|
|
Ứng dụng hệ thống MRI thế hệ mới trong chẩn đoán ở Bệnh viện Trung ương Huế |
Công luận chú ý đến một “điểm đặc biệt” mà theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Trần Quốc Phương là “luật đã dành một chương riêng để quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm và thiết bị y tế”.
Đấu thầu thì có nhiều lĩnh vực. Việc một bộ luật dành riêng một chương cho đấu thầu trong lĩnh vực y tế, gọi là điểm đặc biệt cũng không phải là quá khiên cưỡng. Chẳng những đặc biệt mà nó còn có tính cấp bách vì để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu (thuốc, hóa chất, thiết bị…) trong thời gian qua.
Rõ ràng trong hoạt động y tế thời gian qua có nhiều vướng mắc. Sau đại dịch COVID-19, ngành y tế gồng mình chống dịch thì sau đó lại rơi vào tình trạng khó khăn khác – thiếu thuốc, thiếu các loại vật tư y tế. Từ chỗ “tích cực” mua sắm, sau khi một số vụ việc lợi dụng chỉ định thầu để nâng giá bị phanh phui và nhiều người có trách nhiệm phải vướng vòng lao lý thì lại chuyển qua một trạng thái “ngại mua sắm”. Chính Bộ Y tế chỉ ra một nguyên nhân đó là tình trạng “lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra, nên không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm tại một số địa phương và đơn vị”.
Ngại mua sắm trong lĩnh vực nào đó thì còn khả dĩ, cùng lắm là nó không cho ra được sản phẩm. Ngại mua sắm trong lĩnh vực y tế là nó liên quan đến sức khỏe và thậm chí là sinh mạng bệnh nhân. Nói tính “cấp bách” cần có một bộ luật phù hợp để điều chỉnh việc này là vậy.
Có mấy điểm “đặc biệt” đáng chú ý:
Thứ nhất là: Trao nhiều quyền hơn về tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong đấu thầu của bệnh viện công lập, kể cả trong một số trường hợp chỉ định thầu.
Thứ hai: Luật trao quyền (theo người viết) tạm gọi là “liên kết cung cấp dịch vụ”. Điều này có thể thấy qua quy định: “Hợp đồng máy đặt, máy mượn được thực hiện trong thời hạn quy định tại hợp đồng, nhưng không quá 5 năm kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành (1/1/2024)”. Tính chất liên kết nó nằm ở chỗ nhà thầu đặt máy, cho mượn máy. Cũng cần nói thêm, mô hình máy đặt, máy mượn nhiều bệnh viện đã làm từ trước. Trong quá trình thảo luận, Quốc hội cũng đã nhận ra nhiều bất cập, nhưng vì “không làm gián đoạn thời gian cung cấp các dịch vụ và cũng để có thời gian các bệnh viện chuyển đổi mô hình” nên Quốc hội đã thông qua.
Về điểm thứ nhất là quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì các bệnh viện công được quyết định lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu mua sắm từ nguồn vốn vay. Nhưng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước thì không. Điểm thứ hai là “liên kết cung cấp dịch vụ”, trong mô hình máy đặt, máy mượn. Hiểu một cách nôm na là luật cho phép các bệnh viện công có thể lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế. Và tự chịu trách nhiệm về việc này (cũng phải theo luật). Ví dụ như khi chọn được nhà thầu cung cấp hóa chất, vật tư xét nghiệm rồi thì theo hợp đồng nhà thầu được phép đặt thiết bị để vận hành các loại hóa chất, vật tư xét nghiệm đó. Nhà thầu chỉ được phép chuyển giao quyền sử dụng thiết bị chứ không chuyển giao quyền sở hữu, tức là các cơ sở khám, chữa bệnh không được mua.
Xem ra mô hình này cũng hơi phức tạp. Nó na ná như “bia kèm lạc”. Muốn bán được vật tư, hóa chất thì nhà thầu phải cung cấp thiết bị sử dụng. Chắc chắn việc khấu hao thiết bị này sẽ được nhà thầu tính toán đưa vào giá thành dịch vụ. Vấn đề nó có minh bạch và chính xác đến mức độ nào.