ClockThứ Tư, 31/12/2014 07:33

Nghĩ về văn hóa công bộc của Bác Hồ

TTH - Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Bác Hồ viết thư mời cụ Huỳnh Thúc Kháng ra làm việc. Vừa là phép ứng xử văn hóa, vừa có cả sự hiếu kỳ, nhận được thư cụ Huỳnh lập tức lên tàu ra Hà Nội, đến nghỉ ở nhà khách Chính phủ chờ diện kiến “nhân vật huyền thoại”, vị lãnh tụ tối cao của đất nước.

Với chủ đích gặp được Bác Hồ rồi là về nên hành lý mang theo của cụ Huỳnh chỉ có một bộ quần áo. Sau buổi tiếp kiến, ông dân biểu Trung Kỳ nói: “Gặp được cụ Chủ tịch là tôi mãn nguyện rồi. “Chào cụ Chủ tịch tôi về”!.

Bác Hồ với các tầng lớp nhân dân - cảnh trong vở Bác không phải là vua, do đoàn Thái Nguyên trình diễn tại Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc, tại Huế, năm 2012. Ảnh: Thanh Tùng.
Bác Hồ nói: Tôi mời “huynh” ra đây là để làm việc chứ không phải để diện kiến. Cụ Huỳnh thành thật: Cám ơn cụ Chủ tịch, làm việc tức là làm quan, dân ghét, dân coi thường. Bác Hồ nói: Cách mạng thành công rồi, cán bộ không phải là quan, mà là công bộc của dân.
Cụ Huỳnh cảm động và đã nhận lời ở lại giúp việc Hồ Chủ tịch.
Bác Hồ thường nói, cán bộ phải là người “đầy tớ” trung thành của Nhân dân. Bác thường xuyên nhắc nhở cán bộ ta “chớ vác mặt làm quan cách mạng cho dân ghét dân khinh, dân không ủng hộ”. Ở cấp độ cao hơn, Bác dạy: “Lãnh đạo là làm đầy tớ Nhân dân và phải làm cho thật tốt”.
Khi giao tiếp với một nhân sĩ, một tiến sĩ nho học, từng là dân biểu và từng là chủ bút báo Tiếng Dân, Bác không dùng từ “đầy tớ” mà dùng từ “công bộc”. Ngày xưa “lão bộc” là tên gọi dành cho người giúp việc tận tụy và hết mình trung thành với gia chủ. Công bộc nguyên nghĩa có thể hiểu nôm na là người phục vụ những công việc của xã hội, phục vụ Nhân dân.
Cách mạng là thay cái cũ bằng cái mới, thay cái xấu bằng cái tốt, người dân làm chủ, người làm quan từ “phụ mẫu chi dân” trở thành công bộc của Nhân dân. Văn hóa công bộc là một giá trị mới. Đó là văn hóa phục vụ Nhân dân với tinh thần mình vì mọi người.
Cán bộ, đảng viên phải có văn hóa công bộc mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Văn hóa công bộc là một nội dung thường được thể hiện trong các lời tuyên thệ. Như lời tuyên thệ trong lễ kết nạp đảng viên; trong 10 lời thề của cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam; trong các lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với Quân đội người dạy phải “hiếu với dân”; với lực lượng Công an thì “đối với dân phải kính trọng, lễ phép”; với người thầy thuốc phải như “từ mẫu”; cô giáo phải như “mẹ hiền”; từ tuổi thiếu nhi đã phải biết “yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”... Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng nhất, là mẫu mực tận tụy phục vụ Nhân dân. Sinh thời Bác Hồ nói: “Trong xã hội không có gì tốt đẹp vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của Nhân dân”. Trước khi đi xa Người tự kiểm điểm: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân”.
Từ lời dạy và cuộc đời hoạt động của Bác Hồ ta có thể hiểu văn hóa công bộc là đặt lợi ích của Nhân dân lên hàng đầu; gần gũi dân và biết học hỏi từ Nhân dân, biết dựa vào dân; có khuyết điểm thì phải tự phê bình trước Nhân dân; gương mẫu trong công việc và trong nếp sống để Nhân dân noi theo...
Cán bộ xa dân, không hiểu tâm tư nguyện vọng của dân, thậm chí có những khi coi thường dân, đối lập với dân là loại cán bộ quan liêu, thiếu văn hóa, nói chính xác hơn là không có văn hóa công bộc.
Cán bộ quan liêu sẽ làm cho dân xa Đảng, Đảng xa dân. Công bộc của Nhân dân mà không có văn hóa sẽ là chướng ngại vật, là lực cản của sự nghiệp cách mạng, lực cản của công cuộc đổi mới, phát triển.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh, đồng thời là nhà thiết kế nền dân chủ cộng hòa của Việt Nam. Người nói: “Dân chủ là của quý báu nhất của Nhân dân”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ là động lực của sự phát triển: “Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của Nhân dân, đưa cách mạng tiến lên”. Đồng thời, dân chủ là phương pháp hành động: “Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng”. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: “Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của Nhân dân”. Phục vụ Nhân dân là lẽ sống cao quý, là nhân cách tốt đẹp của người cán bộ. Bác Hồ thường nói: “Nếu nước nhà được độc lập mà Nhân dân không được hưởng tự do hạnh phúc thì cũng chẳng có ý nghĩa gì”. Trong di chúc Người viết: “Suốt đời tôi chỉ có một ham muốn, một ham muốn tột cùng là làm sao cho nước nhà độc lập, dân ta được tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Đó chính là văn hóa công bộc. Văn hóa công bộc là sức mạnh tinh thần. Một ông nghè, một chí sĩ suốt đời từ chối làm quan như cụ Huỳnh Thúc Kháng đã đổi ý để ở lại Hà Nội tham gia Chính phủ cách mạng buổi đầu đầy thách thức và khó khăn gian khổ là nhờ sự cảm hóa của văn hóa công bộc Hồ Chí Minh.
Thanh Tùng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghệ thuật tác chiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Cách đây 70 năm, dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tiến hành thắng lợi chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đặt một dấu son trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Nghệ thuật tác chiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Ra quân xử lý các điểm đen ô nhiễm môi trường

Ngày 5/5, đồng loạt các địa phương ra quân triển khai Phong trào Ngày Chủ nhật xanh. Trong các hoạt động, đáng chú ý đó là nhiều lực lượng đã tập trung xử lý các điểm ô nhiễm tại các kênh, rạch, dòng sông.

Ra quân xử lý các điểm đen ô nhiễm môi trường
“Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”

“Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói/ Họ gánh theo tên làng, tên xã trong mỗi chuyến di dân”. Đây là hai câu thơ trong bài thơ “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Hôm nay bỗng ùa về khi lẩn thẩn nghĩ về chuyện đổi tên, đặt lại tên xã, phường sau khi tách nhập đang nóng lên ở rất nhiều địa phương trên cả nước.

“Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”
Return to top