của tiếp nhận thông tin nhanh và thông tin kịp thời. Đó cũng chính là sức mạnh của báo chí thời nay. Tuy nhiên, điều khiến tôi không khỏi có chút băn khoăn là, chính do cái thế mạnh ấy mà thường xảy ra nhiều cái sai lọt trên các tờ báo.

Trong một số tác phẩm của mình, ông từng nhắc đến yếu tố “nhanh”. Điều này rất quan trọng với bạn đọc, song nó cũng là con dao hai lưỡi với nhà báo nếu thông tin không chính xác?

Bản thân tôi chưa bao giờ đặt “nhanh” lên đầu. Trong câu chuyện về “nghề báo - nghiệp văn” cách đây 20 năm, tôi đã đề cập. Nhiều anh chị em trong nghề  đúc rút kinh nghiệm tác nghiệp, thường nói cần phải “nhanh-đúng-trúng-hay”, tôi không tán thành. Đối với tôi, phải là “đúng-trúng-nhanh-hay”. Vì điều quan trọng nhất đối với nhà báo là đưa tin chân thật, tức là phải đúng. Thứ hai là phải “trúng”: trúng vấn đề, trúng nhiệm vụ chính trị, trúng bối cảnh của sự kiện vừa xảy ra và đang được nhiều người quan tâm. Tiếp theo đó, phải “nhanh”, bởi trong thời đại tin học, nếu không nhanh thì không có bạn đọc. “Đúng, trúng” là yêu cầu về nội dung tác phẩm báo chí. “Nhanh” là phương thức tác nghiệp của nhà báo. Trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào, nhà báo cũng không thể đặt phương thức tác nghiệp của mình lên trước, lên trên yêu cầu chân thực về thông tin, và phải đề cập trúng vấn đề, đúng lúc, đúng chỗ trong nội dung thông tin. Nếu đặt “nhanh” lên trước hết thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến đạo đức báo chí. Người sáng lập và chủ nhiệm báo Le Monde của Pháp từng cho rằng: “Việc chạy theo “nhanh” là một trong những yếu tố khiến đạo đức báo chí xuống cấp, bởi người đưa tin dù có tấm lòng trong sáng nhưng trước sức ép của thời gian vẫn không sao có đủ thời gian để kiểm tra thông tin”.

Các nhà báo tham quan phòng kỹ thuật tại VTV 8. Ảnh: Tuệ Ninh

Với tôi, đạt được: “Đúng - trúng - nhanh – hay” là một bí quyết, là yêu cầu và đó cũng là phương châm thành công của người làm báo. Xin được kể  một kỷ niệm đã lâu lắm rồi: Tết Bính Thân 1956, Bác Hồ đến thăm báo Nhân Dân, cùng đi với Bác có bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Chúc tết anh em xong, Bác đi ra sân, tôi chạy theo tiễn Bác. Bác hỏi: “Chú làm gì ở đây?”- “Thưa Bác, cháu là phóng viên”. Bác bắt tay tôi, nói: “Chú là phóng viên, vậy Bác chúc chú viết cho đúng, viết cho hay, có nhiều người đọc”! Đấy là lời dạy của Bác Hồ dành cho mọi người làm báo.

Ông nghĩ gì khi có người xếp nghề báo là một trong những nghề nguy hiểm nhất của thế giới?

Đối với Việt Nam ta, theo tôi, nghề báo là nghề gian nan nhất, và từng có thời nguy hiểm nhất. Trên thế giới chưa có nước nào có 400-500 liệt sĩ là nhà báo qua mấy cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc như ở nước ta. Giờ đây hàng năm, Tổ chức quốc tế bảo vệ nhà báo vẫn đều đều công bố là bao nhiêu nhà báo chết ở Trung Đông, ở châu Phi…., và ngay ở cả Paris nữa, thì đúng là nghề nào ngày nay vẫn ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Mặt  khác, nếu không cẩn trọng trong tác nghiệp, nhà báo phải trả giá bằng sinh mệnh chính trị. Đúng nghề báo là nghề gian nan, có khi nguy hiểm nữa, nhưng tôi muốn nhấn mạnh: gian nan song đầy hấp dẫn.

Những năm trở lại đây, đạo đức nghề báo được nhắc đến khá nhiều, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Đạo đức báo chí là vấn đề lớn đang được xã hội quan tâm. Nó là một phần của đạo đức xã hội, nó thể hiện đạo đức xã hội ở trong lĩnh vực báo chí, văn hóa, truyền thông. Một thực tế là hiện nay, những giá trị cơ bản nêu trong Quy ước đạo đức nghề nghiệp báo chí của ta chưa được các nhà báo hoàn toàn tuân thủ.

Phóng viên Báo Thừa Thiên Huế (thứ 2 phải qua) và các cơ quan thông tấn, báo chí phỏng vấn Giám đốc điều hành Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, ông  Alan Bollard tại Hội nghị cấp cao APEC. Ảnh: Anh Phong

Chúng ta trăn trở trước chuyện đạo dức báo chí xuống cấp là cần thiết nhưng đừng nên băn khoăn quá, bởi nó được đặt trong bối cảnh chung của đất nước vào thời kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Nhìn ra ngoài, đạo đức báo chí là vấn đề mà cả thế giới đang phải đương đầu, đâu chỉ riêng ở Việt Nam ta.

Tôi nghĩ chúng ta cần cùng nhau tìm giải pháp để những quy định về đạo đức báo chí thật sự đi vào cuộc sống. Đạo đức nghề báo không nên chỉ nói bằng lý thuyết mà phải có giải pháp cụ thể xử lý, chế tài. Đạo đức báo chí phải được thực hiện trước hết từ cấp cơ sở. Tổng biên tập báo là người gánh chịu một phần trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng trong cơ quan mình có người vi phạm đạo đức nghề nghiệp, và tổng biên tập đó cần có biện pháp xử lý ngay mỗi khi có vấn đề phát sinh.

Ngoài 90 tuổi, ông vẫn đi và viết. Ông có thể chia sẻ bí quyết viết khỏe của mình đối với người cầm bút?

 Tôi không dám nhận mình là viết khỏe. Viết nhiều chưa chắc đã là khỏe (cười). Từ trải nghiệm cá nhân, tôi nghĩ trước hết, cần phải đi sâu vào cuộc sống thực tế, hòa nhập, trải nghiệm về cuộc sống càng dày thì vốn sống của mình càng phong phú. Thứ hai, phải học suốt đời, học không mệt mỏi, học trong thực tế cuộc sống, học bạn bè, học báo chí, học trong mọi thứ có thể. Người làm báo phải học thường xuyên, không nên cậy thế mình đã học nhiều ở học đường rồi nay không cần nữa, phải học ở bất kì nơi nào. Thứ ba, là phải xác định quan điểm của người làm báo chúng ta là vì lợi ích của đất nước, vì lợi ích của nhân dân trên hết. Cuối cùng, khi có đủ các yếu tố đó, thì mới viết, và phải cố gắng viết nhiều, viết thường xuyên, có thế mới “lên tay”, bởi dao có mài thì mới sắc.

 “Đọc-đi-nghĩ-viết” là cái tôi đúc kết cuộc đời tác nghiệp của mình (đọc chính là học) và tôi cố gắng thực hiện cho đến bây giờ. “Đúng-trúng-nhanh-hay” là quan điểm của tôi về nghề báo, còn phương châm phấn đấu của bản thân là “đọc-đi-nghĩ-viết”.

Người làm báo hiện nay đang đối mặt với áp lực thông tin, trách nhiệm với bạn đọc, đạo đức nghề nghiệp…, khiến không ít người chùn bước. Ông có lời khuyên nào cho các bạn mới vào nghề?

Tôi nghĩ nói nhà báo ta chùn bước thì không hẳn, và nếu có thì cũng là số ít thôi (chẳng hạn người mới vào nghề đã bị vấp ngã, gặp tai nạn nghề nghiệp). Nghề báo hấp dẫn lắm, từ hai thế kỉ trước cho đến tận bây giờ, theo các điều tra xã hội học, nghề được nhiều người trẻ đam mê là báo chí. Tôi muốn đề cập đến tính hai mặt của vấn đề: mặt thứ nhất là nghề báo rất hấp dẫn, mặt thứ hai là nghề báo đầy khó khăn, cho nên nếu người làm nghề báo không theo đúng phương châm xử thế, không tự xác định cho mình một phương hướng và phong cách đúng về nghiệp vụ thì sẽ dễ chùn bước mỗi lần gặp khó khăn. Đó chính là bản lĩnh. Và bản lĩnh con người như thế nào là do chính người ấy quyết định.

Xin cám ơn ông và chúc ông bút lực dồi dào!

Tuệ Ninh (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

Chiều 16.12, tại TP. Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì hội nghị.

Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Hơn 50 phóng viên, biên tập viên được tập huấn báo chí số

Ngày 25/11, Hội Nhà báo tỉnh phối hợp với Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí với chủ đề: “Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải Báo chí Quốc gia”.

Hơn 50 phóng viên, biên tập viên được tập huấn báo chí số
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Việt Nam đang tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn

Dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp ngữ về đổi mới, sáng tạo - FrancoTech, sáng 4/10, nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp, sáng ngày 4/10 tại Paris, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, Việt Nam đang tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thuận lợi, với nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn và có vị thế và vị trí rất thuận lợi để giúp các doanh nghiệp tiếp tục vươn xa phát triển thành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn mang tầm vóc quốc tế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Việt Nam đang tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn

TIN MỚI

Return to top