|
Ngày 30/4/1975, xe tăng của Quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ảnh: Tư liệu |
Với thắng lợi to lớn ấy, không thể không nhắc đến sự quan tâm, theo dõi và lãnh đạo sát sao từ “Tổng hành dinh” chiến dịch gồm: Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh. Trong những ngày tháng nóng bỏng và quyết liệt ấy, từ “Tổng hành dinh”, các đồng chí lãnh đạo tối cao của Đảng ngày đêm bám sát, tập trung trí tuệ, tài năng…, kịp thời đưa ra những quyết sách, kế hoạch chiến lược, chiến dịch, những mệnh lệnh, chỉ thị sáng suốt, nhằm cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ anh dũng đứng lên “Tổng tấn công và nổi dậy”, tiến vào dinh lũy cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân 1975.
Sau thắng lợi chiến dịch Tây Nguyên và Trị Thiên – Huế, ngay tối 25/3/1975, Quân ủy Trung ương gửi điện cho Quân ủy miền và Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng, cùng Đại tướng Văn Tiến Dũng – Tư lệnh chiến dịch, khẳng đinh: “Trên thực tế, cuộc tổng tiến công chiến lược của ta bắt đầu với chiến thắng Tây Nguyên và các chiến trường khác. Cuộc chiến đấu đã vào giai đoạn phát triển nhảy vọt. Chiến thắng trên chiến trường Huế - Đà Nẵng và Nam Bộ làm cho địch suy sụp nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Thời cơ lớn về chiến lược đã đến. Cần tranh thủ thời gian… hoàn thành càng sớm càng tốt quyết tâm chiến lược mà Bộ Chính trị đã đề ra…”.
Thắng lợi từ chiến dịch Tây Nguyên, Trị Thiên - Huế, rồi đến Đà Nẵng, đã làm sụp đổ tấm lá chắn của VNCH ở phía Bắc, mở toang cánh cửa vào sài Gòn. Con đường chiến thắng của quân ta dẫn tới sào huyệt cuối cùng của chế độ Sài Gòn đang rộng mở.
Trong niềm vui dồn dập đó, chiều 29/3/1975, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn gửi điện cho Trung ương Cục miền Nam nhận định: “…Tình hình biến chuyển mau lẹ. Cuộc cách mạng miền Nam đang bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt... Trên thực tế, có thể coi chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã bắt đầu từ đây”.
Nhằm kịp thời thúc đẩy và tranh thủ chớp thời cơ, sáng 31/3/1975, tại Hà Nội, Bộ Chính trị họp mở rộng để bàn về đòn chiến lược cuối cùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Sau khi phân tích kỹ tình hình chiến trường, Hội nghị nhận định những nhân tố mới đã xuất hiện rõ nét trong trận Đà Nẵng. Ta hơn hẳn địch cả về thế chiến lược lẫn lực lượng quân sự, chính trị. Dù Mỹ có tăng viện cũng không thể cứu vãn sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, dựa trên sức mạnh của ba đòn chiến lược (chủ lực, nông thôn và thành thị), từ ngoài đánh vào, kết hợp với lực lượng tại chỗ từ trong đánh ra, lấy chủ lực từ ngoài đánh vào là quyết định, tập trung lực lượng tiến công địch, nhanh chóng lợi dụng thời cơ, dồn dập phát triển thắng lợi…
Sau hội nghị, Bí thư Lê Duẩn điện ngay vào chiến trường:
“...Cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ “một ngày bằng hai mươi năm”. Do vậy, Bộ Chính trị quyết định: Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm. Phải hành động thần tốc, táo bạo, bất ngờ. Phải tiến công ngay lúc địch hoang mang, suy sụp. Tập trung lực lượng lớn hơn nữa vào những mục tiêu chủ yếu trên từng hướng, trong từng lúc”.
Hôm sau, ngày 1/4/1975, Quân ủy Trung ương điện cho Bộ Tư lệnh miền thúc giục: “… Hiện nay ta đã có đầy đủ lực lượng và khả năng để giành thắng lợi hoàn toàn trong một thời gian ngắn hơn dự kiến rất nhiều… Thời gian phải tính từng ngày. Phải thần tốc, thần tốc, toàn thắng, nhất định toàn thắng”.
Trên tinh thần đó, sáng 7/4/1975, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi điện cho các đơn vị đang đổ vào chiến trường: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”.
Trước thế trận và nhịp độ khẩn trương, quyết liệt trong cuộc Tổng tấn công, chiều 14/4/1975, theo đề nghị từ chiến trường, Bộ Chính trị gửi điện thống nhất đổi tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định thành Chiến dịch Hồ Chí Minh, nhằm kịp thời động viên, khích lệ quân và dân tham gia chiến dịch nỗ lực quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với tên gọi Bác Hồ kính yêu.
Chấp hành Chỉ thị của Bộ Chính trị, Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch tác chiến theo phương án đã được Trung ương Cục thông qua. Ngày 22/4/1975, lần cuối cùng, kế hoạch tiến công vào Sài Gòn được Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh phê duyệt.
Ngày 26/4/1975, Bộ Chính trị họp thống nhất tấn công, đánh chiếm 5 mục tiêu quan trọng đã được Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh xác định gồm: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, dinh Tổng thống, Biệt khu Thủ đô và Tổng nha Cảnh sát.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, đúng 5 giờ 30 phút sáng 30/4/1975, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh ra lệnh tổng công kích, đánh chiếm 5 mục tiêu được phê duyệt. Theo đó, từ bốn hướng Đông, Bắc và Tây Bắc, Tây Nam, quân ta đồng loạt tiến công vào nội đô phối hợp với quần chúng nhân dân nổi dậy đập tan hệ thống chính quyền Sài Gòn, làm chủ thành phố. Đến 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 lịch sử, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam kiêu hãnh tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, Tổng thống Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc cuộc chiến tranh trường kỳ gian khổ trong suốt 21 năm, Bắc – Nam chính thức sum họp một nhà trong khúc khải hoàn ca, như lời mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.