|
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Xin đồng chí khái quát bối cảnh và những kết quả nổi bật của công tác đối ngoại của đất nước trong năm 2023?
Trong năm 2023, chúng ta chứng kiến một số sự kiện quốc tế tích cực. Nổi bật như việc cộng đồng quốc tế đã cơ bản kiểm soát được đại dịch COVID-19 để các quốc gia tập trung phục hồi sự phát triển kinh tế - xã hội ở trong nước. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) họp tại Dubai (UAE) đạt những thỏa thuận, được đánh giá là báo hiệu "bắt đầu sự kết thúc" của kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch - nguyên nhân lớn nhất gây biến đổi khí hậu. Các thành tựu về trí tuệ nhân tạo (AI) đã mở ra những tiềm năng to lớn mới cho sự phát triển của đời sống con người.
Đồng thời, như Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hội nghị giữa nhiệm kỳ cũng như Hội nghị Trung ương 8 vừa qua của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhận định, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo và xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức hơn. Cạnh tranh nước lớn vẫn diễn ra gay gắt, toàn diện, thậm chí có cả tính chất đối đầu. Các cuộc xung đột và tình hình căng thẳng gia tăng cả về số lượng, phạm vi địa lý và tác động đối với cả các bên xung đột và quốc tế. Cụ thể, trong khi cuộc cuộc xung đột khốc liệt ở Ukraine còn tiếp diễn thì bùng nổ cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas; tình hình ở Bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan (Trung Quốc), Biển Đông diễn biến phức tạp; bất ổn xảy ra ở nhiều nơi ở châu Phi.
Chạy đua vũ trang được đẩy mạnh trở lại, trong đó có chạy đua vũ trang hạt nhân và trong khoảng không vũ trụ. Trong khi đó, kinh tế thế giới phục hồi chậm, đứng trước nhiều rủi ro cả trong thời gian trước mắt và lâu dài. Những thách thức an ninh phi truyền thống tiếp tục biểu hiện gay gắt như thiên tai nặng nề xảy ra ở một số nước. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres mở đầu thông điệp nhân dịp năm mới 2024 với đánh giá: "Năm 2023 là năm của nhiều khổ đau, bạo lực và biến đổi khí hậu".
Trong bối cảnh quốc tế rất khó khăn đó, công tác đối ngoại trong năm 2023 đã đạt được kết quả quan trọng, tạo những đột phá mới. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá, công tác đối ngoại, ngoại giao đạt những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước qua hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Thứ nhất, đường lối của Đại hội XIII coi trọng phát triển với các nước láng giềng. Trong năm qua, chúng ta tiếp tục tăng cường sự tin cậy chính trị, mở rộng hợp tác, tạo những dấu ấn mới, củng cố vững chắc quan hệ với các nước giềng.
Với Trung Quốc, chuyến thăm Việt Nam thành công của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân cùng Đoàn Đại biểu Cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc (12 - 13/12/2023) cùng với chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (30/10 - 1/11/2022) là những dấu ấn lịch sử trong quan hệ hai Đảng, hai nước. Tham gia chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình còn có nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Trung Quốc.
Đảng, Nhà nước Trung Quốc khẳng định Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc, thu xếp chuyến thăm Việt Nam là kết thúc tốt đẹp cho năm đầu tiên triển khai Nghị quyết của Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Những sự kiện đặc biệt quan trọng này làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược, tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi quan trọng mới để phát triển quan hệ hai nước vững chắc, ổn định và thiết thực hơn nữa.
Lãnh đạo cấp cao hai nước, các bộ, ngành, địa phương của hai nước đã gặp gỡ, trao đổi để triển khai các nhận thức cấp cao, thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hợp tác giữa hai nước được mở rộng, có nhiều điểm mới trong năm qua.
Với Lào và Campuchia - những nước láng giềng có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt, Cuộc gặp cấp cao lần thứ hai sau 30 năm giữa ba đồng chí đứng đầu ba Đảng của Việt Nam, Lào, Campuchia (7/9/2023), các cuộc gặp giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, giữa Thủ tướng ba nước và Hội nghị cấp cao đầu tiên của Quốc hội ba nước (5/12/2023) đã khẳng định mạnh mẽ truyền thống đoàn kết đặc biệt, sự gắn bó và giúp đỡ lẫn nhau là một tất yếu khách quan, là quy luật sống còn, nhân tố quan trọng hàng đầu đối với an ninh và phát triển của mỗi nước. Hợp tác kinh tế được xác định là lĩnh vực đột phá và hợp tác quốc phòng - an ninh là trụ cột đều đạt những tiến triển mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các lãnh đạo chủ chốt, cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo cấp cao của tất cả các nước Đông Nam Á khác đã tiến hành nhiều chuyến thăm lẫn nhau, trao đổi và gặp gỡ dưới nhiều hình thức để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, đề ra phương hướng hợp tác song phương và trong khuôn khổ ASEAN, đáp ứng yêu cầu của mỗi nước và ASEAN trong tình hình mới. Những thỏa thuận đó được thể hiện bằng kết quả cụ thể trong nhiều lĩnh vực.
Việt Nam đã cùng với Trung Quốc, Lào, Campuchia nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh, đạt nhiều kết quả mới trong việc xây dựng đường biên giới trên bộ hòa bình, hợp tác và phát triển. Ta cũng đã cùng các nước láng giềng trên biển mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, thúc đẩy cơ chế liên lạc về những vấn đề trên biển. Việt Nam cũng kiên trì, kiên quyết đấu tranh để bảo vệ các quyền lợi chính đáng của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS 1982), đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và tăng cường hợp tác ở Biển Đông.
Thứ hai, chúng ta tích cực thực hiện đường lối của Đại hội XIII là đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đối tác quan trọng khác, trong đó có việc nâng tầm và tạo những đột phá.
Trước hết, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (10 - 11/9/2023), hai bên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cũng là khi thành lập Liên hợp quốc vào năm 1945, Việt Nam là đối tác chiến lược hoặc đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Hai bên khẳng định cơ sở của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ là các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và sự tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Nhất trí làm sâu sắc hơn nữa quan hệ chính trị - ngoại giao, xác định hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư và tăng trưởng kinh tế bao trùm dựa trên đổi mới sáng tạo là nền tảng cốt lõi, động lực quan trọng của quan hệ song phương. Đặc biệt, việc đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số được xác định là đột phá mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Trước đó, Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev thăm Việt Nam (21 - 23/5/2023), hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Qua chuyến thăm, Việt Nam thể hiện sự coi trọng truyền thống quan hệ tốt đẹp, những giúp đỡ hiệu quả, quý báu của Nga đối với Việt Nam trong kháng chiến, xây dựng và bảo vệ đất nước, tầm quan trọng chiến lược của quan hệ Việt Nam - Nga, tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi nước, góp phần bảo đảm hòa bình, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục phát triển trong nhiều lĩnh vực, trong đó có chính trị, thương mại, quốc phòng. Ấn Độ xác định Việt Nam là một trong những "đối tác hàng đầu" ở khu vực. Cuối năm qua, Việt Nam và Nhật Bản nâng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đến Việt Nam (22 - 24/6/2023), hai nước trao đổi 111 văn kiện hợp tác theo những phương hướng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hai nước thiết lập vào tháng 12/2022. Hợp tác với Australia được mở rộng, tiếp tục tạo điều kiện cho việc đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Quan hệ với New Zealand và các nước khác ở Nam Thái Bình Dương cũng có những phát triển mới.
Việt Nam thúc đẩy quan hệ chính trị và nội dung hợp tác mới trong các lĩnh vực với EU, Anh, các nước giữ vai trò quan trọng trong EU như Đức, Pháp, Italy, đi sâu hợp tác trong các lĩnh vực mà một số nước có thế mạnh như Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Luxembourg, nước bạn bè truyền thống như Bulgaria. Quan hệ với các nước bạn bè truyền thống được quan tâm, thúc đẩy phát triển, đặc biệt là quan hệ với Cuba, việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Bahamas, Trinidad và Tobago, hoàn thành việc thiết lập quan hệ ngoại giao với cả 33 nước Mỹ Latinh. Việt Nam đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các nước đang thể hiện vai trò mới ở Trung Đông, châu Phi như Iran, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Tanzania. Nhân chuyến thăm Tòa thánh Vatican của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào tháng 7/2023, hai bên công nhận Thỏa thuận về Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng đại diện thường trú của Tòa thánh ở Việt Nam. Trong tháng 12/2023 vừa qua, Giáo hoàng đã bổ nhiệm Đại diện thường trú đầu tiên của Tòa thánh tại Việt Nam.
Thứ ba, các lĩnh vực, công tác quan trọng khác của đối ngoại, ngoại giao được quan tâm thúc đẩy và đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, ngoại giao kinh tế góp phần chủ động, tích cực vào việc phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, tranh thủ các cơ hội đáp ứng những yêu cầu phát triển mới của đất nước. Việc phát triển quan hệ chính trị để tạo thuận lợi cho hợp tác trong các lĩnh vực. Các vấn đề kinh tế, thương mại, đầu tư, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), khoa học - công nghệ, lao động, bảo vệ lợi ích kinh tế chính đáng của nhà nước, doanh nghiệp, người dân Việt Nam là những nội dung lớn trong trao đổi giữa Việt Nam với các đối tác, đặc biệt trong các trao đổi, chuyến thăm cấp cao. Nhiều thỏa thuận giữa Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác đã được ký kết và thực hiện. Việt Nam tiếp tục là nước đi đầu trong tham gia các khuôn khổ, sáng kiến thương mại, kinh tế, đầu tư đa phương, qua đó mở rộng cơ hội hợp tác kinh tế với nhiều đối tác.
Ngoại giao đa phương trong quan hệ Đảng, Nhà nước và nhân dân góp phần quan trọng vào việc phát huy vai trò của các thể chế và luật pháp quốc tế, củng cố hợp tác để giải quyết các vấn đề chung, thúc đẩy lợi ích của đất nước. Những chủ trương và hoạt động ngoại giao đa phương trong năm qua cũng thể hiện, Việt Nam là thành viên tích cực, trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế như tham gia vào các nỗ lực quốc tế để ứng phó với biến đổi tiêu cực của khí hậu - vấn đề hiện được cộng đồng quốc tế quan tâm hàng đầu. Hay, những đóng góp mới của Việt Nam vào đối ngoại đa phương trong các lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Việt Nam được tín nhiệm bầu đảm nhiệm những vị trí quan trọng mới tại các tổ chức quốc tế.
Công tác thông tin và văn hóa đối ngoại có nhiều đóng góp kịp thời đối với những yêu cầu về đối ngoại; được triển khai chủ động, bài bản với sự phối hợp đồng bộ hơn; nội dung và phương thức có nhiều đổi mới, kết hợp ngày càng hiệu quả với thông tin ở trong nước. Những yêu cầu mới của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã kịp thời được Đảng, Nhà nước quan tâm thúc đẩy ở trong nước và với các đối tác quốc tế.
Thứ tư, công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về đối ngoại được tiến hành thường xuyên, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, là cơ sở quan trọng cho việc triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và kịp thời ứng phó với những vấn đề nảy sinh.
Những kết quả nổi bật là Nghị quyết số 34-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII, Nghị quyết mới về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc của Ban Chấp hành Trung ương (tháng 10/2023), các nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác ngoại giao kinh tế, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, việc tăng cường quan hệ với các đối tác quan trọng và chủ trương đối với những vấn đề phức tạp nảy sinh.
Các cơ quan tham mưu, nghiên cứu, lý luận đã triển khai việc tổng kết lý luận và thực tiễn của 40 năm đổi mới, triển khai nghiên cứu, phục vụ việc xây dựng đường lối đối ngoại Đại hội XIV của Đảng. Cùng với đó là việc nghiên cứu về trường phái đối ngoại, ngoại giao "cây tre Việt Nam", cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" đã được xuất bản, thu hút sự quan tâm rộng rãi ở trong nước và quốc tế.
Những kết quả đối ngoại quan trọng trong năm 2023 cùng những thành tựu được đánh giá là "điểm sáng" trong nửa nhiệm kỳ vừa qua của Đại hội XIII, đã phát huy mạnh mẽ vai trò của đối ngoại - được Đại hội XIII xác định là tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước, tạo cơ hội chiến lược mới về đối ngoại trong quá trình đổi mới để đất nước ta tăng cường quan hệ và cục diện đối ngoại thuận lợi, tranh thủ thêm điều kiện quan trọng mới theo những yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo các mục tiêu phát triển được Đại hội XIII đề ra.
Kết quả của việc thực hiện đường lối đối ngoại của Việt Nam còn có nhiều tác động quốc tế, không chỉ liên quan đến quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác mà còn có đóng góp vào công việc của cộng đồng quốc tế, củng cố vai trò của các nước ASEAN, các nước đang phát triển; thể hiện ý nghĩa của đường lối độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại trong thế giới ngày nay.
Sau các hoạt động đối ngoại lớn của Việt Nam, đặc biệt trong những ngày cuối năm 2023, chính giới ở nhiều nước, nhiều cơ quan báo chí và học giả quốc tế có uy tín đánh giá, năm 2023 là năm rất thành công của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới rất phức tạp hiện nay; đánh giá cao đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, đề cập nhiều đến trường phái đối ngoại, ngoại giao "cây tre Việt Nam" và đi sâu phân tích về đường lối, các hoạt động đối ngoại của Việt Nam. Các bình luận quốc tế cũng nêu bật việc Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới đón lãnh đạo cao nhất của hai cường quốc hàng đầu là Trung Quốc và Hoa Kỳ trong cùng một năm.
Cơ sở cho những thành công của đối ngoại Việt Nam trước hết là cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế chưa bao giờ có được như ngày nay, như Đại hội XIII đã nhận định, được củng cố bằng những kết quả quan trọng, khá toàn diện qua nửa nhiệm kỳ của Đại hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: "Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn". Những thành công đó cũng bắt nguồn từ đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, trường phái đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" và sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí: Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Phó Chủ Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp tham gia vào hoạt động đối ngoại quan trọng, tạo định hướng và thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, nhất là với các đối tác lớn, quan trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, "bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trong quá trình hình thành và phát triển của mình cũng đều phải xử lý hai vấn đề cơ bản là đối nội và đối ngoại" và đối ngoại ngày nay "không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các dân tộc". Thực tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo, cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, quyết định đường lối lớn, quyết sách đột phá, chỉ đạo hoạt động đối ngoại quan trọng và xử lý những vấn đề phức tạp, tạo dấu ấn thành công trong việc xây dựng và thực hiện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Việt Nam trong năm 2023 cũng như những năm qua. Trong năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp tham gia gần 50 hoạt động đối ngoại, hết lòng, hết sức với các công việc đối ngoại.
Công tác đối ngoại trong năm 2023 cũng thể hiện rõ nét hơn nữa sự phối hợp của ba trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, trong đó, có ngoại giao Quốc hội, đối ngoại quốc phòng - an ninh trong sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị với sự tham gia tích cực của các ngành, cấp, địa phương.
Xin đồng chí cho biết hiệu quả phối hợp của ba trụ cột đối ngoại trong năm 2023 và những định hướng lớn cho công tác đối ngoại năm 2024 ?
Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên xác định xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, gồm ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Nghị quyết số 34-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ về vị trí, vai trò của từng trụ cột đối ngoại trong triển khai đường lối đối ngoại của Đảng.
Trong đó, đối ngoại Đảng có vai trò định hướng chiến lược tổng thể, xác định chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, góp phần xây dựng nền tảng chính trị vững chắc và điều kiện thuận lợi cho quan hệ của Việt Nam với các nước. Ngoại giao nhà nước đóng vai trò nòng cốt trong thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng. Đối ngoại nhân dân đóng vai trò nòng cốt trong tăng cường hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước, tạo nền tảng xã hội và hỗ trợ cho đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước. Đồng thời, sau Đại hội XIII, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân trong hình hình mới (5/1/2022) và Đề án số 01-ĐA/TW về tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại Đảng đến năm 2025 (3/3/2022).
Sự phối hợp giữa ba trụ cột của ngoại giao thể hiện trước hết qua công tác nghiên cứu, tham mưu, cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đảng như sự phối hợp giữa Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, nhiều ban, bộ, ngành, các tổ chức đối ngoại nhân dân và địa phương trong việc xây dựng đường lối, chủ trương thể hiện ở các văn bản của Đảng, Nhà nước.
Trong năm 2023, trên cơ sở những đường lối, chủ trương như đã nêu trên của Đảng, các hoạt động đối ngoại được triển khai ngày càng đồng bộ theo phương hướng đường lối đối ngoại nói chung và chủ trương đối với các đối tác và trong lĩnh vực khác nhau. Hoạt động của các cơ quan, tổ chức liên quan góp phần tăng cường xây dựng chiến lược và kế hoạch đối ngoại theo phương hướng chung. Các hoạt động đối ngoại được tổ chức đồng bộ, bổ sung lẫn nhau, tiếp tục đổi mới về nội dung và hình thức.
Các Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Ban Bí thư công tác trong hệ thống các cơ quan Đảng và tổ chức chính trị-xã hội đã thăm, làm việc ở khoảng 50 quốc gia, đón và tiếp xúc với hàng trăm lãnh đạo, đại diện của các đối tác quốc tế. Trong đó, nhiều hoạt động được triển khai với các chính phủ, chính đảng ở các nước bạn bè truyền thống ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Các Ủy viên Trung ương Đảng là Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương cũng tham gia nhiều hoạt động đối ngoại ở cấp Trung ương và địa phương. Qua đó, Đảng ta tăng cường sự ủng hộ của lãnh đạo chính trị ở các nước đối với việc phát triển quan hệ song phương, thúc đẩy các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực, trao đổi kinh nghiệm, lý luận, nâng cao vị thế của Đảng, đất nước.
Thực tế, lãnh đạo, đại diện Đảng ta ở các cấp không chỉ gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo, đại diện các chính đảng mà cả Chính phủ, tổ chức nhân dân ở các nước khác. Các đối tác quốc tế vào thăm, làm việc tại Việt Nam theo kênh nhà nước đều mong muốn được gặp, tiếp xúc với lãnh đạo Đảng ta. Điều đó cũng cho thấy các đối tác quốc tế rất am hiểu, tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam và vị thế, vai trò, uy tín của Đảng và các lãnh đạo Đảng.
Các hoạt động đối ngoại nhân dân được đẩy mạnh theo những hướng ưu tiên được nêu trong Chị thị 12 của Ban Bí thư, đối với các nước láng giềng, đối tác quan trọng, truyền thống, với sự tham gia của nhiều tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể, tổ chức nhân dân. Cụ thể, hoạt động của các đoàn thể, tổ chức nhân dân của ta trong dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Chủ tịch Đảng Nước Nga thống nhất Dmitry Medvedev thăm Việt Nam và kỷ niệm 50 năm chuyến thăm Quảng Trị của Lãnh tụ Cuba Fidel Castro. Đối ngoại nhân dân tích cực tham gia hoạt động kỷ niệm các năm tròn, năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước. Công tác vận động viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đạt trên 200 triệu USD. Các tổ chức của ta cũng thông qua những hình thức đa dạng để tranh thủ kinh nghiệm, tri thức trong các lĩnh vực, làm sâu sắc hơn quan hệ với nhân dân ở các nước, thông tin về đất nước và bảo vệ những lợi ích của Việt Nam.
Về phương hướng công tác đối ngoại của năm 2024, cần tiếp tục quán triệt đường lối đối ngoại của Đại hội XIII, các văn kiện liên quan của Đảng, Nhà nước, ý kiến chỉ đạo định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc và Hội nghị Ngoại giao 32. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu vẫn là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Điều cũng rất quan trọng là thực hiện hiệu quả những kết quả, thỏa thuận với các đối tác quốc tế, tức là, công việc thực hiện và thúc đẩy thực hiện, tranh thủ cơ hội chiến lược thuận lợi mới mở ra. Qua đó, đối ngoại sẽ tiếp tục góp phần tích cực vào công cuộc phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Công tác đối ngoại cũng cần phục vụ tốt các công việc chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng.
Những nhiệm vụ đó đòi hỏi việc tiếp tục nâng cao chất lượng của công tác nghiên cứu, dự báo và tham mưu, đội ngũ cán bộ, cơ chế để tăng cường sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức liên quan, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị.