Sau giải phóng, ông Nguyễn Văn Phiếu (bên phải) có dịp cùng đồng chí, đồng đội viếng Lăng Bác
Chết đi sống lại
Sinh năm 1947, cũng như bao thanh niên trai tráng trong làng, tuổi 18, ông Nguyễn Văn Phiếu xung phong lên đường nhập ngũ, tham gia hàng trăm trận đấu ở chiến trường Thừa Thiên.
Ông nhớ như in, vào năm 1966, lúc đang cùng 2 đồng đội dẫn đường, bảo vệ 3 đồng chí trong Ban chỉ huy trung đoàn về khảo sát, nghiên cứu thực địa ở quê nhà thì không may bị tập kích, càn quét. Sau khi đưa 3 đồng chí chỉ huy xuống hầm bí mật an toàn, ông và đồng đội chạm súng với bộ binh và xe tăng địch. Hai người hy sinh, còn lại mình ông bị thương nặng.
Bám theo dấu vết, địch đã phát hiện và bắt ông. Ông Phiếu kể: “Bọn chúng bảo tôi khai rồi mới băng bó vết thương, nhưng tôi một mực không hé nửa lời. Đúng lúc đó, chúng bị bộ đội ta tập kích, bắn chết 8 tên và làm bị thương 4 tên. Chúng phải cho trực thăng đến chở xác chết và lính. Tôi cũng bị chúng đưa lên máy bay và đem về giam ở nhà lao Mang Cá. Đó là vào tháng 8/1966”.
Từ nhà lao Mang Cá, địch đưa ông vào nhà lao Non Nước - Đà Nẵng. Ở đây có những tên cai ngục ra tay tàn độc với bất cứ người tù cách mạng nào mới vào, ông Phiếu cũng không loại trừ.
Ông Nguyễn Văn Phiếu bên những kỷ vật được Đảng, Nhà nước trao tặng
Dẫu đang trọng thương nhưng nhiều lần chúng tra tấn bằng điện, gậy gộc thọc vào vùng hiểm yếu làm ông rơi vào tình cảnh “thập tử nhất sinh”. Dù cho những đòn tra tấn dã man của chúng đến đâu, ông vẫn không hé môi mà phản kháng đến cùng. Hành động của ông đã gây chú ý đến nhiều đồng chí trong tù. “Một số đảng viên trong tù đã giúp đỡ và đưa tôi vào sinh hoạt ở Chi đoàn thanh niên Nguyễn Văn Trỗi. Tôi được bố trí bảo vệ các tổ chức Đảng và Đoàn thanh niên ở trong nhà lao, hăng hái tham gia các cuộc đấu tranh trong tù. Đây chính là bước ngoặt quan trọng giúp tôi trưởng thành trên con đường đấu tranh cách mạng”, ông Phiếu tự hào nhớ lại.
Kết nạp trước cờ Đảng khắc bằng nhôm
Sau Tết Mậu Thân năm 1968, ông Phiếu cùng một số đồng chí bị đưa ra Phú Quốc. Tại đây, ông bị đưa vào chuồng cọp ở ngoài trời nắng gắt, xung quanh giăng đầy dây thép gai, phía dưới là nền cát. Các tù nhân phải co cụm và thu mình lại, nghiêng người mới vừa đủ chỗ. Mỗi khi trở mình thì phải khéo léo bới từng vũng cát sâu để “dựa” một bên vai xuống đó cho đỡ mỏi, nếu không cẩn thận dây thép gai sẽ đâm vào da thịt. Rồi cả hình thức tra tấn dã man cũng được địch sử dụng, như bỏ người vào thùng phuy cho ính dùng búa đánh mạnh vào xung quanh để cho đầu óc, mạch máu những người lính cách mạng như muốn vỡ ra.
Chúng đã nghĩ ra cách dùng dây điện bằng đồng buộc vào tai, rồi cài vào chân răng, khi không cài được chúng sẵn sàng dùng kìm bẻ đi một vài chiếc răng và quay điện. Những đòn tra tấn ấy làm ông Phiếu từng sống đi chết lại hàng chục lần. Thế nhưng, 3 tháng ở nhà tù Phú Quốc, ông vẫn tìm cách học chính trị, văn hóa ở trong Chi đoàn Nguyễn Văn Trỗi và sinh hoạt trong đội quyết tử bảo vệ tổ chức Đảng trong nhà lao.
Tháng 7/1968, địch bắt tù binh đi làm tạp dịch và ông nằm trong số 15 người được chở về sân bay An Thới để làm vệ sinh, đào hào xây lô cốt... Lúc bấy giờ, ông đã kêu gọi anh em nhất định không làm, vì đây là công việc có tính chất quân sự, chống lại đồng đội ta. Trước tinh thần đoàn kết, kiên quyết không thực hiện yêu cầu, địch bắt anh em phơi nắng mấy tiếng đồng hồ rồi giải về phòng nhì tra tấn tiếp.
Ngày 12/12/1968, ông Phiếu được tổ chức giới thiệu kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Lễ kết nạp diễn ra trong nhà tù vào lúc hoàng hôn, có lá cờ búa liềm nhỏ khắc bằng nhôm, được đồng chí Bí thư chi bộ nắm trong tay, đưa lên. Ông Phiếu nhớ lại: “Thời khắc tuyên thệ và chính thức là đảng viên trong nhà giam, cho đến tận bây giờ tôi vẫn không bao giờ quên cảm xúc thiêng liêng, tự hào đến rơi nước mắt ấy”.
Được kết nạp Đảng trong tù là trường hợp hạn hữu lúc bấy giờ, nên ông Phiếu lấy vinh dự này để tiếp tục chiến đấu, cống hiến. Nên dù sau đó ông lại bị đưa vào chuồng cọp, bị tra tấn khốc liệt nhất, nhưng ông vẫn ngoan cường. Địch liệt ông vào loại “sổ đen” ngoan cố và đưa sang trại giam A4. Tại đây, chúng đàn áp dã man hơn.
Trước những tội ác man rợ của địch, ông cùng 600 tù binh vùng lên đấu tranh đòi phải có nước uống, cơm ăn, không được đánh đập vô cớ. Sau 12 ngày tranh đấu, quyết không nhân nhượng, địch buộc phải chấp nhận những yêu sách mà anh em tù binh đề ra.
Sau cuộc đấu tranh này, ông Phiếu một lần nữa lại bị chuyển về trại giam B13. Ở đây, ông gặp đồng chí Hoàng Thế (quê ở Phú Vang), là đảng ủy viên Đảng ủy nhà lao. Ông được bố trí sinh hoạt ở Chi bộ Thừa Thiên và được phân công vào tổ quyết tử bảo vệ tổ chức Đảng ở nhà tù.
Cuối tháng 3/1973, ông được trao trả tự do, về an dưỡng tại Bình Long, Phước Long, sau đó về Tây Ninh.
Hòa bình lập lại, ông Phiếu trở về quê hương. Một mặt hăng hái lao động để đảm bảo đời sống kinh tế cho gia đình, ông Phiếu còn tích cực tham gia các hoạt động hội, đoàn thể. Nay tuổi đã cao, nhưng với cương vị là Chủ tịch Hội Tù yêu nước xã Phong Chương, ông vẫn cùng khối Mặt trận vận động Nhân dân thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới...
Năm 2019, ông Nguyễn Văn Phiếu được trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Trước đó, ông từng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Nhất và nhiều huân, huy chương, chứng nhận cao quý.
Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN