ClockThứ Sáu, 17/10/2014 20:50

Nhớ lời di chúc nặng công ơn

TTH - Ngày tôi biết nhìn, trong ngôi nhà tranh đã có hình của Người. Cha tôi dạy tôi tập nói “Bác Hồ” và tôi nói theo mỗi ngày. Lần đầu tiên cắp sách đến trường, tôi được học thuộc lòng “ 5 điều Bác Hồ dạy”. Bắt đầu từ đó, tôi luôn phấn đấu để trở thành “Cháu ngoan Bác Hồ”, được ra Thủ đô Hà Nội gặp Bác. Bài ca “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ” là điều có thực với tôi và với thiếu nhi Việt Nam.

Rồi một ngày đầu tháng chín, lũ trẻ chúng tôi theo chân cha mẹ kéo nhau về trung tâm xã để nghe “Thông báo đặc biệt” của Đảng và Nhà nước về tình hình sức khỏe của Bác. Khác với mọi khi, cả sân UBND xã đầy ắp người thế mà không ai nói với ai điều gì, kể cả chúng tôi thường ngày vẫn huyên náo nhất cũng nép bên cha mẹ như nín thở… tôi thấy mọi người đang chắp tay trước ngực, miệng lâm râm điều gì đó.

Nhà sàn nơi ở và làm việc của Bác Hồ trong Khu di tích Phủ Chủ tịch

Sáng mùng ba tháng chín năm 1969, tôi đạp xe đến trường. Đến bến đò Trung Quán (Quảng Bình) thấy đò không qua sông. Trên bờ mọi người đứng như lặng đi. Tất cả nhẹ chân xúm lại quanh một vị cán bộ có chiếc đài bán dẫn mang theo. Điều chẳng ai chờ đợi đã ập đến: Bác Hồ kính yêu qua đời! Dòng người đổ về bến ngày một đông, tạo nên sự ùn tắc trật tự đến kỳ lạ. Rất nhiều người khóc thành tiếng. Lũ học trò chúng tôi, thường ngày chen chân qua đò lúc nào cũng láo nháo cả lên, thế mà hôm đó, ông lái đò cứ giục chúng tôi nhanh lên đò cho kịp giờ thế mà chẳng đứa nào buồn bước chân xuống đò. Hôm ấy hầu như cả trường nghỉ học.

Trong ngày tang lễ Bác Hồ, bản Di chúc của Người đã được công bố. Chúng tôi trong lớp chuyền tay nhau chép lại bản Di chúc để học. Nhớ lần đến lớp, ngồi trên đò, thằng Duệ nói cùng cả nhóm bạn: “Sáng nay tiết văn của thầy Hoàng Kim Cẩn, có kiểm tra học thuộc lòng Di chúc của Bác Hồ đó”. Hôm trước tôi ốm, không đi học nên không biết chuyện đó. Tôi quyết định không theo xe đạp của Duệ chở nữa mà đi bộ. Tôi vừa đi vừa lấy tập vở đọc thuộc lòng bản chép tay Di chúc của Bác. Không hiểu sao từ bến đò đến Trường cấp III Nam Quảng Ninh, băng qua đồng Quảng Xá chỉ hơn ba cây số, thế mà tôi đã thuộc lòng bản Di chúc. Đến giờ kiểm tra miệng học thuộc lòng, thầy Cẩn gọi rất nhiều bạn lên bảng, đa phần phải về chỗ và nhận những lời trách cứ. “Tâm Hành... lên bảng! Cậu mà không thuộc nữa thì chết với tôi!”. Thầy Cẩn nghiêm sắc mặt nói như ra lệnh. Tôi lên bảng và rất tự tin đọc lại Di chúc của Người: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn…”. Chỉ được hơn một phần ba bài, thầy Cẩn cho tôi về chỗ và nói với cả lớp “Thấy chưa… phải học như thế chứ… Tâm Hành mười điểm!”. Đó là điểm mười môn văn duy nhất trong đời học sinh của tôi.

Ao ước được đến bên Người, dẫu muộn màng nhưng đã thành hiện thực. Những lần ra Hà Nội công tác tôi thường dành thời gian vào viếng lăng Người, thăm nơi ở và làm việc của Người trong Khu di tích Phủ Chủ tịch. Những lần như thế, lòng tôi cảm thấy thanh thản lạ thường. Là nhà báo, tôi đã có những bài báo viết về Người, về những điều “mắt thấy, tai nghe”. Nhiều đồng nghiệp nói với tôi rằng, viết về Bác khó quá, vì Bác của chúng ta quá vĩ đại mà mình thì quá nhỏ bé. Còn tôi thì nghĩ khác “Bác vĩ đại thật, nhưng Người không ở trên cao. Người ở ngay bên cạnh chúng ta”. Tấm gương của Người là tấm gương mẫu mực, giản dị, đời thường. “Bởi cuộc sống của Người là cuộc sống không ngoài cuộc sống của đồng bào, đồng chí mình”.

Nhớ về Bác Hồ kính yêu, tôi không sao quên được câu chuyện cách đây đã 15 năm, một lần đến viếng thăm Khu di tích Phủ Chủ tịch ở Ba Đình - Hà Nội, sau cơn đại hồng thủy 1999 ở Huế chỉ mới mươi hôm.

Tôi xin được người chỉ dẫn đến thăm cây quả trong vườn Bác, nhất là xem cây thanh trà được Đảng bộ và nhân dân Bình Trị Thiên (cũ) mang ra trồng bây giờ ra sao. Rất nhanh quay trở ra, nữ cán bộ văn phòng với vẻ niềm nở: “Lãnh đạo đồng ý và đặc biệt chính đồng chí giám đốc khu di tích sẽ hướng dẫn anh đi”. Tôi thật sự bất ngờ!

Giám đốc Ban quản lý Di tích Phủ Chủ tịch lúc đó là Tiến sĩ Trần Viết Hoàn. Bác Hoàn người dong dỏng cao, trầm tĩnh và đôn hậu. Chỉ sau cái bắt tay và vài lời tự giới thiệu, hai bác cháu tôi như đã thân thiết từ lâu. Hơn một giờ đồng hồ, bác Hoàn dẫn tôi đi hết vòng ngoài cho đến vòng trong và cả căn phòng đặc biệt nơi Bác Hồ trút hơi thở cuối cùng. Bác Hoàn kể cho tôi nghe cặn kẽ đến từng chi tiết về mỗi gốc cây, ngọn cỏ nơi đây. Mỗi câu chuyện kể, chỉ là cây cỏ, hoa lá, đàn cá, lối đi, những kỷ vật Người để lại… tất cả như một pho truyện dài, gắn với đó là những bài học làm người. Tôi lặng người khi nhìn thấy trên bàn làm việc của Người có chiếc lon đựng bút bằng vỏ lon sữa Con Gấu đã lấm tấm gỉ sắt. Một chiếc bút chì chỉ còn bằng ngón tay út được đựng bên trong. Trên tường treo một tấm lịch của Nhà xuất bản Tiến Bộ - Hà Nội mà tấm bìa lịch, giấy lịch vẫn còn lẫn sợi rơm. Những thứ này sao mà giống “Góc học tập” của tôi ở nhà vào những tháng năm đó vậy? Khi đến bên chiếc giường Bác nằm lúc lâm bệnh, tôi đã khóc. Nước mắt nhòe hết cả ống kính máy ảnh: Trời ơi, trên chiếc gối trắng gối đầu của Người vết lõm vẫn còn nguyên!

Khi chia tay, bác Hoàn nói với tôi: “Hôm nay cậu đã được một đặc ân rồi đó. Cho mình gửi lời thăm bà con trong Huế nhé!”. Sau này tôi mới hiểu sự “đặc ân” mà bác Hoàn dành cho tôi là sự thật. Vì từ khi nhận cương vị Giám đốc BQL Khu di tích Phủ Chủ tịch, tôi là cá nhân đầu tiên được Giám đốc Trần Viết Hoàn đích thân hướng dẫn, ngoại trừ các đoàn ngoại giao và nguyên thủ các quốc gia.

Bài và ảnh: Tâm Hành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lừa đảo chiếm đoạt tiền của người có nhu cầu ghép thận

Ngày 22/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Huế cho biết, vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Hoàng Thị Phương Ngọc (SN 1987, trú tại 383 Nguyễn Tất Thành, phường Thủy Dương, TX. Hương Thủy) và Trương Trọng Long (SN 1991, trú tại phường Đạt Hiếu, TX. Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) về hành vi “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Lừa đảo chiếm đoạt tiền của người có nhu cầu ghép thận
Quảng Điền huy động hiệu quả các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Chiều 22/11, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt nhằm thảo luận, đóng góp ý kiến vào Dự thảo lần 1, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quảng Điền khóa XIV, trình Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025 – 2030.

Quảng Điền huy động hiệu quả các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại
Diễn tập thực chiến ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng

Ngày 22/11, UBND tỉnh tổ chức diễn tập thực chiến ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng năm 2024. Đây là một trong những sự kiện quan trọng nhằm đảm bảo an toàn, an ninh mạng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số bền vững tại địa phương.

Diễn tập thực chiến ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
Return to top