Mùa hè, lượng khách đến bãi biển Thuận An khá đông
Nhiều lễ hội thì vui chứ sao! Đúng là vui thật nhưng tốn kém. Thường một lễ hội được tổ chức, địa phương phải bỏ ra không ít công sức và tiền của, từ công tác chuẩn bị đến khai mạc, kết thúc.
Có một câu hỏi đặt ra: Cũng bãi biển ấy, từ khi chưa tổ chức lễ hội thì đón được bao nhiêu khách và khi tổ chức lễ hội đón được bao nhiêu khách hàng năm? Một khi tổ chức lễ hội người ta viện ra rất nhiều lý do mà khó ai phủ nhận sự hay ho của nó, như làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân; quảng bá tiềm năng và thế mạnh của địa phương; kích thích phát triển kinh tế… Vấn đề là tất cả những điều này khó lượng hóa được. Làm thế nào lượng hóa được điều này thì sẽ thuyết phục người dân hơn, để khỏi mang tiếng là chúng ta có nhiều lễ hội!
Giờ thử đánh giá mức độ phát triển du lịch biển của Thừa Thiên Huế như thế nào?
Thừa Thiên Huế có chiều dài gần 130 km bờ biển; vùng đầm phá cũng rất rộng lớn; đã có hẳn một chiến lược phát triển kinh tế biển. Biển Thừa Thiên Huế chạy theo suốt chiều dài của tỉnh, có nhiều bãi tắm nổi tiếng được biết đến, trong đó nổi tiếng nhất là biển Thuận An và Lăng Cô. Bên cạnh hai bãi tắm nói trên, khi điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, đời sống người dân được nâng cao, nhu cầu thăm thú, nghỉ ngơi, du lịch cũng phát triển thì có thêm nhiều bãi tắm mới được tổ chức mở ra; có đầu tư hạ tầng, dịch vụ, đội cứu hộ an toàn…
Những bãi tắm nhỏ (ở đây nói mức độ đầu tư, lượng du khách đến) từ hướng bắc vào có thể kể đến con số hàng chục như Phong Hải, Điền Lộc, Quảng Ngạn, Hải Dương, Phú Thuận, Vinh An, Vinh Hiền, Lộc Vĩnh…), nơi nào cũng phát triển du lịch biển; cũng chẳng sao cả, đã có cầu thì ắt có cung. Vấn đề là cứ tổ chức nhiều lễ hội có ổn không nếu không lượng hóa được sự tác động của lễ hội. Hay nói cách khác là hiệu quả của nó; tránh rơi vào bệnh hình thức tốn công tốn sức. Nói như thế bởi có những lễ hội, vì ngân sách địa phương hạn hẹp, chính quyền phải kêu gọi khắp nơi ủng hộ mà nó có tên gọi là xã hội hóa. Một khi xã hội hóa như thế này, thường là các doanh nghiệp; đặc biệt những doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn hoặc là có những công trình, nhà máy đầu tư trên địa bàn phải ủng hộ. Lắm lúc vì “sự chẳng đặng đừng” họ buộc phải ủng hộ kinh phí chứ chưa hẳn là một sự hài lòng. Suy cho cùng tiền nào cũng là từ nguồn lực của dân, nói rộng hơn là nguồn lực vốn. Một khi đã huy động thì nguồn lực vốn phải được sử dụng hiệu quả.
Bãi tắm biển mùa hè nhiều, nhưng đa số các bãi biển mang tính “địa phương” là chủ yếu. Nghĩa là chủ yếu thu hút người dân địa phương đến đây tắm biển và hưởng một số dịch vụ nhỏ lẻ. Ngoại trừ Lăng Cô có một số dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng tương đối bài bản thì ít thấy có bãi biển nào hoàn thiện các loại hình dịch vụ. Cho nên rất ít thấy du khách nước ngoài đến nghỉ dưỡng và hưởng các dịch vụ bãi biển ở Huế (nếu có chỉ có thể ở một số khu du lịch nghỉ dưỡng được đầu tư khá bài bản). Ở nhiều tỉnh, TP khu vực miền Trung có hẳn những bãi biển mà du khách nước ngoài đến nghỉ ngơi và hưởng các dịch vụ biển như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang…
“Bãi tắm nội địa”, nhưng một số dịch vụ, đặc biệt là ăn uống bị tính toán “khá rát”. Điều này có lẽ một phần vì các dịch vụ ở đây phải chịu thuế và phí, trong đó có phí thuê mặt bằng khá cao và phần vì việc kiểm tra, giám sát cần được tăng cường để tránh tình trạng tăng giá khi vào mùa cao điểm. Đây cũng là lý do làm nhiều người đưa cả nhà đi tắm biển, nghỉ ngơi một chuyến cũng đắn đo. Để tiết kiệm, nhiều gia đình bới xách theo đủ thứ đồ xuống đây. Rất nhiều rác thải không kiểm soát được nên nhiều bãi biển, cảnh quan môi trường không tốt...
Bài: LÊ PHƯƠNG - Ảnh: PHAN THÀNH