ClockThứ Bảy, 30/06/2018 14:00

Kỷ vật về Bác Hồ với những người bạn quốc tế thân thiết

TTH - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có những người bạn quốc tế lâu năm, thân thiết, thủy chung như Raymond Aubrac, Jacques Duclos, luật sư Frank Loseby, Chủ tịch CHDC Đức Wilhelm Pieck…

Phong cách nhà báo Hồ Chí MinhChân dung Bác Hồ qua nét vẽ của sinh viênNoi theo gương Bác

Bác Hồ bế con gái nuôi Elizabeth Aubrac

Những người bạn quốc tế ấy góp phần xây đắp mối tình hữu nghị giữa Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới, ủng hộ hết mình cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam. Người luôn trân trọng gìn giữ những kỷ vật mà những người bạn quốc tế tặng, cũng như gửi tặng bạn bè quốc tế những món quà, bức thư chứa đựng tình cảm, lòng trân trọng, sự biết ơn đối với những ủng hộ của bạn bè quốc tế với nhân dân Việt Nam.

Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện còn lưu giữ bộ sách của Jacques Duclos (1896-1975), nhà hoạt động có tên tuổi của Đảng Cộng sản Pháp và phong trào cộng sản quốc tế tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tình bạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Jacques Duclos tính từ năm 1919 khi cùng hoạt động trong Đảng Xã hội Pháp, cùng tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp đến năm 1969 là vừa tròn nửa thế kỷ. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Jacques Duclos đã viết bài đăng trên báo L’Humanite của Ðảng Cộng sản Pháp, số ra ngày 12/9/1969, viết về tình bạn lâu đời gắn bó giữa ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân Việt Nam.

Những cuốn sách Jacques Duclos tặng luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng, được đặt trên giá sách trong phòng làm việc Nhà sàn và Nhà tiếp cán bộ. Bộ sách gồm 6 cuốn, trong đó có 5 cuốn do Jacques Duclos là tác giả và 1 cuốn của Robert Lechêne. Trong đó, cuốn “Hồi ký 1896-1934. Con đường tôi đã chọn. Từ Verdun đến Đảng Cộng sản” có dòng đề tặng trân trọng: “Kính gửi đồng chí Hồ Chí Minh, bằng chứng của tình hữu nghị lâu năm và chung thủy với những lời chúc Nhân dân Việt Nam thắng lợi của tôi. Jacques Duclos”.

Bức tranh thêu chùa Một Cột Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng gia đình luật sư Frank Loseby

Nếu tình bạn giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Jacques Duclos là tình cảm thắm thiết của những người đồng chí thì tình cảm giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và luật sư Frank Loseby là tình cảm thủy chung đối với vị ân nhân và là sự trân trọng, cảm phục lý tưởng đấu tranh vì độc lập dân tộc của vị luật sư đối với Người.

Frank Loseby là một luật sư người Anh, ông đã tích cực đấu tranh giúp Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) tìm lại tự do trong vụ án “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” kéo dài từ tháng 6/1931 đến đầu năm 1933.

Tháng 12 năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi tặng ông bà luật sư Frank Loseby bức tranh thêu “Chùa Một Cột”. Bà Rosa - phu nhân của luật sư Loseby kể rằng: “Thật xiết bao vui mừng và cảm động, sau 27 năm xa cách không hề có tin tức của nhau, một ngày gần lễ Giáng sinh năm 1959,  vợ chồng tôi nhận được món quà quý giá này của người tù năm xưa nay là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi tặng,... Cùng với quà tặng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gửi thư mời gia đình tôi sang thăm Hà Nội nhân dịp Tết Nguyên đán 1960. Sau cuộc tái ngộ với bao ân tình giữa hai người bạn tóc đều bạc, chồng tôi đã viết thư cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh và nói rằng nếu như trong đời ông làm được việc có ích nhất, đó chính là giúp được người bạn mình tìm lại được tự do”.

Năm 1967, luật sư Loseby qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi vòng hoa đến viếng với dòng chữ “Hồ Chí Minh kính viếng”, không phải với cương vị nguyên thủ quốc gia mà là tình cảm thân thiết như gia đình. Sau này, bức tranh thêu đã được gia đình luật sư Loseby tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh năm 2005 lưu giữ và phát huy giá trị.

Một người bạn lâu năm khác của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ông Raymond Aubrac (1914-2012). Năm 1946, khi sang Pháp, Người đã gặp ông Raymond Aubrac. Trong những buổi trò chuyện đầu tiên, Aubrac đã cảm nhận và chia sẻ về lý tưởng đấu tranh cách mạng, đó chính là nền tảng đã hình thành nên tình bạn giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Raymond Aubrac.

Thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống ở nhà ông Aubrac sáu tuần, tại đây Người tìm hiểu về đời sống của nhân dân Pháp, bối cảnh chính trị nước Pháp, làm việc với Đoàn đại biểu của ta tại Hội nghị Fontainebleau và tiếp nhiều nhân vật thuộc các khuynh hướng chính trị khác nhau, các nhà văn, nhà báo… Khi vợ của Raymond Aubrac sinh con gái, đặt tên là Elisabeth, Người đã đến thăm và nhận làm con đỡ đầu, hàng năm đến ngày sinh nhật của con đỡ đầu, Người gửi quà, thư thăm hỏi. Nhiều bức thư, bức ảnh, món quà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng vẫn được bàElisabeth Aubrac trân trọng giữ gìn cho đến ngày nay. Từ năm 1946, Raymond Aubrac trở thành người bạn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân Việt Nam, giúp Việt Nam trong nhiều hoạt động quốc tế.

Những kỷ vật về Bác Hồ với những người bạn quốc tế thân thiết được nhân dân Việt Nam trân trọng gìn giữ là minh chứng sống động cho những giá trị nhân văn cao đẹp sống mãi với thời gian.

HOÀNG LIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Triển lãm dầu khí quốc tế tập trung vào AI và chuyển đổi năng lượng bền vững

Hội nghị và Triển lãm Dầu khí quốc tế Abu Dhabi (ADIPEC) 2024, một sự kiện hàng đầu của ngành dầu khí đang được tổ chức từ ngày 4 - 7/11 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Năm nay, ADIPEC nêu bật các chủ đề về trí tuệ nhân tạo (AI) và quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững.

Triển lãm dầu khí quốc tế tập trung vào AI và chuyển đổi năng lượng bền vững
KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 - 10/10/2024)
Xứng danh với lời căn dặn của Bác Hồ

Ngày 10/10/1954, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308, kiêm Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội tiến về tiếp quản Thủ đô.

Xứng danh với lời căn dặn của Bác Hồ
Return to top