Thứ Bảy, 04/05/2019 09:19
(GMT+7)
Làm sao để du khách “mất thì giờ”
TTH - Dịp lễ vừa rồi đi du lịch Vinpearl & Resort Nam Hội An, mới thấy “cái sự chơi” là hết sức cầu kỳ.
Tiền tỷ đã đổ vào đây để tạo ra một tổ hợp vui chơi nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao. Không dễ gì một ngày mà đi hết các khu vui chơi ở đây. Chỉ đi một khu Đảo dân gian đã mất nửa ngày. Mới thấy, những nhà làm du lịch ở đây biết cách kéo chân du khách là như thế nào.
Lại nhớ câu nói của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân hôm nọ nhân chuyện làm bến xe du lịch ở lăng Tự Đức, ông bảo đại ý: người ta làm du lịch là tìm mọi cách để giãn không gian ra, bày ra nhiều trò để níu chân du khách. Còn mình làm du lịch thì đưa bến xe đến tận cổng lăng, gọi là tạo sự thuận tiện cho khách, thế thì làm sao khách có thể ở lâu với Huế được!
Nghe chuyện ông Xuân nói ngẫm ra cũng có lý. Quá bất tiện thì khách không đến. Quá thuận tiện thì khách ở không lâu. Làm thế nào để khách ở lâu mà không phàn nàn, có lẽ là câu chuyện “cốt tử” của việc làm du lịch. Thế thì phải bày trò. Ví dụ như chuyện đi du lịch ở Vinpearl. Vinpearl là khu phức hợp nghỉ dưỡng. Ở đây, du khách muốn tắm ở bể bơi hay tắm biển là tùy. Muốn dạo chơi vào mỗi sớm mai hay chiều muộn để xem các biệt thự đơn lập trồng đầy cây cỏ và hoa cũng rất thú vị. Mùa này, cây chà là Mỹ ra trái trĩu cành rất đẹp. Riêng việc nhìn ngắm, khám phá những điều này không thôi cũng tốn “bộn” thời gian. Từ đây, muốn qua khu vui chơi Vinpearland phải đi bằng xe điện. Muốn xem trồng rau trong nhà màng khách phải đăng ký để được hướng dân vào khu vực trồng “nông nghiệp” công nghệ cao, gọi là Vinpearl Eco… Ban đêm không muốn nghe nhạc thì đi Hội An chơi cách chừng 15 km. Chừng ấy đã níu chân du khách được chưa?
Từ đó tôi cũng nghĩ, tại sao phải làm bến xe du lịch sát lăng? Làm xa hơn có được không? Từ xa khách trung chuyển bằng xe điện hoặc một phương tiện nào đó. Trên đường đi cũng phải tạo ra một điểm nhấn nào đó thu hút sự chú ý của du khách, như mua sắm hàng lưu niệm chẳng hạn. Hay một làng nghề làm hương, soi trầm… Không gian “đường dẫn” vào các lăng phải được trồng cây xanh một cách chăm chút. Nhìn vừa mát mắt vừa đẹp. Nói đến cây xanh tôi lại nhớ đến Ăngko. Cây xanh ở đây là một phần không thể thiếu của kỳ quan thế giới. Nó cổ thụ xù xì. Nó là một trong những tâm điểm của mắt nhìn. Từ sân bay Changi muốn vào trung tâm của đảo quốc Sư tử (Singapore) phải đi qua những hàng cây xanh rất ấn tượng… Từ Bắc Kinh đi thăm Cung điện mùa hè (Dĩ Hòa Viên), từ xa di tích này chúng ta đã đi ven một con sông đào rất đẹp cùng những hàng cây cổ thụ… Nói chung, đi du lịch ở những nơi này “mất thì giờ ghê gớm”. Làm thế nào để khách “mất thì giờ” quả là một nghệ thuật của làm du lịch.
Ở Huế, mấy năm nay bàn nhiều về chuyện khách lưu lại Huế quanh mốc một đến hai ngày. Con số này chưa bao giờ đẩy lên cao được. Vậy thì hãy tìm cách nào để khách mất thì giờ. Chúng ta đã đi tiếp thị khắp nơi trong và ngoài nước để quảng bá du lịch Huế. Thực tế khách du lịch đến Huế cũng tăng trưởng mạnh. Nhưng ngày khách lưu lại Huế lâu hơn vẫn là một bài toán chưa giải được.
Làm thế nào để khách “mất thêm thì giờ với Huế” nên chẳng là một đề tài hội thảo. Tôi hình dung nếu có một cuộc hội thảo như thế này thì sẽ có mặt những nhà làm du lịch chuyên nghiệp. Họ có đầy kinh nghiệm và tri thức về du lịch. Họ sẽ bày cho chúng ta cách làm một cách hợp lý và chuyên nghiệp nhất.
LÊ PHƯƠNG