Khách du lịch tìm hiểu hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế
Hiện Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế còn lưu giữ được một trong những lá cờ nền đỏ, ở giữa là ngôi sao vàng của Nhân dân thôn Quy Lai, xã Phú Thanh (Phú Vang). Đó là lá cờ do đồng chí Hồ Khắc Hiếu sử dụng trong đoàn biểu tình tham gia Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 tại đình làng Quy Lai.
Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, dù chính quyền tay sai và bọn thực dân luôn đàn áp, khủng bố Nhân dân ta, nhưng cờ Tổ quốc vẫn xuất hiện nhiều lần ở ngay trong lòng địch.
Năm 1948 - 1949, đồng chí Trần Thanh Chiến, Xã đội trưởng xã Phú Mỹ (Phú Vang) đã giao cho đồng chí Nguyễn Hiến- dân quân du kích xã lá cờ Tổ quốc có kích cỡ 0,53 x 0,40 mét để treo ở nơi cao nhất trong xã làm cho Nhân dân càng tin tưởng vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Năm 1949, chính lá cờ này cũng được treo ở hàng rào Đồn Sư Lỗ, làm cho địch ở trong đồn một phen hoảng loạn, lo sợ.
Lá cờ do BTL Đặc công tặng Đại hội mừng công thắng Mỹ của quân dân Trị Thiên - Huế năm 1973
Thời kỳ cả nước kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lá cờ Tổ quốc vẫn luôn đồng hành cùng với cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Thừa Thiên Huế trong các buổi họp và có khi còn được các cán bộ cách mạng mang theo để đấu tranh trong nhà lao đế quốc. Đồng chí Ân, một cơ sở cách mạng ở xã Phú Lương (Phú Vang) đã tự may lá cờ đỏ sao vàng kích cỡ 1,15 x 0,79 mét và giao cho đồng chí Trần Con, Bí thư Nông hội xã Phú Lương dùng trong những buổi lễ, họp bí mật hay kết nạp đảng viên mới.
Đồng chí Hoàng Nín, quê ở xã Quảng Lợi (Quảng Điền) là một cán bộ cách mạng bị địch bắt, giam giữ tại nhà lao Phú Quốc, Côn Đảo từ năm 1968 – 1975. Trong chốn lao tù, đồng chí vẫn bí mật giữ lá cờ Tổ quốc kích cỡ 1,12 x 0,77 mét. Dù bị địch tra tấn dã man, nhưng nhớ đến lá cờ, đồng chí vẫn một lòng kiên trung, đặt niềm tin vào Đảng, Bác Hồ luôn ở bên soi sáng, chỉ đường để có thêm nghị lực vượt qua mọi cám dỗ, đòn roi của kẻ thù. Mùa Xuân năm 1975, tin quê hương Thừa Thiên Huế sắp được giải phóng càng làm cho cán bộ, quân và dân các địa phương trong tỉnh thêm vui mừng, phấn khởi. Để tạo không khí chào đón chiến thắng ở quê mình, đồng chí Lê Chút ở Phú Lộc đã tự tay may một lá cờ đỏ sao vàng kích cỡ 1,12 x 0,08 mét để treo.
Cờ do Mặt trận Dân tộc giải phóng Trị Thiên - Huế tặng
Bên cạnh cờ Tổ quốc, cờ Đảng, quân và dân Thừa Thiên Huế còn dùng cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam để đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Những năm 1967 – 1969, được cấp trên giao, đồng chí Hoàng Ngọc Bưu, thôn Hòa Mỹ, xã Phong Mỹ (Phong Điền) đã sử dụng lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam kích cỡ 0,60 x 0,56 mét để làm công tác dân vận, tập hợp quần chúng Nhân dân ở Phong Mỹ đấu tranh chống Mỹ - Ngụy tấn công lên vùng chiến khu Hòa Mỹ. Năm 1985, đồng chí Bưu đã tìm lại được lá cờ và chuyển giao cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế.
Những ngày cuối cùng của cuộc tấn công và nổi dậy Xuân 1975, chị em tiểu thương chợ Đông Ba đã dùng vải tự may bằng tay thành những lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam để kịp thời phối hợp với lực lượng học sinh, sinh viên, quân và dân TP. Huế vùng lên chớp thời cơ giành thắng lợi, giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế ngày 26/3/1975.
Về những lá cờ cách mạng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế Cao Huy Hùng chia sẻ: “Trong số những lá cờ lưu giữ ở bảo tàng, có một số lá cờ giá trị lịch sử rất đặc biệt, tiêu biểu như cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng quân, dân Trị Thiên do lập được thành tích xuất sắc trong chiến đấu năm 1954; cờ do Mặt trận Dân tộc giải phóng Trị Thiên- Huế tặng quân, dân Thừa Thiên Huế với tám chữ vàng: “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường” từ những chiến công vang dội, có sức mạnh rung chuyển chính trường nước Mỹ mùa Xuân 1968; lá cờ “Giải phóng” rộng 8m, dài 12m tung bay trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu ngày 26/3/1975 đánh dấu mốc son lịch sử Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng. Những lá cờ đó thể hiện tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất trong công cuộc chống ngoại xâm và xây dựng quê hương của Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế; là những phần thưởng cao quý mà Đảng, Bác Hồ, Chính phủ, các ngành, các địa phương và kể cả các nước đã trao tặng”.
Tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế hiện có 48 lá cờ, gồm: Cờ Tổ quốc (6 lá); cờ Đảng (1 lá); cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (6 lá); cờ “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường” (7 lá); cờ “Đơn vị khá nhất” (1 lá); cờ “Đơn vị đã có thành tích sản xuất và xây dựng khá nhất” (1 lá)...
Bài, ảnh: TÂM ANH