ClockThứ Năm, 06/01/2022 13:30

Người vác tù và trên đỉnh A So

TTH - Theo lời giới thiệu của bà Lê Thị Mai Loan, Phó Chủ tịch UBMTTQVN huyện A Lưới, chúng tôi đã được gặp Già làng Lê Văn Trình ở thôn Parit Ka Vin, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới.

Già làng vùng biênGìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa độc đáoBáu vật giữa đại ngàn

Già làng Lê Văn Trình bên cạnh các phần thưởng qua nhiều năm công tác

Trong ngôi nhà sàn thoáng mát, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với Già Trình, là một người hồn hậu và mến khách. Biết chúng tôi là bộ đội của Đoàn KT-QP 92 cùng cán bộ của xã Lâm Đớt tới thăm, sau khi mời chúng tôi vào nhà, tự tay rót nước mời khách, Già làng chủ động hỏi thăm về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và tình hình đơn vị. Mở đầu câu chuyện, Già làng bộc bạch: “Mình đã ngoài 70 tuổi nhưng chưa bao giờ thấy sự nguy hiểm như của dịch bệnh. Ngày xưa tham gia du kích, đánh Mỹ để bảo vệ quê hương, đối mặt sống chết với bom đạn, chất độc ác liệt của kẻ thù nhưng cũng không sợ bằng loại giặc vô hình này. Để bà con, dân làng và mọi người làm ăn sinh sống bình an thì không được chủ quan, lơ là”. Tâm sự của Già làng đã gợi cho tôi thấy được vai trò trách nhiệm của người đứng mũi chịu sào, luôn lo lắng mọi công việc để bản làng được bình yên, hạnh phúc luôn là điều đau đáu trong tâm huyết của ông.

Theo anh Hồ Thanh Đùi, Chủ tịch UBMTTQVN xã Lâm Đớt, thôn Parit Ka Vin là một trong những thôn mẫu mực trong xây dựng nếp sống văn hóa mới. Luôn là thôn đi đầu trong thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương. Nhiều năm nay không có hiện tượng tảo hôn, mất đoàn kết; mọi người luôn chấp hành tốt các chủ trương của Đảng và Nhà nước. Địa phương cũng đã rút kinh nghiệm và kịp thời biểu dương. Chúng tôi thấy rằng, bên cạnh sự tự giác, chấp hành của bà con nhân dân, không thể không nói đến vai trò, uy tín của Già làng Lê Văn Trình.

Sau khi đất nước thống nhất, ông Trình tham gia nhiều cương vị công tác ở địa phương và đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khi về nghỉ hưu, Nhân dân tín nhiệm bầu ông làm Già làng.

Gắn bó với trách nhiệm của Già làng hơn 10 năm, ông luôn nhiệt huyết và hết lòng trong mọi công việc của bản làng, xem như công việc của gia đình mình, luôn gương mẫu và kiên trì tuyên truyền, vận động mọi người thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

Chị Hồ Thị Bỉ, cán bộ Mặt trận thôn Parit Ka Vin, người luôn gần gũi, đồng hành công tác với Già Trình chia sẻ thêm: Già Trình luôn là người đi đầu trong mọi công việc, trung tâm đoàn kết trong thôn; không để kẻ xấu lợi dụng gây mất an ninh trật tự, phá hoại cuộc sống yên bình của dân làng. Thôn Parit Ka Vin là địa bàn sát biên giới với nước bạn Lào, trước đây việc đi lại của bà con hết sức tự do; việc đốt nương, làm rẫy, chặt phá rừng diễn ra rất phổ biến. Cái đói, cái nghèo và các hủ tục lạc hậu còn nhiều lắm. Già làng luôn chủ động phối hợp với các tổ chức, nhất là mặt trận và các đoàn thể tích cực, sâu sát, tuyên truyền, vận động mọi người tuyệt đối tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an ninh trong thôn; không được tùy tiện phá rừng, cảnh giác với những âm mưu của kẻ xấu.

Một số hộ gia đình có mâu thuẫn, Già làng luôn là người gần gũi động viên, chia sẻ và hòa giải để giữ ấm cho gia đình. Xây dựng tình đoàn kết của các dân tộc sống bình đẳng, nhất là người Tà Ôi và người Cơ Tu.

Với trái tim nhân hậu, Già làng Lê Văn Trình được ví như sợi dây bền chặt, gắn liền giữa ý Đảng với lòng dân và đẹp như biểu tượng mà người dân nơi đây vẫn gọi rất trìu mến  “người vác tù và trên đỉnh A So”.

Bài, ảnh: Xuân Bính

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Kho báu” của người Pa Cô

“Mình luôn sợ thời gian đi nhanh quá mà mình thì chậm, chỉ lo lắng làm không kịp nhiều thứ cho con cháu mai sau” - Già Hạnh hướng mắt về dãy Trường Sơn trùng điệp phía xa xa, bày tỏ tiếng lòng. Bao đời nay người Pa Cô của già đều nương náu dưới chân dãy núi này. Nhìn văn hóa truyền thống của cha ông mai một dần theo năm tháng khiến lòng già đau đáu, phải bằng mọi cách gìn giữ, bảo tồn được những nét đẹp của dân tộc mình.

“Kho báu” của người Pa Cô
Già làng, người có uy tín - Cầu nối cho hành trình giảm nghèo

Huyện miền núi A Lưới đã vinh dự khi được công nhận thoát khỏi danh sách 74 huyện nghèo của cả nước. Đây là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ từ chính quyền và cộng đồng, đặc biệt có vai trò của các già làng, người có uy tín (NCUT). Với tâm huyết và sự hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán, họ đã trở thành cầu nối, giúp bà con dân tộc thiểu số (DTTS) vượt qua khó khăn và phát triển kinh tế bền vững.

Già làng, người có uy tín - Cầu nối cho hành trình giảm nghèo
Công nhận huyện A Lưới thoát nghèo

A Lưới là một trong 74 huyện nghèo toàn quốc giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 353 ngày 15/3/2022. Ngày 22/7/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 702 công nhận huyện A Lưới thoát nghèo năm 2024 và đưa ra khỏi Danh sách huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số 353 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025.

Công nhận huyện A Lưới thoát nghèo
Return to top