Đoàn viên, thanh niên và người dân thị trấn Thuận An trồng hoa trên tuyến đường “Sáng, xanh, sạch, đẹp - trật tự trị an”
Cuối tháng 9 vừa qua, người dân thôn Hải Thành, phường Thuận An (TP. Huế) và thôn Trung An, xã Phú Thuận (Phú Vang) hồ hởi đón nhận tuyến đường “Sáng, xanh, sạch, đẹp - trật tự trị an” mới được khánh thành với sự hỗ trợ của Tỉnh đoàn. Tuyến đường cũ nay đã được “thay áo mới” với các điểm xanh trồng hoa và hệ thống camera an ninh khiến ai nấy đều vui mừng.
Bà Lê Thị Dần, người dân thôn Trung An chia sẻ, người thụ hưởng chính từ tuyến đường là người dân nên ai nấy đều cố gắng giữ gìn. Tuyến đường “Sáng, xanh, sạch, đẹp - trật tự trị an” không chỉ giúp thay đổi bộ mặt nông thôn mà còn thay đổi nhận thức của bà con, ai nấy đều tự giác dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh chung.
Đại diện Đoàn các đơn vị phường Thuận An và xã Phú Thuận cho biết, với các tuyến đường kiểu mẫu như trên, đoàn thanh niên địa phương đảm nhận phần “sáng” với việc lắp đặt và duy trì hệ thống đèn điện; các đoàn thể khác sẽ phụ trách các phần việc như vệ sinh môi trường, trồng cây xanh. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ lắp đặt 4 camera an ninh từ Tỉnh đoàn, việc giữ gìn an ninh trật tự trên tuyến đường sẽ được tăng cường thêm.
Trên thực tế, mô hình tuyến đường “Sáng, xanh, sạch, đẹp - trật tự trị an” là một trong những “điểm sáng” của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội những năm qua. Đến nay, mô hình trên đã được nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh với 869 tuyến đường.
Theo thông tin từ Mặt trận tỉnh, tuyến đường “Sáng, xanh, sạch, đẹp - trật tự trị an” là một trong những hình thức thể hiện của mô hình tự quản khu dân cư. Những năm qua, hoạt động của các mô hình tự quản của khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa bàn khu dân cư.
Việc xây dựng mô hình khu dân cư tự quản tập trung vào những nội dung chủ yếu như: giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, công tác phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; đảm bảo trật tự an toàn giao thông; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh tại địa phương...
Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 5.078 mô hình tự quản theo từng lĩnh vực do Mặt trận, các hội đoàn thể thành lập, với sự tham gia của tổ trưởng, trưởng thôn, trưởng ban công tác Mặt trận, chi hội trưởng các đoàn thể và những người có uy tín trong cộng đồng tại địa bàn khu dân cư. Trong đó, có 769 mô hình an ninh trật tự; 943 mô hình môi trường; 166 mô hình kinh tế; 422 mô hình dân số; 320 mô hình văn hóa; 334 mô hình ATGT; 9.181 mô hình tổ phòng, chống dịch COVID-19...
Các mô hình tự quản được thành lập dưới sự hướng dẫn hoạt động của Ban công tác Mặt trận hoặc các đoàn thể chính trị - xã hội, Công an xã, phường, thị trấn. Quy mô tổ chức các mô hình tự quản thường nhỏ, gọn được tổ chức trong khu dân cư (thôn, tổ dân phố). Phạm vi hoạt động được tổ chức thường xuyên tại thôn, tổ dân phố, cụm, nhóm dân cư tập trung và hoạt động trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội có liên quan như môi trường, giáo dục, văn hóa, trật tự trị an...
Thực tế hoạt động cho thấy, các mô hình tự quản ở khu dân cư đã phát huy hiệu quả; xây dựng kế hoạch, thực hiện các nhiệm vụ của tổ luôn gắn với việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các chương trình an sinh xã hội, vận động Nhân dân đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo... Từ đó, phát huy được hiệu quả trong hoạt động, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa bàn dân cư, đảm bảo an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh những thành quả đạt được, các mô hình tự quản vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: công tác chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng mô hình tự quản được nhiều ngành, nhiều cấp triển khai nên còn thiếu tính đồng bộ, chồng chéo về nội dung, đối tượng, mô hình còn trùng lặp, gây khó khăn trong hoạt động.
Theo ông Dương Đình Luân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh, để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, Mặt trận các cấp sẽ tập trung đổi mới hoạt động các tổ tư quản theo hướng phân công trách nhiệm cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn ở cơ sở, tránh tình trạng hô hào, hình thức hóa. Đồng thời, phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để huy động được sự đồng lòng, chung sức và đóng góp của người dân nhằm duy trì tốt các mô hình.
Bài, ảnh: Minh Nguyên