|
|
Nhiều thế hệ cán bộ đảng viên ưu tú đã làm nên mùa Xuân cho đất nước |
Nhận được “Gánh gánh… Gồng gồng…” tập hồi ký của cô Xuân Phượng do chính tác giả ký và gửi biếu, tôi khá bất ngờ và cảm động, định bụng có bận gì thì cũng sẽ gắng thu xếp thời gian đọc để khỏi phụ lòng người biếu sách. Nhưng rồi đọc một vài trang, tập sách như hút lấy tôi khiến không thể dứt ra được. Hơn 300 trang sách thoáng cái đã hết vèo…
Gấp lại trang cuối cùng, trong tôi trào dâng một lòng kính phục và ngưỡng mộ tác giả - Một người con gái chân yếu tay mềm, xuất thân danh gia vọng tộc xứ Cố đô, vốn chỉ quen sống trong nhung lụa gấm vóc, vậy mà đã dám từ bỏ tất cả để đi theo kháng chiến ngay từ những ngày đầu giặc Pháp thực hiện dã tâm “cướp nước ta một lần nữa”. Trải bao nhiêu nhọc nhằn gian khó, bao nhiêu nghịch cảnh có lúc tưởng không vượt qua được, người con gái ấy đã vươn lên, đã tự nguyện dấn thân cho sự nghiệp chung với rất nhiều vị trí công tác: Thành viên của Đội tuyên truyền, nhân viên của Quân y vụ Liên khu IV, cán bộ quân giới, bác sĩ, phiên dịch viên tiếng Pháp trực tiếp phiên dịch cho nhiều đoàn khách quốc tế làm việc với Bác Hồ, làm phim, phóng viên chiến trường…, và cùng đi đến ngày toàn đất nước ca khúc khải hoàn, giang sơn thu về một mối.
Sau ngày đất nước thống nhất, giữa bộn bề khó khăn cuộc sống thời hậu chiến, của cơ chế bao cấp, của bao vây cấm vận… Xuân Phượng, bây giờ đã là người đàn bà ngoài tuổi 50, vẫn tay chống tay chèo đưa gia đình vượt qua mỗi lo của cơm áo gạo tiền thường nhật… Và rồi với sự nhạy cảm, và cả với khát khao khẳng định giá trị văn hóa, mỹ thuật, đưa văn hóa, mỹ thuật nước nhà ra với thế giới, bà đã tổ chức thành công và trở nên nổi tiếng với nhiều cuộc triển lãm tranh của các họa sĩ Việt Nam tại những thành phố lớn của Pháp, Úc, Canada, Hàn Quốc…. Tại thành phố mang tên Bác, phòng tranh Lotus của bà đã xuất hiện từ rất sớm và đang tiếp tục khẳng định chỗ đứng và hướng đi đúng của mình...
Nhiều cống hiến và nghị lực có thể nói là phi thường như vậy, nên tôi đã rất ngạc nhiên khi tác giả “Gánh gánh… Gồng gồng…” tiết lộ rằng, bà chưa từng là đảng viên. Chưa từng không phải vì bà “chậm tiến”, kém phấn đấu, thiếu thành tích… mà thậm chí còn ngược lại. Người như bà, trong hàng ngũ đảng viên hẳn sẽ có rất nhiều người còn phải đứng xa kính nể.
Chưa từng cũng chẳng phải do bà bị Đảng “bỏ quên”, không dìu dắt, bồi dưỡng, thực tế đã ít nhất 2 lần bà được những người có trách nhiệm đề nghị viết đơn để kết nạp. Một lần ngay trong thời kỳ 9 năm kháng Pháp, và sau này một lần nữa. Vậy nhưng cứ dợm cầm bút, bà lại thôi. Nguyên do là cứ hễ nghĩ đến Đảng là lập tức trước mắt bà lại hiện ra gương mặt của bác sĩ H.V.B, thủ trưởng của đơn vị Quân y vụ Liên khu IV mà bà đã tham gia phục vụ trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Trong một đêm đi công tác về, bà - khi đó đang là cô gái mới 17, 18 tuổi và một người bạn nữa cùng đi chung 1 thuyền với bác sĩ H.V.B. Trong nồng nặc hơi men, gã bác sĩ nọ đã lợi dụng đêm tối và giữa sông nước mênh mông định dở trò đồi bại với bà. May mắn cộng với sự quyết liệt đã giúp bà thoát khỏi ý định bẩn thỉu của gã. Rất tệ hại là sau khi “tỉnh lại”, gã bác sĩ H.V.B. không những không ăn năn xấu hổ mà còn lợi dụng danh nghĩa thủ trưởng để gây khó dễ cho cô nhân viên mà gã không cưỡng đoạt được… Sự cố đầu đời ấy đã mãi ám ảnh bà. Trong đầu óc non nớt, trinh nguyên của cô bé thị thành mới thoát ly theo kháng chiến Xuân Phượng, bác sĩ H.V.B. là thủ trưởng mà cũng là Đảng. Và Đảng - mà ông H.V.B. là đại diện bằng xương bằng thịt - đã bị chính hành vi thiếu chuẩn mực của ông ta làm cho méo mó, thui chột. Đến mức, sau này cứ hễ nghe vào Đảng là y như rằng gương mặt của ông ta lại lập tức hiển hiện trước mắt khiến Xuân Phượng rùng mình, nản chí…
Câu chuyện vào Đảng của tác giả tập sách “Gánh gánh… Gồng gồng…” cứ làm tôi suy nghĩ mãi. Lâu nay vẫn nghe: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau; đảng viên cần phải tiên phong, gương mẫu… Nay mới thấm, rằng đó không chỉ là những câu khẩu hiệu, mà là mệnh lệnh, là phương châm mà mỗi người khi đã vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng phải luôn tâm niệm, phấn đấu và phấn đấu suốt đời. Người đảng viên phải luôn biết tu dưỡng rèn luyện, phải thực sự sáng trong về phẩm chất đạo đức, về tư cách lối sống, xứng đáng là tấm gương cho quần chúng trân trọng và noi theo. Phải hiểu rằng, trong mắt quần chúng, khái niệm về Đảng đối với rất nhiều người có khi là cái gì đó trừu tượng cao xa. Với họ, gần gũi, cụ thể, “dễ nắm bắt” hơn chính là những cán bộ, đảng viên mà họ nghe, thấy và tiếp xúc hàng ngày. Cho nên, nếu cán bộ đảng viên đó là người tử tế, gương mẫu thì sẽ truyền được cảm hứng và năng lượng tích cực cho quần chúng. Bằng ngược lại, thì cũng giống như gã bác sĩ H.V.B kia, sẽ cứ mãi để lại nỗi ám ảnh và làm tổn thương niềm tin của quần chúng với Đảng. Đó là khuyết điểm, là cái tội rất lớn đối với Đảng, với sự nghiệp cách mạng! Thế mới biết, hình ảnh của người cán bộ, đảng viên quan trọng đến nhường nào…