ClockThứ Bảy, 18/11/2023 11:39

Ngày hội Đại đoàn kết: Nơi phát huy sức mạnh toàn dân

TTH - Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (ĐKDT) là ngày để người dân mỗi khu dân cư gặp nhau, ôn lại truyền thống và cùng nhau củng cố, phát huy sức mạnh khối đại ĐKDT; qua đó, góp phần tăng cường sự đồng thuận xã hội, cùng nhau xây dựng và phát triển quê hương.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc - Ngày hội của ý Đảng, lòng dânLãnh đạo tỉnh chung vui Ngày hội Đại đoàn kết cùng người dân thôn Cự Lại Trung và Giáp Nhì

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu (áo trắng) tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm của bà con TDP 4, 5 phường Phú Hậu 

Tạo sự đồng thuận

Đến với ngày hội đại ĐKDT, gia đình chị Nguyễn Thị Tú Cẩm, TDP 5 phường Phú Hậu, TP. Huế mang những sản phẩm sạch “cây nhà lá vườn” của gia đình như: nước mắm cá, tôm chua, tép chua… để giới thiệu đến với mọi người. Vợ chồng chị bận rộn, liền tay giới thiệu và bán các sản phẩm trưng bày. Cậu con trai vui vẻ mải mê chơi các trò chơi dân gian cùng bạn bè trong xóm.

Những con diều handmade được chính tay các em nhỏ vẽ, tô màu và dán. Cầm trên tay một con diều nhỏ, xinh xắn do tự tay làm, cháu Khúc Ngọc Thành Long  (TDP 5, Phú Hậu) vui vẻ: Đây không phải là lần đầu cháu tự làm diều, nhưng được làm với các bạn, anh chị trong xóm cháu vui lắm. Không những làm diều, cháu còn được chơi và xem các trò chơi dân gian như bịt mắt đập niêu, kéo co, nhảy sạp…

Các gian hàng được thiết kế đẹp mắt, chỉn chu cùng những sản phẩm truyền thống, những sản phẩm tốt cho sức khỏe được người dân TDP 4 và 5, phường Phú Hậu trưng bày trong ngày hội đại ĐKDT đã thu hút, níu chân rất nhiều quan khách khi đến tham gia cùng ngày hội.

Ngày hội đại ĐKTD ở TDP Lại Thế 1, 2 phường Phú Thượng, TP. Huế thực sự ngày của sự đoàn kết. Bà con không những được giao lưu, vui chơi mà còn được lắng nghe và hiểu hơn về tình hình địa phương, quê hương mình. Việc thực hiện các hương ước, quy ước làng, TDP văn hóa được người dân chú trọng. Phát huy bảo tồn các giá trị truyền thống của ông cha để lại, loại bỏ dần trong cuộc sống những hình thức lỗi thời, lạc hậu, để xây dựng nếp sống văn minh, thắm đượm tình làng nghĩa xóm. Nhiều nét mới trong văn hóa, chuẩn mực đạo đức từng bước được hình thành, các hoạt động cúng tế để phù hợp với thuần phong mỹ tục.

 Trẻ em TDP 4, 5 phường Phú Hậu vui chơi trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Hưởng ứng phong trào Chủ nhật vì cộng đồng, Ban Công tác mặt trận 2 TDP đã vận động mạnh thường quân tặng 400 suất quà gồm gạo, tiền, mỳ tôm cho bà con nghèo, khó khăn trên địa bàn. Những tấm gương bà con trên địa bàn đã mạnh dạn áp dụng KHKT để trồng trọt, chăn nuôi… có thu nhập ổn định và phát triển kinh tế hộ gia đình cũng được giới thiệu để bà con cùng nhau học tập, nhân rộng và cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, cùng nhau làm giàu, xây dựng quê hương. Trong năm, TDP Lại Thế 1, 2 đã có 4 hộ thoát nghèo bền vững. Năm 2023, qua bình xét  hộ dân đạt chuẩn gia đình văn hóa ở 2 TDP đạt 97% và cả hai TDP đều đạt danh hiệu TDP văn hóa năm 2023.

Ông Nguyễn Phú Lâm, TDP Lại Thế 1, phường Phú Thượng bộc bạch: Tôi rất phấn khởi khi tham gia ngày hội. Tôi cũng rất biết ơn bà con, chính quyền và Ban Công tác Mặt trận TDP đã luôn quan tâm, giúp đỡ gia đình tôi. Cũng chính sự quan tâm đó là động lực để gia đình tôi nỗ lực hơn trong cuộc sống, vượt lên hoàn cảnh và phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Cộng động trách nhiệm

Củng cố khối đại ĐKDT là định hướng xuyên suốt và là động lực cho việc tổ chức ngày hội tại cộng động dân cư. Tinh thần đại đoàn kết toàn dân được thể hiện sinh động với những nội dung thiết thực, tác động trực tiếp đến suy nghĩ, hành động và lối sống của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần đem lại những diện mạo mới trong mỗi cộng đồng.

Các cá nhân, hộ gia đình đã nhận thức rõ hơn trách nhiệm trong xây dựng cộng đồng. Kết quả của ngày hội đã góp phần quan trọng giúp Nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống vệ sinh; lên án với các hành vi mê tín, dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục.

Đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, xóa hộ đói, giảm hộ nghèo. Đoàn kết giúp đỡ người gặp hoạn nạn khó khăn, người cao tuổi neo đơn không nơi nương tựa; huy động sức đóng góp của cộng đồng hỗ trợ làm nhà “Đại đoàn kết”, “Nhà tình thương” tặng cho hộ nghèo. Đoàn kết chăm lo sự nghiệp giáo dục, xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài, động viên các hộ gia đình cho trẻ đi học đúng độ tuổi, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó…

Ông Nguyễn Nam Tiến, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: Trong từng giai đoạn, mặt trận các cấp đã có những giải pháp trong lựa chọn hình thức tổ chức ngày hội phù hợp với từng địa bàn, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc và nghi thức tôn giáo. Phát huy hiệu quả vai trò chủ động của hệ thống mặt trận cơ sở, sáng tạo của ban công tác mặt trận; sự tham gia của các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín, chức sắc các tôn giáo và đội ngũ cán bộ, đảng viên đã góp phần động viên, quy tụ và tập hợp Nhân dân đến với ngày hội.

Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền ý nghĩa của ngày hội, lịch sử vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và truyền thống cách mạng của quê hương, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân, đề cao ý thức cộng đồng luôn được chú trọng. Nhân dân tại mỗi cộng đồng dân cư nhận thức sâu sắc hơn về thành quả của công cuộc đổi mới đất nước, về nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.

Chính từ ngày hội lòng nhân ái của mỗi cá nhân được nhân lên qua sự chia sẻ của từng cộng đồng với xã hội. Theo kết quả tổng hợp của các địa phương, Quỹ “Vì người nghèo” 3 cấp trong kỳ đã vận động được 15,683 tỷ đồng. Qua đó, đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 438 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; hỗ trợ vốn sản xuất cho 231 hộ nghèo, tặng 2.188 phần quà cho học sinh nghèo…

Ngày hội chính là minh chứng cho sự đồng lòng của Nhân dân và chính quyền. Đồng thời, khẳng định được vị thế của hệ thống mặt trận các cấp trong hệ thống chính trị, làm tròn vai trò cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với quần chúng nhân dân; nơi tập hợp, lắng nghe và phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân; củng cố sự đồng thuận xã hội.

Bài, ảnh: THANH THẢO
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

Sáng 16/4, Đảng ủy Quân sự tỉnh tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận (KL) số 01 của Bộ Chính trị khoá XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khoá XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và 2 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) số 847 của Quân uỷ Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.

Tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Phát huy sức trẻ trong lực lượng vũ trang

Công tác đoàn và phong trào thanh niên trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã có bước phát triển toàn diện cả chiều rộng, lẫn chiều sâu; thực sự là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Phát huy sức trẻ trong lực lượng vũ trang
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách: Giá trị văn hóa thời Nguyễn, gồm 23 bài viết với 380 trang. Các bài viết đã nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan, mang tính chất tổng kết nghiên cứu di sản Cố đô Huế, góp phần làm rõ giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa Huế.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn
Return to top