ClockThứ Ba, 25/04/2017 14:12

Kiên định chủ nghĩa Mác - Lê nin trong mọi hoàn cảnh

TTH - Hơn 30 năm đổi mới kể từ 1986 đến nay, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đem lại nhiều thành tựu có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Thực tiễn đã chứng minh, bạn bè quốc tế đã công nhận. Nhưng tiềm ẩn trong sự phát triển ấy có không ít những thách thức, nguy cơ và một trong những nguy cơ đó chính là chệch hướng Chủ nghĩa xã hội (CNXH), không kiên định con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Nghị quyết số 04 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thẳng thắn chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Theo đó, nghị quyết chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Đặc biệt, trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng - chính trị thì có 2 biểu hiện được đặt lên hàng đầu là: 1. Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; 2. Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên CNXH; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái.

Hồ Chí Minh viết trong tác phẩm “Đường kách mệnh” rằng: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có la bàn chỉ nam”. Việc Hồ Chí Minh lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng trước hết là để cứu lấy giống nòi Việt Nam. Sự lựa chọn đó không xuất phát từ ý muốn chủ quan, không phải chủ yếu vì lợi ích của giai cấp công nhân, càng không phải chỉ vì lợi ích của những người cộng sản mà trên hết là vì lợi ích của toàn thể quốc dân Việt Nam.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là lý luận cách mạng và khoa học, là vũ khí tinh thần của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc Việt Nam, cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Theo Người, CNXH là một chế độ xã hội do nhân dân lao động làm chủ; một xã hội dân giàu, nước mạnh, văn minh, hạnh phúc; một xã hội dân chủ, công bằng; các dân tộc trong nước đều bình đẳng, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau và đoàn kết, hữu nghị, bình đẳng với các dân tộc trên thế giới.

Điều trước tiên để Hồ Chí Minh - từ người đi tìm đường cứu nước trở thành người dẫn đường cho dân tộc Việt Nam - là người đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người đúng đắn nhất: con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Có thể nói, bản chất của con đường cách mạng mà Hồ Chí Minh nêu lên đó là: độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Trong mọi hoạt động, mọi bài nói, bài viết của Người đều tập trung vào một mục tiêu, một chủ đề: chống đế quốc, chống phong kiến, tuyên truyền độc lập dân tộc và CNXH. Chủ đề này cũng được Hồ Chí Minh thể hiện rất đậm nét trong Di chúc. Từ điều “Trước hết nói về Đảng” đến “Điều mong muốn cuối cùng” của Người đều xoay quanh chủ đề độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Với Người, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH đã được xây dựng thành lý luận cách mạng xuyên suốt và nhất quán. Đây chính là đóng góp quan trọng nhất của Hồ Chí Minh vào kho tàng lý luận Mác - Lênin. 

Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhân dân Việt Nam, vấn đề trước tiên thể hiện lòng trung thành với sự lựa chọn của Hồ Chí Minh là kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Những bài học do các đại hội của Đảng nêu lên từ khi đổi mới đến nay vẫn còn giá trị lớn, nhất là bài học: “trong quá trình đổi mới, phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Không kiên định mục tiêu, từ bỏ con đường đã lựa chọn đó là tự sát. Bài học về sự đổ vỡ của Đông Âu và Liên xô đã cho thấy điều đó. Lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng đến nay, đó là khoảng thời gian đủ để chúng ta kiểm nghiệm và rút ra kết luận về sự kiên định con đường đã lựa chọn: chỉ có độc lập thực sự mới tạo điều kiện để đi lên CNXH và chỉ có xây dựng CNXH mới thực sự có độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân. Với Việt Nam, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn. Đó là sự lựa chọn của lịch sử.

Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, chúng ta luôn tin tưởng và đã giành độc lập dân tộc. Khi CNXH rơi vào khủng khoảng tan rã, chúng ta vẫn tin tưởng vào con đường đi của mình để vượt qua và đứng vững.

Giải pháp cho vấn đề này trong giai đoạn hiện nay không phải là trông chờ ở đường lối, mà ở ngay trong nhận thức và hoạt động thực tiễn của mỗi đảng viên, phải kiên định từ “nói đi đôi với làm” đến việc “làm gương” cho quần chúng tin tưởng đi theo. Giờ đây hơn lúc nào hết, lịch sử lại lên tiếng, đòi hỏi chúng ta, mà trước hết là những người cộng sản phải thể hiện bản lĩnh và tính kiên định của mình để giữ vững con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân đã lựa chọn.

Trần Trọng Hướng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bí thư Đoàn “quân hàm xanh” năng nổ

Là sĩ quan trẻ kiên định vững vàng, năng nổ, chịu khó, bám sát địa bàn, năng lực công tác xuất sắc, Trung úy Cao Đức Anh, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) cảng Thuận An có nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, cùng đơn vị chung tay hỗ trợ người dân nghèo trên địa bàn phát triển kinh tế; gắn kết tình quân - dân, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.

Bí thư Đoàn “quân hàm xanh” năng nổ
Return to top