Ở Thừa Thiên Huế, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, tạo môi trường pháp lý quan trọng để phát triển ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và xã hội. Việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và truyền thông được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả tốt; nổi bật là các giải pháp về công sở điện tử, chính quyền điện tử từng bước được thực hiện có hiệu quả (ứng dụng GIS, các phần mềm điều hành, tác nghiệp; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; kê khai thuế, thủ tục hải quan trực tuyến...). Việc tìm hiểu, nghiên cứu xây dựng thành phố thông minh cũng rất được quan tâm qua việc nghiên cứu mô hình Kiến trúc tổng thể hướng đến thành phố thông minh, nghiên cứu đẩy mạnh các dịch vụ thông minh phục vụ công dân, tổ chức và nghiên cứu các nhóm lĩnh vực cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT đáp ứng tiêu chí thành phố thông minh… Vừa qua, UBND TP Huế và Hiệp hội Nghiên cứu và Phát triển dự án thành phố thông minh Hàn Quốc, Công ty Nhà và đất Hàn Quốc (thuộc Bộ Hạ tầng, Giao thông và Đất đai Hàn Quốc) đã hợp tác để bước đầu xây dựng kế hoạch dự án thành phố thông minh “U-City”.
Hiện nay, có nhiều quan điểm và khái niệm khác nhau về thành phố thông minh. Một thành phố thông minh có thể được định nghĩa là một thành phố “tri thức” (knowledge), “số” (digital), “mạng” (cyber) phụ thuộc vào các mục tiêu do các nhà hoạch định ở các thành phố xác định. Tuy nhiên, ý tưởng chung về thành phố thông minh đều xuất phát từ việc phát triển của công nghệ điện toán đám mây trên Internet cũng như từ áp lực việc điều phối nguồn lực tổng thể cho quản lý, vận hành thành phố một cách hiệu quả.
Do thành phố thông minh là thành phố sử dụng thông tin và CNTT trong mọi lĩnh vực của thành phố để quản trị thành phố, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững; nên thành phố thông minh có ba chức năng nòng cốt là thu thập thông tin, giao tiếp kết nối thông tin và xử lý thông tin. Lợi ích do giải pháp thành phố thông minh mang lại là rất lớn.
Thứ nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương; ví như việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, người dân có thể nộp hồ sơ qua mạng. Trong quá trình đó, các thắc mắc đều có thể được trao đổi, giải đáp trực tuyến giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước. Các kiến nghị, đề xuất được thu thập, tổng hợp qua môi trường mạng để phục vụ cho việc rà soát, nâng cao chất lượng các dịch vụ công và hoàn chỉnh các kế hoạch, dự án, chương trình của thành phố.
Thứ hai, người dân có thể dễ dàng tìm kiếm, sử dụng các dịch vụ thông qua môi trường mạng; doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ trực tuyến, tiết kiệm tối đa chi phí vận hành và có đầy đủ cơ hội, thông tin để quyết định các phương án kinh doanh, phương án phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh cao.
Thứ ba, giải pháp thành phố thông minh giúp xã hội phát triển bền vững, giúp cho người dân có được môi trường sống thuận tiện, trong sạch, khỏe mạnh và an toàn với các giá trị như: chi phí sinh hoạt thấp, giao thông thuận tiện, giáo dục tốt, nước sạch, không khí trong lành, ít tội phạm, nhiều hình thức và dịch vụ giả trí…; khi đó, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp với chính quyền thành phố sẽ tăng lên, điều này sẽ khuyến khích sự sáng tạo và tham gia một cách tích cực của người dân vào công tác quản lý xã hội.
Như vậy, thành phố thông minh là một mô hình rất cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới. Tuy nhiên, đối với Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng, trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, để có thể phát triển bền vững, tạo ra môi trường sống tốt cho người dân, khi xây dựng dự án thành phố thông minh cần phải có những hành động và cách tiếp cận cụ thể, chú trọng đến các yếu tố, các điều kiện thực tế của địa phương, của Việt Nam.
Ở Thừa Thiên Huế đã có một số ngành (điện lực, cấp nước, viễn thông, ngân hàng, thuế, hải quan...) triển khai các giải pháp thông minh; do đó, cần có đánh giá cụ thể hiện trạng công nghệ, kỹ thuật cũng như định hướng của các ngành, các đơn vị để khi thiết kế khung kiến trúc tổng thể có thể đấu nối thống nhất cả hệ thống một cách phù hợp, hiệu quả nhất.
|