ClockThứ Năm, 19/08/2021 08:51

Muốn an toàn thì phải chủ động

Xử lý tài xế và phụ xe vi phạm quy định phòng, chống dịchGiãn cách xã hội xã Lộc Thủy (Phú Lộc) để phòng, chống dịch COVID-19

Lần thứ hai, người dân vùng dịch lại ào ạt kéo nhau về quê, sau khi TP. Hồ Chí Minh thông báo tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội cho đến 15/9. Chính quyền TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã cố gắng, vừa ngăn chặn vừa thuyết phục người dân ở lại, sẽ đảm bảo cái ăn, chỗ ở và tiêm vắc-xin cho họ. Nhưng liệu có ngăn chặn được không, làn sóng đang mỗi ngày mỗi gia tăng áp lực nặng nề lên con đập đã quá tải?

Muốn trả lời thấu đáo câu hỏi đó thì phải đặt ra một câu hỏi khác: Vì sao những người dân này phải tìm mọi cách để về quê? Vì sức lực của những người dân nghèo, ở trọ, làm thuê, đã gần như cạn kiệt sau gần hai tháng giãn cách, không thể đi làm để kiếm sống, nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, không biết ngày mai của mình sẽ ra sao. Dù lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã thông báo sẽ cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, hỗ trợ tiền nhà trọ và đảm bảo an toàn, thì người dân vẫn đành nán lại trong tâm trạng nhấp nhổm. Như vậy, không phải họ sợ đói khổ, mà sâu xa là họ quá bất an, đến mức khủng hoảng tinh thần, và là một cơn khủng hoảng tập thể. Vì vậy, nếu chỉ ngăn cản bằng mệnh lệnh hành chính, ngay cả hàng rào giới nghiêm, thì vẫn có người tìm cách thoát, bằng ngõ ngách, thậm chí bằng cách liều lĩnh. Và dịch bệnh sẽ lây lan ra cả nước theo cách không thể kiểm soát được, rất nguy hiểm.

Để nguy cơ này được ngăn chặn thì phải chủ động giải quyết một cách kịp thời. Thủ tướng vừa ban hành công điện hỏa tốc (ngày 16/8) với những nội dung cho thấy Chính phủ đã đánh giá đúng nguy cơ “vỡ đập”, dịch tràn ra cả nước. Thủ tướng yêu cầu: Nhất thiết không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở, không được hỗ trợ về y tế. Có chính sách hỗ trợ thiết thực bằng tiền, lương thực, thực phẩm... để người dân yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định phòng chống dịch. Không để người dân tự ý rời khỏi nơi đang thực hiện giãn cách để về quê.

Yêu cầu “ai ở đâu thì ở yên đó” là nguyên tắc bắt buộc để chống dịch lây lan. Nhưng để kiểm soát thật sự tình trạng người dân tự ý bỏ về, thì cần phải chủ động tổ chức đưa những người “thật sự cần thiết” có nhu cầu trở về, và cần phải đón họ trở về quê, đó là phụ nữ mang thai, trẻ em và phụ nữ đang nuôi con nhỏ, học sinh, sinh viên, người có bệnh nền... Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách, thống nhất với các địa phương liên quan, để tổ chức đưa đón người dân cần thiết phải về quê, thật an toàn, chu đáo.

Xin nhấn mạnh, chỉ những người dân thật sự cần thiết như đã nói trên đây, mới được đón về. Những người lao động trẻ tuổi, sức khỏe tốt, nên ở lại và tham gia vào việc chống dịch ở nơi mình đang sống. Không nên để mình trở thành gánh nặng cho quê nhà, khi mà các khu cách ly đã quá đầy, lực lượng phục vụ cách ly làm việc suốt mấy tháng qua đã quá tải, và nguồn lực của các địa phương cũng có hạn. Những trường hợp gây rối trong khu cách ly, trốn cách ly, và nhiều đòi hỏi quá đáng vừa qua, chắc chắn không phải là phụ nữ mang thai, trẻ em, người già. Tình trạng lây nhiễm chéo trong các khu cách ly vì lượng người quá lớn, khiến các bệnh viện dã chiến vừa thành lập để điều trị bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ quá tải, nếu không ngăn chặn những ổ bệnh như thế tiếp tục bùng phát. Vả lại, nếu ai cũng muốn về, thì sẽ giải quyết thế nào với hơn 95.000 người lao động quê Thừa Thiên Huế ở các tỉnh vùng dịch phía Nam, chưa kể sinh viên?

Huế vẫn là vùng còn khá an toàn so với cả nước. Đó là kết quả của cuộc phòng, chống dịch bệnh được thực hiện chặt chẽ trong suốt hai năm qua. Vì vậy, để giữ được “vùng xanh” - hậu phương vững chắc để hỗ trợ cho các “vùng đỏ” đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời giảm bớt gánh nặng đang đè lên cả nước, thì tỉnh cần giữ thế chủ động trong trận tuyến chống dịch này.

MINH QUÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người tiêm vắc xin ngừa COVID-19 AstraZeneca không nên lo lắng

Đó là lời khuyên từ các chuyên gia trước thông tin tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của hãng dược AstraZeneca có thể gây ra tác dụng phụ hiếm gặp, gây cục máu đông (TTS). Người dân cần tìm hiểu, lắng nghe cẩn trọng, khuyến cáo tránh tình trạng đổ xô đi làm các xét nghiệm không cần thiết.

Người tiêm vắc xin ngừa COVID-19 AstraZeneca không nên lo lắng
COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Return to top