ClockThứ Ba, 30/06/2015 14:24

Lao động di cư và nỗi niềm BHYT

TTH - Nắng nóng kéo dài, những chiếc xe bán hàng rong nặng trịch lăn bánh. Người bán hàng mệt nhoài, tìm bóng cây trú nắng. Họ bắt đầu lo, lỡ ốm trong lúc này thì nguy khi rất nhiều trong số họ là lao động di cư không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Lao động ở các tỉnh về Huế làm ăn

 

Nhiều người không có thẻ BHYT

Anh Nguyễn Văn Thái, quê ở Hà Nam vào Huế bán hàng tạp hoá cho biết: “Buổi ngày, tôi đi phụ thợ nề. Tối về, ăn vội dĩa cơm bụi là phải đi bán hàng dạo ở phố đi bộ. Có ngày tôi ngủ được 5, 6 tiếng nhưng vì xác định đây chỉ là công việc tạm thời nên ráng sức làm được chừng nào tốt chừng ấy để còn về quê”.
 Đa số lao động di cư sống trong điều kiện thiếu thốn về vật chất, lại phải làm việc với cường độ vất vả nên là đối tượng có nguy cơ cao, dễ mắc các bệnh do ô nhiễm môi trường, làm việc quá sức, bệnh dịch… Tuy nhiên, hạn chế về nhận thức cũng như điều kiện kinh tế khó khăn đã khiến họ không xem BHYT là vấn đề đáng được ưu tiên, ngay cả khi biết mình mắc bệnh. Điều mà họ quan tâm là cần phải đăng ký tạm trú, còn việc được tư vấn pháp luật, mua thẻ BHYT hay đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện... đều chưa nghĩ đến. Chị Trần Thanh Phượng, quê ở Nam Định vào Huế bán cây cảnh dạo, cho hay: “Bữa nay làm ăn khó khăn lắm, ròng rã cả ngày cũng kiếm được chừng 5 triệu đồng/tháng. Ngoài tiền nhà, ăn uống, còn lại chừng 2 triệu đồng/ tháng phải gởi về quê cho con ăn học. Tiền mô mà mua bảo hiểm o ơi, sống chết có số” (?!!)
Người lao động di cư với tính chất thường xuyên di động nên ngại tham gia BHYT. Đến Huế làm việc một thời gian, nếu không “xuôi chèo mát mái” họ lại di chuyển sang tỉnh khác làm ăn. Hơn nữa, lao động di cư hầu như không phải đối tượng để được vận động mua BHYT. Thủ tục mua thẻ khá giản đơn, chỉ cần có đăng ký và đóng theo hộ gia đình trong sổ tạm trú của gia chủ nhưng nhiều chủ nhà cũng không mặn mà việc này. Rất ít lao động di cư mà tôi gặp có thẻ BHYT hộ nghèo. Song, họ không về quê để mua BHYT theo chính sách hộ gia đình để giảm phí đóng từ 50% đến 70% mệnh giá thẻ. Bởi lẽ, mỗi lần ốm đau họ lại phải ngược về quê khám, mất rất nhiều thời gian và tiền bạc. Vì vậy, việc không được giảm bớt chi phí khi khám chữa bệnh trái tuyến là lý do khiến lao động di cư không muốn mua BHYT theo hộ gia đình. Trong khi đó, nếu mua thẻ BHYT tại Huế, họ sẽ phải đóng mệnh giá 621.000 đồng/người/năm, số tiền không phải ai cũng có khả năng mua được. Thế nên, chỉ có những lao động thường xuyên đau ốm mới bấm bụng mua thẻ BHYT. Nhiều lao động di cư kể, hầu như họ không bao giờ nối được thẻ BHYT vì đóng không liên tục. Trong khi đó, để mua được thẻ BHYT, họ phải có kế hoạch hàng tháng trời, bỏ ống tiết kiệm hoặc mượn những người sống cùng phòng để mua thẻ bảo hiểm đúng hạn rồi sau đó trả dần...
Khó khăn chồng chất
Chưa có thẻ BHYT, lại một thân một mình đi làm ăn xa nên lao động di cư sẽ phải đối mặt với những nguy cơ ảnh hưởng tới tài chính, sức khoẻ và khả năng lao động khi gặp rủi ro. Chị Lê Thị Lan, quê ở Quảng Bình vào Huế làm nghề thu gom đồng nát, thở dài: Tai nạn lao động, tai nạn giao thông là những nỗi ám ảnh lớn của chúng tôi. Mỗi khi trong nhóm có người về muộn là mọi người thót tim, mong đừng xảy ra chuyện. Năm ngoái, một anh ở cùng dãy phòng trọ bị nhóm thanh niên say rượu tông vào chân, phải về quê điều trị suốt 8 tháng trời. Không có thẻ BHYT, bao nhiêu tiền dành dụm được phải bỏ ra hết. Nghèo lại hoàn nghèo”.
Nôn nóng muốn kiếm tiền nhanh để về quê nên nhiều người đã lao động quá sức dẫn đến đổ bệnh. Nhưng nghĩ đến số tiền phải bỏ ra khi nhập viện vì không có thẻ BHYT, họ lại tự chịu đựng. Cái nghèo khiến họ liều, ốm sơ sơ thì ra quầy thuốc tây mua thuốc, ốm dài ngày thì lại tìm thuốc bắc, chích lể hay đến các tổ chức từ thiện để xin thuốc. Cứ thế, bệnh cứ kéo dài.
Trong giới lao động di cư, người ta vẫn kể câu chuyện đau lòng khi nhiều người phát hiện bệnh hiểm nghèo ở giai đoạn cuối phải về quê, sống được ngày nào hay ngày nấy. “Anh đau âm ỉ nhưng phần cực khổ, lo ăn, lo làm nên bỏ qua các triệu chứng. Đến đoạn không gượng được nữa đi khám thì ung thư đã di căn. Giá như chồng tôi có thẻ BHYT, biết đâu đi khám, sẽ phát hiện ra bệnh sớm, sẽ được điều trị kịp thời…” - Ước mơ bình dị của chị Thuý, người phụ nữ vừa mới mất chồng vì bị ung thư gan mãi chỉ là điều ước khi giờ đây một mình chị lẽ bóng trong cuộc mưu sinh nơi đất khách quê người.
Bài, ảnh: Huế Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, thu hút nguồn lực phát triển

Với nhiều hoạt động, giải pháp thiết thực, hoạt động đối ngoại của Thừa Thiên Huế góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh địa phương, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng - an ninh và nâng cao vị thế, hình ảnh Cố đô Huế trên trường quốc tế.

Đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, thu hút nguồn lực phát triển
Vững chắc yêu thương

Lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cùng chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan, tổ chức trong tỉnh, các mạnh thường quân trên các mọi miền đất nước xây dựng vững chắc yêu thương trong lòng người dân biên giới.

Vững chắc yêu thương
Kiên cường chiến sĩ Trường Sa

Nơi đầu sóng, có biết bao chiến sĩ hải quân đang hi sinh hạnh phúc riêng tư, kiên cường cầm chắc tay súng, để quần đảo Trường Sa là điểm tựa vững chãi cho Tổ quốc.

Kiên cường chiến sĩ Trường Sa
Kiên cường, bản lĩnh những ngày đầu giải phóng

Trên chặng đường 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), Thừa Thiên Huế cùng với cả nước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng quê hương, góp phần thành công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Kiên cường, bản lĩnh những ngày đầu giải phóng

TIN MỚI

Return to top