ClockThứ Ba, 21/05/2024 14:44

Để khách đến Huế không lo về giá

TTH.VN - Khách đi du lịch thường có nhu cầu kết hợp mua sắm tại các điểm đến. Ở Huế, những ngôi chợ truyền thống và nổi tiếng không chỉ là địa chỉ mua sắm yêu thích mà còn là điểm dừng chân không thể bỏ qua khi khách đến Huế. Điều quan trọng mà khách mong muốn là không bị… chặt chém về giá.

Du lịch có trách nhiệm với môi trường Giữ gìn hình ảnh du lịch Huế: Mạnh tay nhưng cần sự chung tay Loại bỏ những “hạt sạn” trong du lịch

 Khách du lịch lựa nón lá Huế mua về làm quà

Khách ưa mua sắm nhưng sợ bị chặt chém

Đầu tháng 5/2024, Ban quản lý chợ Đông Ba đã nhận được phản ánh của một du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh về việc bị bán hàng nói thách, không đúng giá khi sử dụng dịch vụ ăn uống tại khu vực nhà C của chợ.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Ban quản lý chợ Đông Ba đã nhanh chóng vào cuộc xác minh. Ngay trong ngày, Ban quản lý chợ đã làm việc với hộ kinh doanh ngành hàng ăn uống tại khu vực nhà C theo phản ánh của du khách. Qua đó, Ban quản lý nghiêm khắc chấn chỉnh và yêu cầu tuân thủ việc niêm yết giá và bán hàng đúng giá. Đối với trường hợp hộ kinh doanh vi phạm qua phản ánh, Ban quản lý chợ Đông Ba đã tiến hành thu phạt, yêu cầu trả lại số tiền thu không đúng của khách và quyết định đình chỉ buôn bán trong 1 tháng (từ 8/5 đến hết 8/6). Ban quản lý chợ Đông Ba đã trao thưởng số tiền 500.000 đồng cho du khách khi phản ánh đúng người, đúng cơ sở với những trường hợp bán hàng nói thách, không đúng giá. Đồng thời, gửi lời xin lỗi đến du khách. Du khách này cũng đã gửi lời cảm ơn đến Ban quản lý chợ Đông Ba khi nhanh chóng vào cuộc xác minh, xử lý vụ việc.

Hiện nay, đa phần du khách khi đi du lịch đều mong muốn kết hợp mua sắm, nhất là các đặc sản, quà tặng địa phương. Huế có nhiều ngôi chợ nổi tiếng, thu hút khách du lịch, đặc biệt là chợ Đông Ba. Một trong những lo ngại của rất nhiều du khách nói chung là nạn chặt chém về giá tồn tại ở nhiều điểm đến du lịch trong cả nước và khách du lịch thường là “bị hại”. Do đó, chuyện ưa mua sắm nhưng sợ bị chặt chém tồn tại trong tâm lý của nhiều du khách.

Chị Nguyễn Thị Hoài Anh, du khách từ Thanh Hóa chia sẻ: “Mình từ Thanh Hóa vào, khác giọng nên đi mua sắm cũng sợ bị chặt chém. Có những mặt hàng, nhất là đặc sản địa phương, như mắm, mè xửng, mình cũng không rành về chủng loại, thấy mỗi nơi một giá nên cũng lo bị mua giá đắt”.

Chợ Đông Ba là một trong những ngôi chợ thu hút nhiều khách du lịch quốc tế tìm đến 

Trên thực tế, nạn chặt chém giá đối với khách du lịch trước đây xảy ra khá nhiều, song, các cơ quan chức năng thường xuyên vào cuộc chấn chỉnh, xử lý đã dần cải thiện. Tuy nhiên, nỗi lo của du khách là tình trạng giá cả bất hợp lý với du khách vẫn còn xảy ra, không chỉ riêng ở một số khu chợ mà còn ở nhiều hàng quán, điểm mua sắm khác. Điều này đặt ra yêu cầu các địa phương, đơn vị, lực lượng chức năng cần có hành động thiết thực để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh, hướng đến xây dựng môi trường mua sắm văn minh, thân thiện.

Theo bà Hoàng Thị Như Thanh, Trưởng Ban quản lý chợ Đông Ba, từ ngày 16/1/2024, chợ Đông Ba đã có thông báo trao thưởng số tiền 500.000 đồng cho tiểu thương hoặc du khách khi phản ánh đúng người, đúng cơ sở với những trường hợp bán hàng nói thách, không đúng giá. Đối với các trường hợp vi phạm, Ban quản lý chợ sẽ tiến hành đình chỉ và thu phạt theo quy định. Ngoài ra, Ban quản lý chợ cũng nghiêm khắc chấn chỉnh, xử lý đối với các hành vi, xử sự thiếu lịch sự với khách hàng trong quá trình mua bán gây ảnh hưởng đến hình ảnh của chợ.

Cách làm của chợ Đông Ba - ngôi chợ nổi tiếng bậc nhất xứ Huế, nhận được nhiều sự đồng tình của du khách. Nhưng theo nhiều du khách, xử lý chuyện chặt chém khách về giá không chỉ là chuyện riêng ở chợ Đông Ba, mà cần nhân rộng cách làm hay, thay đổi nhận thức của người kinh doanh để góp phần xây dựng một môi trường du lịch làm hài lòng cho du khách.

Để khách đến Huế yên tâm về giá

Ngày 10/4 vừa qua, nền tảng du lịch trực tuyến Agoda chia sẻ các điểm đến có giá phòng trung bình hợp lý nhất châu Á trong tháng 4 và tháng 5. Theo đó, Cố đô Huế là nơi du khách có thể tận hưởng mức giá phòng cạnh tranh nhất, vừa túi tiền nhất tại Việt Nam. Điều này ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của du khách. Nhiều người bày tỏ mong muốn, nếu Huế làm tốt khâu bình ổn giá của các loại hình dịch vụ và hàng hóa, không còn nạn chặt chém du khách khi mua sắm, Cố đô Huế sẽ là điểm đến thân thiện hấp dẫn hàng đầu Việt Nam và khu vực châu Á.

 Ngoài hoạt động kiểm tra khi có phản ánh, Sở Du lịch thường xuyên phối hợp lực lượng liên ngành có các đợt kiểm tra ở các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ du lịch

Ông Nguyễn Thái Hòa, Chánh Thanh tra Sở Du lịch chia sẻ, với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật, Thanh tra sở phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng có các hoạt động thanh, kiểm tra, nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật. Đối với các trường hợp chặt chém giá, khi có phản ánh của du khách hoặc phát hiện các vụ việc liên quan, lực lượng liên ngành nhanh chóng phối hợp kiểm tra và xử lý. Mục tiêu cao nhất là đảm bảo môi trường du lịch văn minh, thân thiện, tạo được sự hài lòng cho du khách.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc, lâu nay việc gìn giữ hình ảnh du lịch Huế, trong đó việc xử phạt những trường hợp tính giá bất hợp lý đối với du khách được các ban ngành liên quan cùng các địa phương thực hiện một cách nghiêm minh. Khi nắm được thông tin có trường hợp vi phạm, Sở liên hệ ngay với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc đến kiểm tra và có hình thức xử phạt nếu đúng như phản ánh. Như đối với TP. Huế, Thành ủy và UBND TP. Huế quan tâm chỉ đạo cho Công an TP. Huế và các phường, xã, đơn vị trực thuộc thành phố chủ động tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ảnh về các tệ nạn xã hội tác động ảnh hưởng môi trường du lịch trên địa bàn. Hiện nay, môi trường du lịch dần được cải thiện tốt hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà ngành chức năng lơ là trong vấn để kiểm soát.

Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cùng các địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để đảm bảo an toàn cho du khách, làm lành mạnh môi trường kinh doanh, giữ hình ảnh du lịch Huế thân thiện, mến khách. Ngoài ra, Sở sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến, mở các lớp bồi dưỡng về văn hóa giao tiếp, ứng xử và phục vụ trong hoạt động du lịch tới người dân, các doanh nghiệp tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố và các huyện, thị xã.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch Huế: Đừng để đi sớm, về muộn - Kỳ 3: Để khẳng định vị thế

Phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, du lịch Huế cũng phải trở lại đúng vị thế vốn có, xứng tầm với tài nguyên, thế mạnh. Muốn làm được điều đó, cần một chiến lược với những giải pháp cụ thể để làm nổi bật vai trò của ngành kinh tế mũi nhọn đã được tỉnh xác định; xứng đáng là trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch.

Du lịch Huế Đừng để đi sớm, về muộn - Kỳ 3 Để khẳng định vị thế
Ngành du lịch chung tay giảm rác thải nhựa

Sáng 25/9, Sở Du lịch phối hợp với Dự án “Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” (thuộc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam) tổ chức hội thảo sơ kết triển khai lộ trình giảm thiểu rác thải nhựa (RTN) ngành du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023 - 2025.

Ngành du lịch chung tay giảm rác thải nhựa
Chủ động nhập cuộc

Nhiều người đã quá quen với các khái niệm trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử. Bởi, trong bối cảnh bùng nổ công nghệ như hiện nay, bán hàng qua các sàn thương mại điện tử là xu hướng; mua sắm tại các trung tâm thương mại giúp khách hàng an tâm hơn về chất lượng sản phẩm. Vậy, các chợ truyền thống sẽ như thế nào?

Chủ động nhập cuộc

TIN MỚI

Return to top