Các em học sinh Trường tiểu học Kim Long bên cây xanh được anh Cường trồng
Một lần tình cờ chúng tôi nghe được câu chuyện về Cường và tò mò tìm hiểu.
Cường sinh ra trong một gia đình khá giả, nhà có hai anh em, anh trai là hội trưởng một hội từ thiện ở Hà Nội, mẹ chuyên cung cấp rau sạch cho các trường học. Với gia thế như vậy, chẳng có gì lạ nếu Cường cưới vợ, sinh con hay chọn rời thủ đô về sống ở một thành phố như Huế. Điều khác lạ là anh chọn cho mình một cách sống.
Những năm gần đây, nhiều thầy cô giáo làm công tác quản lý ở Huế đã quen với một chàng trai tìm đến để “năn nỉ” cho được góp phần công sức trồng cây trên sân trường.
Cô Nguyễn Thị Hoà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Long tâm sự: “Mới đầu em cũng không tin có người tốt đến thế, nhưng rồi cậu ấy đã thuyết phục em tin rằng cái tâm của con người quyết định hành động, chứ không chỉ vì mưu sinh"…
Một sớm đầu Xuân, sau khi được “mật báo” chúng tôi đã lặng lẽ “mai phục” để đón đầu hành trình một ngày trồng cây của Cường. Tại cầu Ga (đường Bùi Thị Xuân), chúng tôi gặp Cường nhễ nhại mồ hôi, chở một cây xanh đi về phía Kim Long. Cái cây to thế, nếu không quen việc thì khó mà di chuyển trên chiếc xe đạp cọc cạch nhưng Cường di chuyển một cách nhẹ nhàng. Lịch trình hôm ấy của Cường là trồng thêm một cây trên sân Trường tiểu học Kim Long…
Cường cho biết, anh đã làm việc này được 4 năm. Bốn năm, tính ra đã có gần 1.000 cây xanh được trồng ở các trường học, bệnh viện, nơi công cộng trên địa bàn TP. Huế. Đã có thể coi là kỷ lục chưa? Chúng tôi không khẳng định khi chưa có cuộc khảo sát nào về những cá nhân tham gia trồng cây ở Việt Nam nói chung và TP. Huế nói riêng. Trên thế giới có nhiều người đã dành cả đời họ để chỉ trồng cây và có người đã trồng được hàng vạn cây xanh cho trái đất này. Chỉ có điều, gần 1.000 cây xanh mà Cường trồng được kia chắc chắn anh đạt kỷ lục về công sức và khoản tiền túi vốn ít ỏi của mình. Nghe đâu cây rẻ nhất 50.000đồng, cây đắt nhất gấp 10 lần, tức 500.000đồng.
Chờ Cường trồng xong cây xà cừ trong khuôn viên Trường tiểu học số 2 Kim Long, chúng tôi lân la bắt chuyện như một kẻ đang "tầm sư học đạo" việc trồng cây và biết được mối e ngại của anh: “Trồng thì dễ, khó nhất là chăm chút, cây chết phải thay, cây đổ phải dựng”. Khi hỏi về đời sống, về người yêu, anh cười nhỏ nhẹ trả lời: “Hiện em chỉ… yêu cây.”
Thấy dưới những gốc một cây lớn trong khuôn viên Trường tiểu học số 2 Kim Long có thêm một cây be bé, tôi hỏi cô hiệu trưởng sao phải trồng vậy, cô nói, Cường trồng đó chị. Cường nói khuôn viên sân trường hẹp, cây cũ là loài có tuổi thọ chỉ ít năm nên Cường trồng bên một cây có tuổi đời cả 100 năm để phòng khi cây lớn chết, sân trường không bị thiếu bóng mát cho các em chơi. Quay lại, Cường đã mất dạng, cô hiệu trưởng nói, chị xuống Trường tiểu học Vỹ Dạ đi, Cường xuống trồng thêm cây dưới đó…
Huế được coi là thành phố vườn, điều đó tuyệt đúng. Đi giữa Huế, người Huế hay du khách luôn có cảm giác đang được đi giữa vườn xuân mà tận hưởng lộc của cây dâng cho người. Đó là thành quả mà chính quyền thành phố và trên hết là ý thức của từng người dân Huế rất… yêu cây và nhờ thế Huế đã luôn là thành phố xanh.
Đến Huế, muốn gặp Cường, bạn cứ tìm đến những nơi công cộng có thể là trường học, bệnh viện hay một con đường của Huế có thể sẽ bất ngờ bắt gặp một người đàn ông trẻ đang trồng cây. Chắc chắn hơn hãy gọi cho Cường số điện thoại 0358840535. Để kết lại bài viết, xin đăng rất ngắn mẩu đối thoại của người viết với Cường: "Hỏi thật, tiền đâu Cường có để mua cây?". "Anh và mẹ cho. Họ còn khuyến khích em nữa", Cường trải lòng.
Bài, ảnh: Phương Nhi