Trò chuyện với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế, người dân hai thôn 6 và 7 (xã Hồng Thủy) – nơi sẽ được bàn giao sang cho Quảng Trị quản lý theo Nghị quyết 31 không khỏi lo lắng
Theo Nghị quyết 31, xã vùng cao biên giới Hồng Thủy (huyện A Lưới) phải bàn giao một phần đất lẫn dân cho phía Quảng Trị. Điều đó khiến người dân lo lắng về cuộc sống mới sau khi được “chuyển khẩu”.
Biên giới một màu tươi mới
Một ngày mới của bà Kăn Vinh (thôn Pire 2, xã Hồng Thủy) bắt đầu từ lúc mặt trời chưa tỏ. Rẫy bắp của bà đang vào mùa thu hoạch. Để có được cái ăn, bao mồ hôi của bà Vinh đã đổ xuống. Không chỉ bà Kăn Vinh, cuộc sống của người Pa Cô ở Hồng Thủy bây giờ đã đổi khác.
Già làng thôn 7, xã Hồng Thủy Quỳnh Hùng dẫn chúng tôi đi dạo một vòng quanh làng. Theo hướng chỉ tay của già về phía sau ngọn đồi, già bảo, tổ tiên già và bản làng di dân từ đó, đến với Hồng Thủy rồi gắn bó với cái tên này hàng trăm năm rồi. “Đảng, Nhà nước đầu tư trường học, trạm y tế, đường bê tông, người dân đỡ cơ cực. Bây giờ, bà con dân bản động viên nhau cùng gìn giữ văn hóa, chung tay phát triển kinh tế”, già Hùng khẳng định.
Từ thôn 7 nhìn qua dòng Đakrông bằng mắt thường độ trên dưới trăm mét là láng giềng của họ - bản A Bung (xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị). Khu vực mà mấy chục năm qua vẫn nhập nhằng không được phân định. Tôi vờ hỏi già Hùng như cách trắc nghiệm tâm lý: "Nếu thôn 7 thuộc xã A Bung thì sao?". Già cười: “Với dân thôn 7, chuyện ni không mới, đã nghe nhiều lần và cán bộ ở huyện, tỉnh đã lên thông báo. Ở mô cũng là con dân của Việt Nam, cũng một Đảng, một Nhà nước. Nhưng dân thôn 7 hàng trăm năm nay ở trên đất này và cũng chừng ấy năm gắn bó với tên gọi Hồng Thủy, A Lưới. Nếu đổi cái tên thì cũng có chút buồn”.
Phần diện tích đất tự nhiên của xã Hồng Thủy phải bàn giao cho tỉnh Quảng Trị tại khu vực 2 thôn 6 và thôn 7 khoảng 2.703,3 ha
Lo mất đất sản xuất
Lâu nay, sự nhập nhằng, không phân định địa giới hành chính khiến dân 2 vùng giáp ranh Hồng Thủy và A Bung nhiều lần mâu thuẫn, xô xát. Nhiều dự án liên quan đến kinh tế, dân sinh vẫn không thực hiện được.
Ông Hồ Văn Chi (thôn 4, xã Hồng Thủy) vừa chăm sóc xong rẫy bắp, tựa lưng vào gốc keo tràm nghỉ mát, hướng mắt ông không rời rẫy. Vùng đất ấy được ông khai hoang, Nhà nước cấp sổ đỏ và là kế sinh nhai của cả gia đình ông. Hộ ông Chi không thuộc diện phải nhập vào xã A Bung, nhưng đất rẫy của ông lại phải… chuyển khẩu. “Không biết sau khi đất về phía Quảng Trị thì tui còn có nơi để sản xuất, phát triển kinh tế hay không. Và nếu tiếp tục sản xuất có bị cản trở không”, ông Chi lo lắng.
Thông tin từ UBND xã Hồng Thủy, ngoài trường hợp như ông Chi, thì có đến hàng trăm hộ dân có đất sản xuất theo dạng phải “chuyển khẩu”, trong số đó có nhiều trường hợp chỉ là đất sản xuất, canh tác chứ chưa được cấp quyền sử dụng đất. Nếu đất phải “chuyển khẩu” thì họ lo mất “cần câu cơm” từ nhiều năm nay.
Trước khi Nghị quyết 31 ban hành, xã Hồng Thủy quản lý diện tích tự nhiên hơn 11.280 ha, 795 hộ dân với 3.185 nhân khẩu. Trong đó, thôn 6 có khoảng 1.477 ha diện tích tự nhiên, 126 hộ và 507 nhân khẩu; thôn 7 có khoảng 2.272 ha diện tích tự nhiên, 124 hộ với 517 nhân khẩu.
Để đảm bảo sự kết nối giữa phía đông và phía tây của xã A Bung, theo phương án giải quyết và mô tả đường địa giới hành chính của Chính phủ, Thừa Thiên Huế giao tỉnh Quảng Trị quản lý toàn bộ hiện trạng đất đai, tài sản gắn liền với đất và nhân khẩu, hộ khẩu thuộc thôn 6 và thôn 7 của xã Hồng Thủy, huyện A Lưới. Như vậy, phần diện tích đất tự nhiên của xã Hồng Thủy phải bàn giao cho tỉnh Quảng Trị tại khu vực 2 thôn này khoảng 2.703,3 ha.
Ngoài ra, tại khu vực giáp ranh thôn Tru Pỉ, phần diện tích tự nhiên bàn giao cho tỉnh Quảng Trị khoảng 75,9 ha. Tại khu vực phía bắc xã Hồng Thủy, phần diện tích tự nhiên bàn giao cho tỉnh Quảng Trị khoảng 4.539,3 ha.
Theo ông Bùi Viết Dũng, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy, với phương án phân chia theo Nghị quyết 31 thì bản đồ địa giới hành chính xã A Bung (tại khu vực thôn 6, thôn 7 của xã Hồng Thủy) có kết nối và giải quyết một phần tranh chấp đất đai lâu nay giữa hai bên tại thôn 7. Nhưng việc chống lấn đất đai, xâm canh, xâm cư giữa hai địa phương vẫn còn tồn tại. “Đường địa giới sẽ ảnh hưởng đến phần diện tích canh tác của thôn 5 và thôn 6; 28 hộ dân thôn A Pái, xã A Bung đang xâm canh, xâm cư, phân bố tại vị trí gần giữa trung tâm vùng canh tác của thôn 5. Đường địa giới hành chính theo phương án đi qua đèo Pe Ke, sẽ ảnh hưởng đến đường địa giới hành chính của xã Hồng Vân (huyện A Lưới) khoảng 47 ha và phần diện tích đất đang canh tác hiện nay của dân xã Hồng Thủy tại hai bên sông Đakrông”, ông Dũng phân tích.
Tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân Hồng Thủy, hầu hết họ đều cảm thấy lo lắng về nhiều thứ. “Nếu không còn là dân A Lưới, khi tôi đau ốm biết khám ở mô? Về huyện Đakrông, Quảng Trị thì xa quá, còn trở lại A Lưới bà con còn giúp không? Trở thành dân A Bung rồi thì liệu người ở đó đối đãi tốt không? Huyện Đakrông có cam kết giúp làm kinh tế hay không? ”, bà Kăn Vinh lo lắng…
(Còn nữa)
Bài, ảnh: Lê Thọ - Phan Thành