Thông tin về sự kiện 3 nhà văn gốc Huế cùng vinh dự đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam được xem là một sự kiện văn hóa nghệ thuật bất ngờ đầy thú vị vào đầu tháng 11 này khi mảnh đất Cố đô liên tục mưa lũ và dồn dập bão dữ. Đầu tiên là giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ V (2016 - 2019) với giải nhất duy thuộc về tiểu thuyết "Từ Dụ Thái Hậu" của nhà văn Trần Thùy Mai và giải nhì thuộc về nhà văn Vĩnh Quyền với tiểu thuyết “Trong vô tận”. Xứ Huế vinh dự còn có nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng với tập hồi ký “Gánh gánh… gồng gồng…” được trao Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam 2020.
Từng là biên tập viên của Nhà xuất bản Thuận Hóa cho tới khi nghỉ hưu, cái tên Trần Thùy Mai không hề xa lạ với người dân Huế. Vĩnh Quyền cũng vậy, khi ông là một nhà báo thường xuyên đi lại và từng là Trưởng văn phòng đại diện Báo Lao Động khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Chỉ có nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng là hơi “lạ” đôi tý. Gõ tìm tác giả của “Gánh gánh… gồng gồng”, tôi được biết, năm nay bà đã 91 tuổi. Không chỉ là một người con của xứ Huế, bà Nguyễn Thị Xuân Phượng còn là một người xuất thân từ một gia đình quý tộc phong kiến, đi theo kháng chiến từ năm 16 tuổi.
“Gánh gánh… gồng gồng…” thực chất được tác giả Xuân Phượng viết lại từ cuốn hồi ký “Áo dài” đã xuất bản bằng tiếng Pháp năm 2001 và sau đó được in lại bằng tiếng Anh ở nhiều quốc gia. Khi nhận được đơn đặt hàng của một nhà xuất bản uy tín của Pháp, nhà văn Xuân Phượng đã mất 7 tháng để viết xong hồi ký “Áo dài”. Với hồi ký “Gánh gánh… gồng gồng…” bà Xuân Phượng muốn giải thích với họ hàng vì sao bà dấn thân vào cuộc cách mạng để gia đình ly tán, và muốn giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về cuộc chiến tranh đầy bi hùng của Việt Nam ở thế kỷ 20.
Con người ấy thật kỳ diệu. Chuyện bắt đầu từ lúc vì đi theo phong trào học sinh cứu quốc nên thất lạc gia đình, không bao giờ còn được gặp lại cha và chỉ gặp lại mẹ sau hơn 40 năm, khi đã ở tuổi 60... Trước khi trở thành một nhà văn nổi tiếng, Nguyễn Thị Xuân Phượng từng được đào tạo ngành y, làm công nhân ở xưởng chế tạo chất nổ, rồi làm thông dịch viên ngoại giao, làm phóng viên chiến trường, đạo diễn phim tài liệu, rồi chủ gallery nghệ thuật… Cuộc đời của bà là một pho lịch sử thu nhỏ của Việt Nam thế kỷ 20 và tất cả đã được diễn tả trong hồi ký “Gánh gánh… gồng gồng...”.
Tôi thích tiêu đề cuốn sách “Gánh gánh… gồng gồng…”. Nó gợi nhớ lại bài đồng dao cùng tên nói về trò chơi gánh củi, nấu ăn và tình cảm của bé đối với những người thân trong gia đình một thuở. Công việc tiều phu nhọc nhằn nhưng câu hát trong bài đồng dao mà nghe sao nhẹ tênh. Và đó cũng điều ta cảm nhận về con người của bà Nguyễn Thị Xuân Phượng qua hồi ký. Hay ở chỗ, không chỉ của riêng bà mà phảng phất trong đó còn là cuộc đời và số phận của nhiều người xứ Huế truân chuyên, tài danh đích thực, nhưng luôn tìm cách im lặng. Để rồi phát hiện và được biết về họ ta như có được một khám phá đầy bất ngờ và thú vị.
Phải chăng, đó cũng là một nét văn hóa của con người đất thần kinh mà nhà văn, đạo diễn, bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Phượng là một minh chứng đẹp!
ĐAN DUY