|
Các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý, đơn vị đào tạo cùng nhau trao đổi, thảo luận tại hội thảo |
Cung ứng sản phẩm chất lượng
Phát biểu mở đầu hội thảo, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, đã đến lúc cần phải phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo hướng mở, linh hoạt, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp trong bối cảnh khoa học, kỹ thuật, công nghệ, chuyển đổi số và thị trường lao động thay đổi nhanh, phát triển kinh tế đất nước gắn với tăng trưởng xanh và các mục tiêu phát triển bền vững. Đơn vị đào tạo cần nắm bắt nhu cầu thực tế của thị trường lao động để mở rộng ngành, nghề và xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của DN và xã hội.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, trước hết, các cơ sở GDNN phải nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộquản lý. Có như vậy mới nâng được chất lượng đào tạo, học viên, cung ứng sản phẩm chất lượng cho thị trường lao động. Để nâng cao chất lượng đầu vào, đảm bảo chất lượng đầu ra, năm 2023, tỉnh quyết định áp dụng thi tuyển đầu vào cho chuyển cấp THCS lên THPT để vào các trường nghề mà không đợi phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào trường nghề như mọi năm vẫn thực hiện. DN và đơn vị cung ứng nguồn lao động cũng cần bắt tay liên kết, cùng nhau đầu tư, đổi mới về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nội dung đào tạo nghề... gắn với cơ chế thị trường, yêu cầu của DN.
Nói về thực trạng kỹ năng của người lao động hiện nay, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Trần Minh Đức kể ra 3 câu chuyện thực tế mà cá nhân ông là CEO Trung tâm đào tạo và tư vấn Hồng Đức, đồng thời là đơn vị tuyển dụng lao động gặp phải. Đó là ông Đức đặt ra 3 tình huống để khảo sát các bạn lao động trẻ khi ứng tuyển về 3 năng lực: thái độ, kỹ năng, trình độ (kiến thức). Nhưng kết quả, cả 3 năng lực trên đa phần các bạn đều thiếu trầm trọng so với chỉ tiêu năng lực con người cần có là: thái độ 70%, kỹ năng 26% và trình độ 4%.
|
Đào tạo nghề phải bám sát nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu của DN |
Ông Đặng Hữu Phúc, TUV, Giám đốc Sở LĐTB&XH cũng nhìn nhận, một số nghề đào tạo chưa gắn với nhu cầu thị trường lao động, đăng ký mở mã ngành nhiều nhưng không tổ chức đào tạo hoặc không có người học. Các nghề phục vụ cho sự phát triển của vùng, ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, ngành nghề kỹ thuật công nghệ cao để đón đầu phục vụ cho yêu cầu của công nghiệp hoá, hiện đại hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như: bảo dưỡng, sửa chữa lắp ráp các thiết bị chính xác, cơ điện tử, các nghề thuộc lĩnh vực tự động hoá, du lịch, dịch vụ phục vụ chất lượng cao chưa được quan tâm đầu tư đúng mức...
Liên kết và tiếp cận đa chiều
Hội thảo cũng đã có những góc nhìn mới khi đề cập đến đối tượng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tham luận của đại diện Phân Viện văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế đã phân tích, chia sẻ việc cần tiếp cận từ góc độ văn hóa và dân tộc học để nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua đào tạo và giải quyết việc làm. Những ngành nghề đào tạo cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nên đòi hỏi ít kỹ năng cao, phù hợp với sức lao động phổ thông, kỹ năng, kỷ luật, thói quen... và tư duy đơn giản, trực quan sinh động. Triển khai các chương trình đào tạo ngắn hạn, dạy nghề gắn với việc làm, liên kết với các công ty, nhà máy tuyển dụng để có nơi làm việc và làm đúng việc.
|
Đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động miền núi cần đúng nhu cầu thực tế các bên |
Còn với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), ngôi trường được quy hoạch thành trường cao đẳng chất lượng cao của tỉnh với 7 nghề đạt chuẩn quốc tế cũng đang đào tạo theo hướng "Đi thật xa để trở về" - mô hình đào tạo hướng đến thị trường lao động quốc tế. Có nghĩa HueIC đang thực hiện mô hình đào tạo nghề kép (Dual VET) và mô hình đào tạo chất, lương cao như một số ngành: công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, ô tô, logistic, chăm sóc sắc đẹp... Mô hình đào tạo nghề kép gồm: trình độ cao đẳng ngành kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải (GIZ tài trợ); đào tạo gắn kết với DN trong dự án hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch ngành công nghệ thực thẩm; trình độ cao đẳng chất lượng cao giữa HueIC và Vinfast.
Sở LĐTB&XH đề xuất mô hình "Hội đồng GDNN cấp tỉnh" nhằm phát triển kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thúc đẩy gắn kết mối quan hệ "Nhà nước, Nhà trường và DN" và các bên liên quan khác trong việc phát triển GDNN; tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật từ Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ). Việc thành lập Hội đồng GDNN sẽ giúp cho GDNN trên địa bàn tỉnh phát triển đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và đến năm 2030.
Trao đổi tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển chất lượng nguồn nhân lực tại Thừa Thiên Huế đáp ứng yêu cầu mới của xã hội, DN hiện nay, cần có những giải pháp đồng bộ. Trong đó cần tập trung thực hiện các giải pháp đột phá liên quan đến liên kết, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và DN, có cơ chế thúc đẩy sự chủ động và tham gia tích cực của các bên, kết hợp mô hình đào tạo kết hợp thực tập DN trong và ngoài nước...