|
Các chuyên gia làm việc tại Hội thảo “Thảo luận bàn tròn về phát triển hạ tầng cây xanh - mặt nước ở Huế” |
Góp phần giảm tác động
biến đổi khí hậu
Là một trong những đô thị lâu đời nhất ở Việt Nam, Huế là nơi có mật độ không gian xanh trên đầu người ở mức tương đối cao với khoảng 12,9m2/người theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Phát triển tỉnh vào năm 2020. Tuy nhiên, không gian xanh (và mặt nước) không có sự phân bố đồng đều trên toàn thành phố.
“Những mảng xanh của Huế hiện tập trung chủ yếu ở các phường Kim Long, Thuận Thành, Thuận Hòa và Tây Lộc với 4.228 ngôi nhà vườn có diện tích ít nhất 400m². Các nhà vườn Huế đã góp phần tạo nên mật độ cây xanh cao. Tuy nhiên, do sự gia tăng của các khu dân cư với kiến trúc hiện đại, những công trình kiến trúc mang đặc điểm tự nhiên của thảm thực vật và nước như nhà vườn đang dần bị mất đi”, TS. KTS. Nguyễn Vũ Minh, Phó Trưởng khoa Kiến trúc, Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế thông tin.
Trong khi những mảng xanh trong thành phố đang có xu hướng suy giảm, ngược lại, tác động của biến đổi khí hậu ở Thừa Thiên Huế đang ngày một rõ ràng. Với việc khí hậu ngày càng ấm lên cũng như tổng lượng mưa có xu hướng gia tăng (theo nghiên cứu của dự án M-Brace vào năm 2015), TP. Huế có thể sẽ đối mặt với sự tăng nhiệt độ ở mức từ thấp đến vừa của lớp nhiệt độ không khí gần mặt đất. Những tác động này có khả năng sẽ làm trầm trọng hơn những thách thức về môi trường đang tồn tại ở thành phố, bao gồm áp lực nhiệt và ngập lụt. Những vấn đề môi trường cấp bách khác, đặc biệt ở khu vực trường đại học và trung tâm thành phố đông đúc, có thể kể đến như ô nhiễm không khí và tiếng ồn.
“Theo nhiều nghiên cứu, ở những khu vực nội đô đông đúc với tỷ lệ bê tông hóa cao, nhiệt độ có thể tăng lên từ 2 đến 3οC so với khu vực xung quanh vào những ngày hè nóng nực. Tải nhiệt ở các khu vực nội đô đông dân cư có thể tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người dân đô thị. Điều đó làm nổi bật lên vai trò của cơ sở hạ tầng cây xanh - mặt nước trong việc góp phần làm mát không khí xung quanh”, PGS. TS. Trần Anh Tuấn, Trưởng Bộ môn Quản lý Tài nguyên Môi trường và Biến đổi khí hậu, Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế chia sẻ.
Theo PGS. TS. Trần Anh Tuấn, việc tăng cường các mảng xanh đô thị của TP. Huế có thể giải quyết những thách thức môi trường, nâng cao khả năng chống chịu của thành phố trước những hiện tượng thời tiết cực đoạn cũng như biến đổi khí hậu. Đồng thời, việc phát triển cơ sở hạ tầng cây xanh – mặt nước cũng sẽ đem lại những lợi ích về kinh tế và xã hội, bao gồm định hình Huế là một điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, tạo các lợi thế cạnh tranh hơn so với các thành phố khác ở Việt Nam, nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua hình thành các không gian công cộng và nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời giữ vững danh hiệu “Huế - Thành phố xanh của Việt Nam”.
Nhiều rào cản
Trong khuôn khổ hội thảo “Thảo luận bàn tròn về phát triển hạ tầng cây xanh – mặt nước ở Huế” được Viện Nghiên cứu và Phát triển tỉnh tổ chức vừa qua, 33 chuyên gia về các lĩnh vực môi trường, kiến trúc, nông nghiệp đã cùng nhau thảo luận về những rào cản trong việc phát triển hạ tầng cây xanh – mặt nước ở Huế, qua đó đưa ra một số giải pháp.
Theo TS. Nguyễn Bắc Giang, Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế, thông qua thảo luận, các chuyên gia đều nhận định hiện việc phát triển hạ tầng cây xanh – mặt nước tại Huế gặp phải nhiều rào cản như: Thiếu nguồn nhân lực quản lý cây xanh, thiếu nguồn vốn tài chính, chính sách không theo kịp quá trình đô thị hóa, nhận thức của người dân còn kém, thiếu sự đồng bộ trong hoạt động cải tạo cơ sở hạ tầng và xây dựng công trình…
“Những rào cản trên khiến lượng xả thải của thành phố tăng lên do sự gia tăng về mật độ dân cư, từ đó dẫn đến việc thiếu mặt bằng cho cây xanh tại các khu vực đông dân cư. Bên cạnh đó còn là việc diện tích mặt nước bị thu hẹp do ao, hồ bị san lấp, đồng thời việc phá bỏ mảng xanh để xây dựng các cơ sở hạ tầng cũng là sự đánh đổi quá trình phát triển kinh tế và phát triển bền vững”, TS. Nguyễn Bắc Giang phân tích.
Hội thảo đã đưa ra một số giải pháp như tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về chính sách, pháp luật về môi trường; nghiên cứu các yếu tố lịch sử trong quá trình nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng thoát nước để giảm tình trạng ngập úng trong Hoàng thành Huế, đồng thời giữ được nét di sản; tăng cường chuyển đổi số để thuận tiện trong việc quản lý cũng như cập nhật kịp thời các quy hoạch về cơ sở hạ tầng cây xanh – mặt nước; có chính sách giám sát về việc san lấp các hồ…