Nhà báo Lê Văn Minh Tự
Nhà báo Lê Văn Minh Tự, thường trú báo Tuổi Trẻ tại Thừa Thiên Huế: Nhà báo không phải là hàng hóa
Mọi khoản tiền mà doanh nghiệp (DN) bỏ ra đều nhằm mục đích chính là phục vụ cho công việc kinh doanh - sản xuất của họ, gọi chung là vốn đầu tư, để tạo ra hàng hóa, dịch vụ. Nếu nhà báo (NB) nhận tiền của DN thì anh ta đã trở thành một thứ hàng hóa, dịch vụ của DN. Trừ vài trường hợp cá biệt, chẳng hạn DN mua hình ảnh của phóng viên chụp mang tính chất quảng bá, hoặc thuê NB biên tập thông tin trên website của họ. Trong trường hợp này thì NB là khách hàng của DN theo quan hệ bình đẳng, hợp pháp. Còn lại, khi DN đưa tiền cho NB thì mục đích của họ là mua tiếng nói hoặc mua sự im lặng của NB, theo chiều hướng có lợi cho họ.
Khi đã trở thành một thứ hàng hóa để người ta mua bán thì coi như anh không còn là NB với ý nghĩa tối thiểu của danh từ đó. Anh đã bán rẻ cái nghề của mình.
Ngày mới vào nghề, tôi tình cờ nghe được lời của một NB lớn tuổi khi ông trả lời phỏng vấn nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam. “Nghề báo là nghề vô giá, vì vậy, xin đừng để ai ngã giá nghề của mình!”. Tờ báo là hàng hóa, nhưng NB không bao giờ là hàng hóa. Xin đừng mua bán sự khách quan, trung thực của nghề này!
Nhà báo Bùi Ngọc Long
Nhà báo Bùi Ngọc Long, thường trú báo Thanh Niên tại Thừa Thiên Huế: Bao giờ nhà báo chân chính cũng được trân trọng
Nhà báo với thiên chức của mình là, lấy sự trung thực làm tiêu chí để phấn đấu. Tuy nhiên, do môi trường nghề nghiệp mỗi thời kỳ, mỗi lúc, bối cảnh xã hội khác nhau mà làm thay đổi cái thiên chức của NB đó. Hiện nay, do quản lý nhà nước ở góc độ vĩ mô, cấp phép quá nhiều cơ quan báo chí mà không quản lý chặt chẽ, không cấp kinh phí hoạt động, trong khi môi trường báo chí một số nơi không được lành mạnh lắm nên một số phóng viên trẻ khi mới ra trường biểu hiện mong muốn kiếm tiền một cách nhanh chóng. Từ việc mong muốn kiếm nhiều tiền, có tiền một cách nhanh chóng đó đã làm thay đổi thiên chức của một người làm báo, xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu nơi này khác, người này người khác. Tuy nhiên, tôi nghĩ và vẫn có niềm tin rằng, dù trong điều kiện, môi trường xã hội như thế nào thì người làm báo chân chính vẫn có một chỗ đứng nhất định, vẫn được trân trọng.
Nhà báo Nguyễn Thị Bích Thùy
Nhà báo Nguyễn Thị Bích Thùy, Trưởng phòng Xây dựng Đảng- Nội chính Báo Thừa Thiên Huế: Trau dồi đạo đức nghề nghiệp
Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; trong đó, điều 3 ghi rõ: “Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi, bảo vệ công lý và lẽ phải…”. Cố NB Hữu Thọ cũng từng căn dặn những người làm báo phải “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.
Tiếc rằng, thời gian qua, một số NB lòng đã “đục”. Họ tìm những cái sai của một số cơ quan, DN chỉ để mục đích dọa dẫm, vòi vĩnh, tống tiền hay lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để “kiếm chác”. Đó là những “con sâu” làm ảnh hưởng đến uy tín của những người làm báo chân chính.
Xã hội luôn đặt niềm tin và tôn trọng vào đội ngũ những người làm báo thì những người làm báo cũng phải không ngừng học hỏi, rèn luyện, trau dồi đạo đức nghề nghiệp để đáp lại niềm tin yêu đó.
Nhà báo Nguyễn Khoa Diệu Hà
Nhà báo Nguyễn Khoa Diệu Hà, Trưởng phòng Văn nghệ giải trí- Đài Phát thanh-Truyền hình Thừa Thiên Huế: Yêu nghề cũng là một nội hàm của đạo đức báo chí
Tôi nghĩ tình yêu nghề cũng là một nội hàm của đạo đức. Nhưng không phải cứ yêu nghề là người làm báo sẽ đủ nội lực vượt qua một cách dễ dàng những khó khăn, thử thách. Cũng đã có một vài cây bút xông xáo, thông minh, bản lĩnh... bị “ngã ngựa” trước những cám dỗ của tiền bạc, của danh vọng. Số ấy rất ít nhưng cũng là một sự thật để bạn đọc có quyền đặt câu hỏi về lòng yêu nghề, về việc giữ gìn những chuẩn mực đạo đức của người làm báo hiện nay. Những vấp ngã của đồng nghiệp cho thấy, để giữ được lòng yêu nghề, giữ được đạo đức của nghề báo, chúng ta phải tự đối diện với mình, đấu tranh với chính mình, mà cuộc đấu tranh với chính mình là cuộc đấu tranh thầm lặng nhất, gay go nhất.
Yếu kém về chuyên môn cũng là một trong những nguyên nhân làm nhà báo khó giữ được lòng yêu nghề. Phải giữ mình và phải tự nâng mình lên. Giữ được lòng yêu nghề, đó là một vấn đề của đạo đức nghề báo trong thời hiện tại.
Ông Nguyễn Huy Hiển
Ông Nguyễn Huy Hiển, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Báo chí phải chịu trách nhiệm đến cùng những thông tin đăng tải
Ở góc độ quản lý Nhà nước, theo tôi, đạo đức nghề báo bao gồm đạo đức của cơ quan báo chí và cả người làm báo. Đối với cơ quan báo chí phải thể hiện sự đảm bảo bản lĩnh chính trị, tôn chỉ mục đích của tờ báo; thông tin phải có định hướng dư luận xã hội, làm sao nâng cao dân trí, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận trong xã hội về những thông tin mà báo chí đăng tải.
Đạo đức báo chí hiện nay cần quan tâm hơn công tác xây dựng Đảng, xây dựng pháp quyền xã hội chủ nghĩa; thể hiện cấp độ cao nhất là đạo đức cách mạng của cơ quan báo chí. Báo chỉ phải bám sát định hướng của Đảng, Nhà nước để đẩy mạnh tuyên truyền, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, phản bác những mặt trái xã hội, những luận điệu xuyên tạc, cực đoan phản động trên tinh thần thể hiện bản lĩnh chính trị của cơ quan báo chí và trách nhiệm của người đứng đầu.
Báo Thừa Thiên Huế điện tử thực hiện chương trình giao lưu trực tuyến để tìm hướng tháo gỡ khi giá heo lao dốc. Ảnh: DT
Ngoài viết đúng, trúng những vấn đề xã hội mà Đảng, Nhà nước đang quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hiện nay, người làm báo phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về báo chí, tức là thực hiện đúng quy trình, nghiệp vụ của báo chí, từ tiếp cận nguồn tin, khai thác thông tin, bảo vệ nguồn tin của mình và thực hiện đúng các quy định khác như khai thác, phỏng vấn, phản hồi thông tin...Cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm đến cùng những thông tin mà mình phê duyệt và quyết định đăng tải; phải đính chính kịp thời nếu thông tin đăng tải chưa đúng, chưa chính xác, thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm.
Hải Triều-Hà Nguyên (thực hiện)