ClockThứ Bảy, 17/11/2018 14:50
Tổng kết và trao giải Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Thừa Thiên Huế 2018:

Nhiều công trình có hàm lượng khoa học và tính ứng dụng cao

TTH.VN - Đó là đánh giá của GS. TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thừa Thiên Huế về kết quả Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Thừa Thiên Huế 2018.

Sáng 17/11, Ban Tổ chức Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ (STKHCN) Thừa Thiên Huế 2018 tổ chức lễ tổng kết và trao Giải thưởng STKHCN Thừa Thiên Huế lần thứ IX, năm 2018.

Bí thư Tỉnh ủy trao Giải nhất cho ông Hà Thanh Long - Đại diện công trình giải Nhất của Công ty Điện lực tỉnh 

Giải thưởng do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thừa Thiên Huế, Đại học Huế, Liên đoàn lao động tỉnh, Tỉnh Đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức.

Buổi lễ có ông Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế; ông Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam đến tham dự và trao giải.

Giải thưởng STKHCN được tổ chức 2 năm/lần. Năm 2018, các công trình tham gia giải thưởng có sự gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Nhiều công trình dự thi có hàm lượng khoa học cao. Nhiều công trình có tính mới, sáng tạo và khả năng ứng dụng cao vào đời sống.

Có 63 công trình tham gia ở 7 lĩnh vực, gồm: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; Cơ khí và Tự động hóa; Y Dược; Công nghệ vật liệu; Sinh học phục vụ sản xuất đời sống; Công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên; Công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới; Khoa học xã hội và nhân văn.

Ban tổ chức quyết định trao giải thưởng cho 56 công trình, bao gồm: 5 giải nhất, 15 giải nhì, 19 giải ba và 17 giải khuyến khích. Đồng thời tuyển chọn 28 công trình tham gia Giải thưởng STKHNC Việt Nam (vượt 8 giải so với quy định chung).

Điểm đặc biệt cuộc thi năm nay, ngoài 6 lĩnh vực dự thi chung toàn quốc, Thừa Thiên Huế có thêm một lĩnh vực mới, thế mạnh của địa phương là khoa học xã hội nhân văn.

Bên cạnh đó, đây cũng là năm đầu tiên Giải thưởng có người nước ngoài tham gia và đạt giải. Cụ thể là tác giả Andrea Teufel (đồng tác giả với Nguyễn Đăng Khánh), tham gia giải với công trình “Nghiên cứu, phát triển, đào tạo và triển khai phương pháp mới để bảo tồn và phục hồi các công trình di sản có trang trí, áp dụng nguyên bản kỹ thuật xây dựng, đặc biệt là kỹ thuật thất truyền vẽ “fresco” và vữa màu”. Công trình đạt giải Ba trong lĩnh vực công nghệ vật liệu.

Nhóm tác giả đạt giải Ba

Theo đánh giá của GS. TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thừa Thiên Huế, Giải thưởng đã góp phần động viên tích cực phong trào thi đua yêu nước sáng tạo khoa học trong đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật của tỉnh nhà, theo hướng ngày càng quy mô hơn, hiệu quả hơn. Điều đó rất có ý nghĩa trong việc phát huy nội lực và tiềm năng to lớn của trí tuệ đội ngũ các nhà khoa học tỉnh nhà.

Ban tổ chức mong muốn và đề nghị các ban ngành, các trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… coi việc tổ chức hoạt động này là công việc thường xuyên, hằng năm để khuyến khích các nhà khoa học, các nhà sáng tạo trong toàn tỉnh phát huy tinh thần tự lực, tự cường, say mê nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đồng thời cần có những giải pháp cụ thể để áp dụng thành công những công trình khoa học công nghệ nói chung và những công trình đã đạt giải thưởng.

Ông Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, đánh giá rất cao những nỗ lực và hiệu quả của Thừa Thiên Huế trong công tác tổ chức Giải thưởng STKHCN thời gian qua. Đồng thời, đề nghị Ban tổ chức Giải thưởng của Thừa Thiên Huế quan tâm nhiều hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi hơn về hoạt động này để thu hút các nhà khoa học tham gia.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương, chúc mừng các tác giả/nhóm tác giả đạt Giải thưởng STKHCN năm nay và đánh giá cao vai trò trách nhiệm của các đơn vị phối hợp tổ chức giải thưởng. Đồng thời, lưu ý điểm hạn chế là tỉ lệ các nhà khoa học của tỉnh tham gia Giải thưởng còn rất khiêm tốn.

Ông Nguyễn Dung nhấn mạnh: “Việc tổ chức Giải thưởng STKHCN là giải pháp vô cùng quan trọng của Thừa Thiên Huế nhằm khơi dậy tiềm năng, động viên các ý tưởng sáng tạo trong giới trẻ và các nhà khoa học. Để Giải thưởng nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa, được đầu tư bài bản và tạo ra sự lan tỏa lớn hơn trong thời gian tới, tôi đền nghị các đơn vị phối hợp làm tốt hơn công tác tuyên truyền và xem đây là nhiệm vụ hàng đầu, là nhiệm vụ chung của các  ngành. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh là cơ quan thường trực nên cần tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tập hợp và rút kinh nghiệm, để tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Giải thưởng đạt kết quả tốt nhất”.

Tin, ảnh: Đồng Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

TIN MỚI

Return to top