Đạo diễn Xuân Phượng giao lưu với độc giả ở Huế
Tôi theo cách mạng để giải phóng quê hương
“Năm 1989, khi gia đình tôi từ Mỹ sang Pháp để gặp tôi vì tôi chưa có thị thực vào Mỹ, trong niềm vui đoàn viên sau 43 năm xa cách, mẹ tôi chống đũa nhìn tôi trong bữa cơm: “Con ơi, sao con theo họ làm chi, để gia đình ly tán, phải rời quê cha đất tổ con ơi”. Tôi không trả lời mẹ ngay hôm ấy, nhưng cũng từ đấy nảy ra ý định phải kể lại đời mình. Tôi mong muốn gia đình thương yêu hiểu rõ thêm những gì tôi đã trải qua và cũng vì những người trẻ chưa hề biết đến chiến tranh hiểu về cuộc chiến”, nữ đạo diễn Xuân Phượng kể lại lý do viết cuốn hồi ký “Gánh gánh… gồng gồng…” (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh ấn hành) ở tuổi ngoài 90. Cuốn sách đạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cuối năm 2020.
Hồi ký “Gánh gánh... gồng gồng...” của đạo diễn Xuân Phượng
Với hơn 300 trang sách, bằng giọng kể bình thản, lối văn hóm hỉnh, lạc quan, “Gánh gánh... gồng gồng...” dẫn dắt người đọc vào cuộc đời thăng trầm của đạo diễn Xuân Phượng qua từng giai đoạn thăng trầm của lịch sử đất nước, cuốn hút người đọc bằng những trải nghiệm phi thường của một người phụ nữ bình thường, cả cách bà đối diện với gian nan và vượt qua thử thách bằng sự hòa nhã, nhân ái. Từ một cô bé học tại trường Couvent Des Oiseaux (Nữ tu viện của những loài chim) - ngôi trường do Nam Phương Hoàng hậu tài trợ, sau đó ra Huế học trung học, bà Phượng giác ngộ và đi theo cách mạng vào tháng 6/1945, khi mới 16 tuổi.
Nhiều người ngạc nhiên khi người phụ nữ xuất thân hoàng tộc, từ bé đã được hưởng nền văn minh của Tây phương, sống cuộc sống nhung lụa, vậy mà bà Phượng quyết định từ giã gia đình đi kháng chiến, trải qua gian khổ, đói rét, mưa bom, bão đạn… nhưng vẫn giữ vững tấm lòng kiên trung với cách mạng. Trong những hoàn cảnh tưởng như không vượt qua được, bà vẫn tiếp tục con đường đã chọn. Xúc động nhất là đoạn bà Phượng kể lại cảnh chuyển dạ sinh con đầu lòng trên con đò rách nát giữa dòng sông Lô với sự giúp đỡ của đôi vợ chồng người lái đò, bên cạnh không có người thân vì chồng phải đi làm nhiệm vụ.
Bà Phượng nhớ lại tâm trạng khi thoát ly tham gia cách mạng: “Năm 1945, phong trào giành lại độc lập cho dân tộc sục sôi. Chúng tôi ra đi không biết Đảng Cộng sản Việt Nam, không biết ai lãnh đạo mình, chỉ có vài người giải thích cho chúng tôi biết rằng, đây là lúc phải phá ách nô lệ, để đất nước không bị đô hộ. Lời nói này tác động tâm can, làm tôi sực nhớ mình là người Việt, phải góp phần đưa đất nước thoát khỏi nô lệ. Cuộc sống trong chiến tranh vô cùng đau thương, gian khổ nhưng quyết tâm góp sức đuổi quân xâm lược ra khỏi đất nước nhất định phải làm”.
Những ký ức không quên
Đạo diễn Xuân Phượng tên thật Nguyễn Thị Xuân Phượng, sinh năm 1929 tại Huế trong một gia đình hoàng tộc. Hồi nhỏ, bà sống cùng gia đình ở Đà Lạt. Bà hoạt động và kinh qua nhiều nhiệm vụ từ Quân y vụ Liên khu 4 đến chế tạo thuốc nổ Nha Nghiên cứu Kỹ thuật Yên Sơn. Năm 1961, bà tốt nghiệp tại Trường Y tế Giảng Võ và được cử về làm Trưởng phòng khám Nhi khu Y tế Ba Đình. Sau đó làm phiên dịch cho đạo diễn Joris Ivens, học nghề và trở thành nữ đạo diễn phim tài liệu trong kháng chiến chống Mỹ. Từ khi về hưu năm 1989, đạo diễn Xuân Phượng trở thành nhà sưu tập tranh tầm cỡ và là chủ phòng tranh Lotus.
|
Trong cuộc đời mình, đạo diễn Xuân Phượng được chứng kiến rất nhiều sự kiện mang tính bước ngoặt của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX. Bà đã chứng kiến vua Bảo Đại trao ấn kiếm cho đại diện chính quyền cách mạng tại Ngọ Môn năm 1945. Ngày Huế giải phóng năm 1975, bà cũng đến Thuận An quay lại cảnh tháo chạy của quân Cộng hòa. Cũng vào dịp ấy, bà trở lại quê nhà ở Nham Biều, Hương Hồ sau 30 năm xa cách.
Kể lại giây phút trở lại thăm quê hương, bà Phượng rưng rưng xúc động với ký ức vẹn nguyên: “Ngôi làng tôi lúc ấy không có vết tích của bom đạn, con đường nhỏ khi tôi ra đi vẫn còn, những ngôi nhà vẫn hệt như thế. Khi tôi bước vào nhà ngoại, nhìn rặng hàng rào bằng chè tàu, ngửi mùi thanh trà, hoa bưởi, hoa nhãn, nghe tiếng chim hót… những kỷ niệm xưa ùa về. Dù xông pha bom đạn, tôi vẫn can trường, vậy mà khi bước chân lên bậc thềm vào nhà, cả người tôi xúc động nghẹn ngào, bủn rủn không đi được. Cảm giác này đến giờ vẫn sâu sắc và tôi hiểu rằng, hai chữ quê nhà có tác động lớn để tôi làm mọi việc chỉ để quê nhà được giải phóng”.
Đạo diễn Xuân Phượng cũng vinh dự nhiều lần được gặp Bác Hồ. Bà nhớ, khi ở chiến khu Việt Bắc vào mùa đông, bà và nhiều đồng đội nữ thường tranh thủ ngủ nướng quá giờ kẻng báo thức. Một lần Bác Hồ đi thị sát đời sống cán bộ vào sáng sớm, bà vội vàng vùng dậy réo gọi chị em: “Bác Hồ đến rồi, dọn dẹp nhanh lên”. Thế nhưng, Bác Hồ đã đứng sau lưng, cất giọng: “Trễ rồi, các cô gái ơi!”.
Hồi ký “Gánh gánh... gồng gồng...” được đạo diễn Xuân Phượng viết lại từ cuốn hồi ký “Áo dài” (bằng tiếng Pháp) của bà. Năm 2001, tác phẩm này được nhà xuất bản Plon in ấn và phát hành tại Paris. Sau đó, nó được dịch ra tiếng Anh, tiếng Ba Lan. Cuốn sách tạo tiếng vang lớn khắp nước Pháp, Thụy Sỹ, Mỹ… Nhiều nơi mời bà Phượng đến nói chuyện để tìm hiểu về một người phụ nữ Việt Nam bình thường đã chiến đấu ra sao.
Chia sẻ về cuốn sách, NSND, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhận xét: “Bằng giọng kể đơn giản, chân thực, ở bất cứ đoạn nào của cuộc đời chị cũng có sự độ lượng, không oán trách, than vãn mà luôn thể hiện tấm lòng nhân ái, sự trân trọng những con người, những tình cảm đẹp đẽ trong các mối quan hệ với gia đình, đồng nghiệp, bạn bè mình”.
Bài, ảnh: MINH HIỀN