Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân đã được kiên cố hóa
Hoàn thành trước mùa mưa
Trong căn nhà lắp ghép ở chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19, các cán bộ, chiến sĩ thuộc Đồn Biên phòng (ĐBP) cửa khẩu Hồng Vân yên tâm hơn trước những trận mưa rừng. Thượng úy Nguyễn Minh Khánh Vũ, chốt trưởng một chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống, dịch COVID-19 nơi đây, chia sẻ: “Vùng biên tại huyện A Lưới buổi chiều thường có mưa. Những điểm chốt làm bạt dã chiến dễ bị sập khi có mưa to, gió lớn. Kiên cố hóa các đảm bảo điều kiện ăn ở, sinh hoạt, công tác lâu dài cho cán bộ, chiến sĩ”.
Tại vùng biên giới giáp Lào, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đang duy trì 36 tổ, chốt (19 chốt cố định, 17 tổ tuần tra lưu động). Trước đây, nhiều chốt được dựng tạm bằng bạt dã chiến, sau đó chuyển sang tận dụng các vật liệu tại chỗ và lợp tôn tránh mưa nắng, nhưng chưa đảm bảo tốt điều kiện sinh hoạt, làm nhiệm vụ lâu dài. Năm 2020, các ĐBP đóng quân trên địa bàn huyện A Lưới đã lắp đặt nhà lắp ghép ở 6 chốt.
Năm 2021, tranh thủ thời tiết nắng ráo, lực lượng biên phòng tiếp tục triển khai kiên cố hóa các chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 trước mùa mưa bão. Đến nay, phần lớn các chốt thuộc 4 ĐBP là cửa khẩu Hồng Vân, cửa khẩu A Đớt, Nhâm và Hương Nguyên đã cơ bản làm xong các nhà lắp ghép. Mỗi nhà lắp ghép có diện tích khoảng 36m2, kết cấu nền bê tông, hệ khung bằng thép định hình, mái và tường bằng tôn có lớp chống nóng. Kinh phí xây dựng khoảng 270 triệu đồng.
Các chốt dựng tạm dần đã được thay thế mới, kiên cố hóa
Trung tá Hồ Sỹ Hòa, Đồn trưởng ĐBP cửa khẩu A Đớt cho biết, tháng 6 vừa qua, khi đưa vào sử dụng, các nhà lắp ghép đã phục vụ tốt hơn điều kiện ăn ở, sinh hoạt và làm nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ. Không chỉ giảm bớt nỗi lo trước mùa mưa bão cuối năm, mà còn đảm bảo sức khỏe tốt hơn cho cán bộ, chiến sĩ trong điều kiện ngày nắng gắt, chiều hay có mưa và đêm trời se lạnh.
Cùng với các chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19, lãnh đạo huyện A Lưới cho biết, 2 chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 liên ngành tại xã Hồng Vân và A Roàng cũng sẽ được kiên cố hóa. Theo đại diện UBND huyện, 2 chốt kiểm soát làm theo mô hình nhà lắp ghép. Hiện đang làm phần móng trụ, kinh phí dự kiến khoảng 168 triệu đồng/2 chốt. “Lãnh đạo UBND huyện cũng chỉ đạo, đốc thúc để sớm hoàn thành việc kiên cố hóa 2 chốt kiểm soát trên trước mùa mưa bão năm nay”, đại diện UBND huyện cho biết.
Đảm bảo điều kiện công tác lâu dài
Theo thượng tá Đặng Ngọc Hiệu, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, điện và nước là một trong những điều kiện sinh hoạt khó khăn ở các chốt và cũng là trăn trở rất lớn. Hiện, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh có chủ trương kết nối hệ thống điện đến các chốt. Đối với các chốt ở xa, sẽ vận dụng các nguồn để cấp máy phát điện. Riêng vấn đề nước sinh hoạt thì thiết kế hệ thống, tận dụng nguồn nước suối được lọc để sử dụng vào các sinh hoạt thông thường như tắm, giặt…
Thượng tá Tạ Khắc Đồng, Đồn trưởng ĐBP Hương Nguyên cho biết: “Ngay sau khi kiên cố hóa chốt, lực lượng cán bộ, chiến sĩ cũng nhanh chóng làm hệ thống lọc, đưa nước suối về để sinh hoạt. Trong tháng 7 năm nay, sẽ phối hợp Điện lực A Lưới để đưa điện đến các chốt. Riêng chốt 3 ở vị trí xa, khả năng sẽ sử dụng máy phát điện hoặc hệ thống điện năng lượng mặt trời”.
Song song việc kiên cố hóa các chốt và thiết lập hệ thống điện, nước, các chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 cũng cải tạo đất để trồng cây, rau, làm lại hệ thống giàn, vườn đảm bảo tự tăng gia sản xuất tại chốt, nhất là gia cầm và rau an toàn, góp phần tăng cường nguồn thực phẩm tại chỗ, đảm bảo điều kiện sinh hoạt và công tác lâu dài.
Bốn ĐBP đóng quân trên tuyến biên giới Việt – Lào đang duy trì 19 chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19, trong đó ĐBP cửa khẩu A Đớt có 6 chốt, ĐBP Cửa khẩu Hồng Vân có 4 chốt, ĐBP Nhâm 5 chốt và ĐBP Hương Nguyên 4 chốt.
Bài, ảnh: HỮU PHÚC