Khi xảy ra cháy cần nhiều lực lượng tham gia chữa cháy
Theo Thượng tá Phan Thanh Phong, toàn tỉnh hiện có 1.118 cơ sở sản xuất, kho hàng trong khu công nghiệp, khu dân cư và trên 100.000 ha rừng trồng có nguy cơ cháy cao.
Với diễn biến cực đoan của thời tiết, nắng nóng kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy, nổ là rất lớn, nhất là cháy rừng và cháy kho xưởng ở khu công nghiệp.
Thượng tá đánh giá như thế nào về nguy cơ cháy nổ hiện nay?
Tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các hộ gia đình tận dụng làm nơi kinh doanh các mặt hàng dễ xảy ra cháy, nổ như: May mặc, mỹ nghệ, các mặt hàng gas, xăng dầu, hóa chất… Dù lượng hàng hóa nhiều, lại thường xuyên tập trung đông người, nhưng chủ cơ sở và người dân vẫn chưa chấp hành tốt các quy định để đảm bảo an toàn PCCC và thoát nạn.
Thực tế cho thấy, các nhà kho, xưởng sản xuất trong khu công nghiệp thường được xây dựng khép kín, kết cấu khung thép, vách, mái tôn có giới hạn chịu lửa thấp; bên trong bố trí khối lượng lớn vật tư, nguyên liệu, thành phẩm. Khi có cháy, nổ xảy ra rất khó để phát hiện kịp thời và lực lượng PCCC, CNCH chuyên nghiệp gặp rất nhiều khó khăn tiếp cận để chữa cháy, cứu tài sản do công trình nhà xưởng có nguy cơ sụp đổ bất kỳ lúc nào.
Ngoài ra, với nguyên nhân khách quan do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao cùng với ý thức, sự bất cẩn của người dân khi thắp hương, đốt vàng mã hoặc đốt nương, rẫy, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng là nguyên nhân chính tiềm ẩn nguy cơ gây ra cháy rừng.
Ngoài trách nhiệm của lực lượng PCCC và CNCH thì các chủ rừng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm gì, thưa ông?
Theo quy định, chủ rừng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức có hoạt động ở trong rừng, ven rừng có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án PCCCR; tổ chức thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về PCCC rừng theo quy định của pháp luật; trang bị phương tiện, dụng cụ PCCCR; phát hiện cháy, báo cháy và tham gia chữa cháy rừng. Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sinh sống, hoạt động ở trong rừng, ven rừng có trách nhiệm thực hiện các biện pháp an toàn PCCC khi đốt nương, rẫy, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng.
Các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh mặt hàng dễ cháy, nổ như xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, dệt may, sản xuất bao bì, sợi, chế biến gỗ... phải tăng cường lực lượng tự quản, bảo vệ, trực gác ngoài giờ và củng cố lực lượng PCCC cơ sở, PCCC chuyên ngành; thường xuyên tự kiểm tra các điều kiện an toàn PCCC, tình trạng hoạt động của các hệ thống, thiết bị chữa cháy đã trang bị để chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm các nguy cơ mất an toàn về PCCC, chữa cháy kịp thời, ngay từ ban đầu khi có cháy, nổ xảy ra.
Vậy, chúng ta cần những giải pháp gì để giảm nguy cơ cháy, nổ xảy ra?
Ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, chúng tôi tiếp tục tham mưu chính quyền các cấp thực hiện tốt hơn nữa chức năng quản lý Nhà nước về PCCC theo quy định của pháp luật; huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào toàn dân PCCC.
Người đứng đầu chính quyền cơ sở, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội cần đề cao vai trò, trách nhiệm trong quá trình tổ chức thực hiện quy định của pháp luật, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về PCCC. Bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông, nguồn nước và các điều kiện cần thiết phục vụ công tác PCCC tại địa phương, ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở nguy hiểm cháy nổ xen kẽ trong khu dân cư.
Thượng tá có lời khuyên nào đối với người dân để nâng cao công tác PCCC?
Đó là, cần chú ý kiểm tra hệ thống dây điện, ổ cắm và các thiết bị tiêu thụ điện, nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt trong gia đình, nơi thờ cúng, nhất là vào thời điểm nắng nóng như hiện nay, khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao gây nguy cơ mất an toàn, dễ xảy ra quá tải, chập điện dẫn đến cháy, nổ. Thường xuyên nhắc nhở người thân trong nhà có ý thức an toàn trong sử dụng điện, sử dụng bếp gas. Sắp xếp vật dụng, hàng hóa gọn gàng, không để gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao. Mỗi gia đình nên trang bị ít nhất một bình chữa cháy để kịp thời dập tắt ngay các đám cháy từ khi mới phát sinh.
Cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu nếu chúng ta chủ quan, lơ là. Vì vậy, khi xảy ra cháy, nổ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân cần gọi ngay số điện thoại 114 để được hỗ trợ kịp thời.
Ngày 5/5/2021, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại kho chứa giấy của Công ty Thiên An Phát (KCN Phú Bài - TX. Hương Thủy), Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh phải điều động 17 xe chữa cháy và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng với phương tiện, thiết bị chuyên dụng đến hiện trường để dập tắt đám cháy.
Anh Phong (thực hiện)