Trao đổi tại khóa tập huấn, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh, mạng xã hội đang là vấn đề nóng tác động đến trẻ em trong thời kỳ công nghệ số hiện nay. Theo ông Đặng Hoa Nam, internet và mạng xã hội đã đem lại cho trẻ em nhiều giá trị tích cực, giúp trẻ em có thể tìm hiểu thế giới một cách dễ dàng, gặp gỡ, giao lưu được với nhiều người, chia sẻ tình cảm, thông tin... Song, mạng xã hội cũng gây ra những tác động tiêu cực cho trẻ em, như: tiếp cận với thông tin giả, truy cập vào những nội dung xấu độc, nghiện sử dụng mạng xã hội...
|
|
Tạo môi trường, sân chơi bổ ích cho trẻ em để tránh bị tác động bởi môi trường mạng |
Chia sẻ về kỹ năng đưa tin, bảo mật thông tin và truyền thông về bảo vệ trẻ em đối với nhà báo và các cơ quan báo chí, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Oanh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ, trẻ em là đối tượng phản ánh của báo chí, nên trẻ em cần được các cấp, các ngành, các nhà hoạch định chính sách quản lý, bảo vệ một cách tốt nhất. PGS.TS. Nguyễn Ngọc Oanh cũng đề xuất trong tác nghiệp, đưa tin về trẻ em cần tuân thủ 10 quy ước đạo đức nghề nghiệp của nhà báo để đem lại những tác động tích cực và tránh gây tổn hại với trẻ em sau khi xuất hiện trên báo chí.
Nói về công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, theo ông Lê Đức Hà, Quản lý Vùng Plan tại Quảng Bình, đây là nhiệm vụ cần huy động của các cấp, các ngành và triển khai, tuyên truyền sâu rộng hơn trong thời gian tới. Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng một cách hiệu quả, cần tăng cường vai trò của gia đình, cha mẹ và trường học trong việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn...
Trong khuôn khổ khóa tập huấn, các đại biểu đi thăm, làm việc tại xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, địa bàn dự án của Tổ chức Plan tại Quảng Bình; thăm và làm việc với Trung tâm Công tác xã hội của tỉnh Quảng Bình.