ClockThứ Bảy, 06/01/2024 07:05

Ngập úng kéo dài đến bao giờ - Kỳ 2: Chống ngập để phát triển bền vững

TTH - Câu chuyện chống ngập tại khu đô thị, khu công nghiệp (KCN) không phải là việc sớm chiều. Song, trước khi bàn đến những giải pháp dài hơi cần tính toán, giám sát việc triển khai, thi công các công trình. Việc này phải đặt trong mối tương quan, hài hòa giữa phát triển kinh tế và đảm bảo đời sống dân sinh.

Ngập úng kéo dài đến bao giờ - Kỳ 1: Thách thức cho bài toán chống ngập

Thừa Thiên Huế đang đặc biệt quan tâm vấn đề thoát nước tại đô thị và các KCN 

Rà soát các phương án thoát nước

Năm 2023, doanh thu từ các khu kinh tế, công nghiệp (KKT, CN) tỉnh đạt 35.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 3.500 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 38.500 lao động. Rõ ràng, việc phát triển các KKT, CN tỉnh sẽ tạo đột phá cao. Song, câu chuyện hoàn thiện hạ tầng, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân ở khu vực này cần được tính toán kỹ lưỡng. Ngoài ra, khi mà hạ tầng nước thải tại các KCN vẫn chưa hoàn thiện không chỉ ảnh hưởng đến việc thu hút nhà đầu tư thứ cấp mà còn tác động đến dân sinh.

Đối với Dự án Đầu tư xây dựng & kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Gilimex, sau hơn 1 năm khởi công, ngoài việc gây ngập úng ở P. Phú Bài, thì trước đó, chính quyền và người dân xã Thủy Phù đã nhiều lần bày tỏ lo lắng khi KCN này hoàn thành, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt ngày càng nghiêm trọng hơn.

Trước thực tế này, được chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, TX. Hương Thủy, Viện Khoa học & Công nghệ Bách khoa Đà Nẵng (đơn vị được giao nghiên cứu tác động của việc xây dựng KCN Gilimex ảnh hưởng đến lưu lượng và dòng chảy các sông, suối trong khu vực) và các bên liên quan đã tổ chức nhiều phiên họp, đi thực địa để đánh giá, rà soát phương án thoát nước khu vực phường Phú Bài và xã Thủy Phù sau khi hình thành KCN Gilimex.

Trong cuộc họp, ông Lê Hữu Trí - Chủ tịch UBND xã Thủy Phù nhận định, theo thiết kế, việc thực hiện dự án KCN khiến lượng nước tập trung đổ về khu vực cầu Ông Rồng (trước đây, khi chưa san gạt mặt bằng, lượng nước này bị chắn lại và phân tán ra nhiều nơi khác). Điều này sẽ gây ngập lụt với xã Thủy Phù cao hơn so với những năm trước. Mà đúng như những lời của Chủ tịch UBND xã Thủy Phù, những trận mưa lớn vào tháng 10, tháng 11 vừa qua đã chứng minh lo lắng này hoàn toàn chính xác.

 Những trận mưa lớn tháng 10, tháng 11 khiến Thủy Phù nhiều nơi ngập trên 2m

Cũng tại cuộc họp, số liệu của Viện Khoa học & Công nghệ Bách khoa Đà Nẵng cho thấy, nếu hoàn thiện KCN Gilimex, mực nước lũ sẽ tăng cao hơn khoảng 0,6 đến 0,8m so với các năm trước. Bên cạnh đó, do hơn 400ha đất rừng trong phạm vi KCN được bê tông hóa nên lượng nước lũ sẽ về hạ lưu nhanh hơn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến người dân sống tại khu vực trên.

“Trong các báo cáo những lần trước, đơn vị vẫn còn phiến diện trong phân tích một số yếu tố. Và sau đợt lũ ngày 15/11, chúng tôi tiến hành khảo sát mở rộng, lập bản đồ ngập lụt cho toàn khu vực… để có cách nhìn tổng quan hơn. Bên cạnh đó, từ chỉ đạo của tỉnh và tiếp thu các ý kiến của Sở Xây dựng, TX. Hương Thủy, các ban ngành hữu quan, sau thời gian nghiên cứu, tính toán, điều chỉnh, đơn vị đã đề xuất một số phuơng án thoát nước”, ông Dương Quang Minh - đại diện Viện Khoa học & Công nghệ Bách khoa Đà Nẵng nói.

Ông Nguyễn Thanh Minh - Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy cho hay, sau khi cân nhắc, tính toán, Hương Thủy thống nhất phương án thoát nước đổ về sông Ông Giá thông qua kênh A2 trong KCN Gilimex dài khoảng 1.100m. Riêng kênh Đá Bạc được bố trí thoát nước thải sau xử lý (theo quy hoạch KCN) và một phần nước mặt cho khu vực với chiều dài còn lại khoảng 200m; điều chỉnh dòng chảy cho lưu vực hiện tại chảy ra kênh Đá Bạc nay chảy sang kênh mới (gọi là kênh Đông Nam) đổ vào sông Ông Giá với chiều dài 1.900m. Xây dựng kênh phân lũ phía trước đập Cam Thu chiều dài khoảng 1.400m. Mở rộng khẩu độ các cống băng Quốc lộ 1A.

“Chúng tôi cũng đã đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của các sở, ngành hữu quan để bổ sung nâng cấp, cải tạo các cầu qua sông Phù Bài. Đối với sông Phù Bài thì cần phải đưa vào phương án chỉnh trang nạo vét và làm kè gia cố, đồng thời dự kiến hành lang tiêu thoát lũ trên toàn tuyến sông Phù Bài, đặc biệt đoạn từ TL15 băng qua KCN Gilimex các giai đoạn”, Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy cho biết thêm.

Đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu

Nhiều chuyên gia đã đánh giá cao định hướng không gian đô thị, định hướng phát triển các KKT, CN của Thừa Thiên Huế. Song câu chuyện thoát nước cho đô thị hay các KCN cần rà soát lại một số nội dung liên quan đến tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý; bổ sung đánh giá chất lượng nước thải sau xử lý… Ngoài ra, cần dự báo tổng lượng nước thải dự báo trong tương lai và phải tính toán riêng, phù hợp cho từng khu vực xây dựng đô thị.

Theo TS. Trần Anh Tuấn, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật – Bộ Xây dựng, trong quy hoạch đô thị nên bổ sung quy mô sử dụng đất để hình thành trạm xử lý nước thải. Đối với trạm xử lý nước thải các khu, cụm công nghiệp nên xem xét bổ sung hồ chứa nước thải sau xử lý (hồ sự cố) sẽ giảm thiểu ô nhiễm khi có sự cố. Bổ sung bố trí mạng lưới thu gom nước thải các khu vực xây dựng đô thị.

Được biết trên địa bàn tỉnh, hiện chỉ có TP. Huế đã xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung quy mô lớn, chất lượng nước thải đạt loại B và đã có dự án được phê duyệt nâng chất lượng nước thải sau xử lý đạt loại A theo quy chuẩn Việt Nam. Đối với trạm xử lý nước thải sinh hoạt, các trạm xử lý nước thải trong khu vực đô thị trung tâm đã được xác định quỹ đất hạ tầng. Đối với các trạm xử lý nước thải sinh hoạt khu vực ngoài đô thị trung tâm, quỹ đất cụ thể được xác định trong quy hoạch chung đô thị.

Tại buổi họp thẩm định Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế, lãnh đạo tỉnh thống nhất ý kiến góp ý của các chuyên gia, đồ án quy hoạch sẽ tính toán dự báo lượng thải theo từng khu vực xây dựng đô thị. Thống nhất bổ sung định hướng các trạm xử lý phải có hồ chứa nước thải sau xử lý.

Theo lãnh đạo tỉnh, định hướng hệ thống hành lang xanh, thoát lũ đã được phát triển trên nền định hướng Quy hoạch 649. Trên cơ sở đó, hệ thống quy hoạch hành lang xanh thoát lũ quy hoạch xung quanh khu vực trung tâm (TP. Huế, An Vân Dương, một phần Hương Thủy, Hương Trà) hiện nay mở rộng bao gồm phạm vi TP. Huế mở rộng, Hương Trà, Hương Thủy; đồng thời, đan xen theo hướng Bắc – Nam đối với khu vực Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc đảm bảo giữ được hành lang thoát lũ.

Ngoài hệ thống hành lang xanh, tỉnh đã có các đề án nghiên cứu riêng về vấn đề ngập lụt phía Đông Nam, phía Bắc. Trong đó, quy hoạch đã tổ chức các hành lang xanh cho tiêu thoát nước, cải tạo hệ thống sông hiện hữu theo hướng mở rộng dòng chảy, đào thêm hệ thống kênh, mương, tăng thêm các cửa thoát lũ sông Hương, sông Bồ về hướng biển.

Riêng với khu vực đô thị phía Đông - Nam TP. Huế là khu vực mở rộng của đô thị trung tâm, áp dụng giải pháp thiết kế đô thị dạng đảo, dành các khu vực trũng cho cây xanh và kênh tiêu thoát nước, vừa tạo dựng được khu vực cảnh quan độc đáo, hòa hợp với không gian Huế hiện trạng. Theo đó, có khoảng 190km kênh mương được quy hoạch đào mới (với chiều rộng mặt kênh khoảng từ 40 – 120m), hệ thống kênh mương được cải tạo mở rộng khoảng hơn 70km (mở rộng lòng kênh từ hiện trạng có mặt cắt nhỏ tầm 20-100m thành 40-200m).

Về hệ thống hành lang xanh, đô thị Thừa Thiên Huế với đặc trưng nhiều hệ thống công viên cây xanh, diện tích mặt nước khá lớn; yếu tố đặc thù là hệ thống cây xanh cảnh quan đô thị, hỗ trợ phát triển đô thị xanh, bền vững đồng thời, góp phần hình thành các không gian xanh, hỗ trợ thoát lũ.

“Với thực tế hiện nay, câu chuyện thoát lũ cho các đô thị, đặc biệt là đô thị mới thành lập luôn được tỉnh quan tâm. Trong quy hoạch Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế và quy hoạch tỉnh, những nội dung này đã được làm rõ và có các phương án cụ thể”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG - LÊ THỌ
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng giải pháp chống ngập, chủ động ứng phó mưa bão

Là địa bàn huyện nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với vùng Bạch Mã là tâm mưa lớn nhất cả nước, Phú Lộc thường xuyên chịu ảnh hưởng của một số loại hình thiên tai như: mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất… Trước mùa mưa bão năm nay, huyện Phú Lộc chủ động triển khai nhiều giải pháp tăng khả năng chống ngập, hạn chế thiệt hại từ thiên tai.

Tăng giải pháp chống ngập, chủ động ứng phó mưa bão
Khoa học địa lý Việt Nam với chuyển đổi số phục vụ phát triển bền vững

Ngày 13/7, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế phối hợp với Hội Địa lý Việt Nam và Hội Địa lý Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị khoa học địa lý toàn quốc lần thứ XIV, năm 2024 với chủ đề “Khoa học địa lý Việt Nam với chuyển đổi số phục vụ phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”.

Khoa học địa lý Việt Nam với chuyển đổi số phục vụ phát triển bền vững
Return to top