ClockThứ Tư, 30/05/2018 14:13

Chân dung Bác Hồ qua nét vẽ của sinh viên

TTH - Lần đầu tiên, Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế phát động cuộc thi sáng tác về Bác Hồ dành cho sinh viên. Với góc nhìn đầy ắp tình cảm yêu thương, các tác phẩm vẽ chân dung Bác Hồ không chỉ biểu hiện rõ nét hình tượng của Người mà còn là tình cảm yêu mến và ngưỡng vọng của mỗi sinh viên dành cho vị cha già kính yêu của dân tộc.

Triển lãm và tuyên truyền lưu động về thân thế, sự nghiệp của Bác HồNhiều tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân

Chân dung Bác - Tác phẩm của Lê Thị Duyên

Hưởng ứng Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5 năm nay, sinh viên Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế đã giới thiệu đến công chúng phòng tranh “Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đây là lần thứ hai Trường đại học Nghệ thuật tổ chức triển lãm chân dung Bác Hồ. Trước đó, triển lãm “Bác Hồ của chúng ta!” được tổ chức vào tháng 11/2017 giới thiệu đến người xem các tác phẩm của đảng viên, giảng viên nhà trường vẽ về Bác.

28 bức tranh của 23 tác giả thể hiện các góc nhìn khác nhau nhưng đều ăm ắp tình cảm về Bác Hồ kính yêu. Với những chất liệu phong phú, như: Acrylic, bút bi, in mộc bản, tổng hợp, màu nước, mực nho, khắc mộc bản và cả những chất liệu đặc biệt: vẽ khói hay ghép hạt mè đen... sinh viên Trường đại học Nghệ thuật đã thể hiện hình tượng Hồ Chí Minh với khí chất tinh thần của lãnh tụ, tinh thần nhân văn cao cả và lý tưởng khát vọng độc lập cho dân tộc.

Thạc sĩ Đỗ Xuân Phú, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật cho hay: “Phòng tranh biểu hiện rõ nét hình tượng của Bác trong mỗi trái tim của sinh viên, luôn khắc sâu và hướng về giá trị đạo đức, nhân cách, tác phong, tư tưởng của Người. Là những sinh viên được đào tạo chuyên môn sâu nên các tác giả rất coi trọng tính chuyên nghiệp, tính nghệ thuật và cố gắng tìm tòi khám phá về chất liệu, kỹ thuật, bút pháp. Các tác phẩm có giá trị thẩm mỹ - nghệ thuật, chân thực, có sức truyền cảm đối với công chúng”.

Hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh rất khó được thể hiện sâu sắc trong nghệ thuật tạo hình, nhưng bằng tình cảm sâu đậm trong mỗi trái tim, các em sinh viên đã thể hiện hình tượng của Bác chân thật, xúc động. Phần lớn các tác phẩm đều được lấy tư liệu từ lịch sử, sau đó chuyển hóa thành tác phẩm theo góc nhìn riêng của nghệ sĩ. PGS. TS. Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật nhận xét: “Các em chuyển thể ảnh Bác Hồ sang các chất liệu khác của hội họa rất tốt và đa dạng, đáp ứng các tiêu chí sáng tác tranh chân dung. Đa phần các tác phẩm đều xoáy sâu vào tâm trạng, tình cảm của Bác Hồ, sự suy tư của Người về dân tộc và những lúc nóng bỏng nhất của cách mạng”. 

Bức chân dung bằng màu nước của Nguyễn Thanh Lộc, sinh viên năm 4 Khoa Hội họa là hình ảnh của một vị lãnh tụ luôn trăn trở, lo âu cho vận mệnh của đất nước. Đây là tác phẩm được lấy từ ảnh tư liệu lịch sử là bức chân dung Bác Hồ dành tặng cho người dân Pác Bó (1961). Thanh Lộc chia sẻ: “Khi vẽ chân dung Bác Hồ, em cố gắng thể hiện chiều sâu cũng như chuyển tải tình cảm yêu nước nồng nàn, yêu Nhân dân của Bác”. Cùng với kỹ thuật vẽ màu nước đạt trình độ cao, tác phẩm của Nguyễn Thanh Lộc đã đoạt giải nhất cuộc thi. Hay bức chân dung Bác bằng bút chì của Lê Thị Duyên (đoạt giải nhì) đã thể hiện được thần thái hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh qua gương mặt hiền từ, đức độ.

Vẽ chân dung Bác Hồ không chỉ là nội dung thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị mà còn là trách nhiệm, tình cảm của sinh viên Trường đại học Nghệ thuật hướng về vị lãnh tụ kính yêu. Chỉ trong thời gian ngắn phát động, cuộc thi được sinh viên nhà trường tích cực hưởng ứng và sáng tác, dù nhiều em đang bận làm bài thi tốt nghiệp.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ:
Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Trường đại học Sư phạm, ĐHH là một trong những cơ sở giáo dục đại học chất lượng tốp đầu của cả nước. Tuy nhiên, để trở thành cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao thì trường phải có sự nhìn nhận, đánh giá một cách thực tiễn, khách quan để có sự đầu tư đúng hướng".

Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước

TIN MỚI

Return to top